Hiện nay, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải... cũng đưa số điện thoại lên đường dây nóng để tiếp nhận 24/24 giờ các thông tin, phản ánh của người dân trên toàn quốc. Sự vào cuộc của lãnh đạo ngành giao thông là một trong những giải pháp quyết liệt để góp phần xử lý vi phạm an toàn giao thông.
Xử lý nhanh vi phạm
Tháng 5 vừa qua, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia Khuất Việt Hùng đã đi kiểm tra đột xuất công tác phục vụ vận tải tại hai bến xe lớn của Hà Nội là Giáp Bát, Mỹ Đình. Tại cuộc kiểm tra đó, ông Khuất Việt Hùng đã bắt tại trận hai xe khách BKS 17B - 009.92 của Công ty TNHH Tôn Thắng chạy tuyến Thái Bình - Hà Nội và 18B - 013.18 của HTX vận tải đường bộ Trực Ninh (chạy tuyến Nam Định - Hà Nội) chở quá số người quy định đang trả khách trong bến. Ngay lập tức, ông Khuất Việt Hùng đã yêu cầu lãnh đạo bến xe xuống hiện trường xử lý ngay vi phạm chở quá tải của hai xe khách này, để đảm bảo quyền lợi của người dân. Ít ai biết rằng, vụ việc trên được ông Khuất Việt Hùng xử lý thành công là nhờ tin báo qua đường dây nóng được người dân gọi trực tiếp.
Thông tin đường dây nóng được các lực lượng chức năng giải quyết. |
Thông qua đường dây nóng của Ủy ban ATGT Quốc gia, ngày 24/2, tại Km 1413 QL1 qua địa phận xã Ninh Ích (Ninh Hòa, Khánh Hòa), các CSGT chốt tại huyện Ninh Hòa cũng đã kịp thời phát hiện xe khách BKS 76B - 005.13 chạy tuyến Quảng Ngãi - Bà Rịa Vũng Tàu chở quá người quy định. Lái xe Nguyễn Thanh Thuyền (sinh năm 1974, ở Phổ Cường, Đức Phổ, Quảng Ngãi) đã “nhồi nhét” 64 hành khách, trong khi quy định chỉ được chở 44 người. Ngay sau đó, xe khách này đã bị xử phạt với mức 900.000 đồng/khách quá tải, chủ doanh nghiệp bị phạt 6 triệu đồng, tổng cộng mức phạt 24 triệu đồng...