Tăng tốc đầu tư cho giao thông

Theo kế hoạch trong vòng 5 năm tới, thành phố sẽ bỏ ra khoảng 124.200 tỉ đồng đầu tư vào các dự án, công trình giao thông. Mức đầu tư này cao gấp 3 lần so với giai đoạn 2011 - 2015. Bên cạnh nguồn ngân sách, thành phố cũng đang nỗ lực huy động các nguồn vốn xã hội hóa, nhằm cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông


Đổi thay bộ mặt đô thị

Năm 2015 có thể xem là năm có nhiều dấu ấn trong phát triển hạ tầng giao thông thành phố với hàng loạt các công trình giao thông trọng điểm được đưa vào sử dụng cũng như nhiều công trình hạ tầng giao thông có tính đột phá được triển khai xây dựng.

Tuyến đường Phạm Văn Đồng, một trong những công trình giao thông hiện đại của thành phố.

Đầu tháng 9, người dân thành phố chứng kiến việc triển khai tuyến du lịch trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè bằng thuyền. Đây thực sự là một dấu ấn khó tin, minh chứng cho những đổi thay trong việc đầu tư, phát triển đô thị, cải thiện môi trường. Để thay đổi được dòng kênh đen này cũng như tạo ra được tuyến giao thông xuyên tâm dọc hai bênh bờ kênh Nhiêu Lộc, thành phố đã đầu tư hàng trăm triệu USD. Hơn 12 km đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm giờ cũng trở thành con đường thơ mộng, mát mẻ, khác hẳn cảnh tượng nhếch nhác, hôi thối đã tồn tại bao đời. Tuyến đường này tạo ra một trục giao thông liên hoàn, nối liền các quận Tân Bình, Tân Phú, quận 5, quận 6, quận 11, giảm đáng kể áp lực giao thông ở khu vực “nổi tiếng kẹt xe” này. Tổng mức đầu tư mà thành phố bỏ ra để thay đổi bộ mặt dòng kênh đen này cũng gần 2.000 tỷ đồng.

Cùng với tuyến đường dọc hai con kênh chính của thành phố, tuyến đường Phạm Văn Đồng được thông xe toàn tuyến cũng là một trong những công trình trọng điểm, làm thay đổi cơ bản bộ mặt giao thông thành phố. Đây là tuyến đường nằm trong hệ thống giao thông vành đai của TP Hồ Chí Minh với tổng chiều dài gần 14 km, chạy dài từ sân bay Tân Sơn Nhất đến quốc lộ 1 với tổng vốn đầu tư khoảng 340 triệu USD. Không chỉ là một tuyến đường giao thông hiện đại, đường Phạm Văn Đồng đi qua 4 quận Tân Bình - Gò Vấp - Bình Thạnh - Thủ Đức còn là một tuyến đường huyết mạch, kết nối trung tâm thành phố với các khu đô thị vệ tinh xung quanh và các tỉnh liền kề Bình Dương, Đồng Nai, góp phần giảm ùn tắc cho cửa ngõ phía đông, nhất là các tuyến đường Kha Vạn Cân, Bạch Đằng, Đinh Bộ Lĩnh...

Không chỉ vậy, nỗi ám ảnh kẹt xe ở khu vực ngã 6 Gò Vấp trong nhiều năm qua cũng sắp được giải quyết, khi công trình cầu vượt thép tại khu vực giao lộ này đang được gấp rút thực hiện để đưa vào sử dụng cuối năm 2015. Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh, tình trạng kẹt xe khu vực giao lộ ngã 6 Gò Vấp sẽ giảm đến 80% khi công trình cầu vượt bằng thép ở ngã 6 này được hoàn thành đưa vào sử dụng. Với hình dạng chữ Y, chiều dài gần 240 m và rộng 6 m của trục cầu vượt chính hướng Nguyễn Oanh - Nguyễn Kiệm và nhánh rẽ hướng Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Oanh dài gần 280 m và rộng 6 m, công trình cầu vượt ngã 6 Gò Vấp được kỳ vọng sẽ xua tan nỗi ám ảnh kẹt xe đối với người dân tương tự như hiệu quả giảm kẹt xe của các cây cầu vượt bằng thép được thành phố xây dựng và đưa vào sử dụng gần đây như cầu vượt ngã 4 Thủ Đức, Hàng Xanh, Lăng Cha Cả, giao lộ Hoàng Hoa Thám - Cộng Hòa...

Huy động mọi nguồn lực

Theo UBND thành phố, vốn đầu tư trong 5 năm tới (2016 - 2020) cho các dự án lĩnh vực giao thông đường bộ sẽ là 124.200 tỉ đồng, tăng hơn gấp 3 lần so với khoảng chi gần 39.000 tỉ đồng cho lĩnh vực giao thông từ năm 2011 đến nay. Trong đó vốn từ ngân sách thành phố chiếm hơn 55.000 tỉ đồng, còn lại các nguồn vốn đối ứng và hỗ trợ các dự án PPP, vốn Trung ương, vốn ODA và vốn của nhà đầu tư tự huy động, nguồn xã hội hóa…

Nguồn vốn đầu tư này sẽ được tập trung vào các công trình trọng điểm nhằm thay đổi cơ bản hệ thống giao thông của thành phố, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông như hệ thống cầu vượt thép tại nút giao ngã 6 Gò Vấp, nút giao thông vòng xoay Mỹ Thủy, nút giao Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh; xây dựng hầm chui tại ngã tư An Sương, nút giao thông An Phú, nút giao Cộng Hòa - Trường Chinh; dự án nâng cấp, mở rộng các tuyến cửa ngõ ra vào thành phố như quốc lộ 50, quốc lộ 1 (huyện Bình Chánh), đường Tân Kỳ Tân Quý…

Xã hội hóa nguồn vốn đầu tư giao thông được xem là một chủ trương nhất quán và phát huy tốt trong thời gian qua. Ông Tất Thành Cang, Phó Chủ tịch UBND thành phố, khi còn làm Giám đốc Sở GTVT thành phố từng khẳng định nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông rất lớn, do đó chỉ có ngân sách Nhà nước thì khó đáp ứng nổi. Việc các doanh nghiệp bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để đầu tư xây dựng cầu đường rất đáng biểu dương và ghi nhận.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, giao thông thành phố trong những năm qua được cải thiện là nhờ chính sách xã hội hóa phát huy tốt tác dụng. Nếu tính từ năm 2011 đến nay, thành phố đã đầu tư khoảng 39.000 tỷ đồng cho hạ tầng giao thông các loại, thì trong đó, có hàng ngàn tỷ đồng từ xã hội hóa đầu tư. Không chỉ huy động vốn từ các hình thức BOT hay BT, thành phố còn linh động trong việc chấp thuận cơ chế cho nhà thầu ứng vốn thi công, ngân sách trả chậm… nhằm giải quyết việc thiếu vốn ngân sách, khiến các công trình chậm tiến độ. Chính vì vậy, thời gian qua, thành phố đã huy động được nguồn vốn xã hội hóa hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư theo hình thức PPP, BOT, BTO, BT…

Đánh giá về giao thông thành phố, TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn, một chuyên gia về quy hoạch đô thị cho rằng: Trong những năm qua, TP Hồ Chí Minh đã quan tâm đầu tư những trục giao thông xuyên tâm, đường vành đai, như đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, đại lộ Nguyễn Văn Linh, đại lộ Phạm Văn Đồng... cùng những tuyến đường cao tốc, giúp đô thị phát triển vươn ra ngoại ô, góp phần giảm tải cho khu vực trung tâm, tạo động lực đẩy mạnh phát triển kinh tế. Thành phố cũng đang phát huy nguồn lực của tư nhân để đưa hạ tầng giao thông phát triển. Tuy nhiên, đây cũng chỉ mới là giai đoạn có tính khởi đầu. Trung tâm thành phố trong tương lai cần có hệ thống metro cùng mạng lưới xe buýt để giải quyết bài toán giao thông công cộng nội đô. Ở khu vực ngoại vi, ngoài những tuyến đường cao tốc hướng tâm cũng cần đầu tư xây dựng những tuyến vành đai cao tốc, để có một hệ thống giao thông hoàn chỉnh hơn.

L. Hiền
Nhiều công trình trọng điểm gây ùn tắc giao thông
Nhiều công trình trọng điểm gây ùn tắc giao thông

Nhiều công trình giao thông trọng điểm của Hà Nội đang đồng loạt triển khai khiến cho việc đi lại của người dân gặp khó khăn, nhất là vào giờ cao điểm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN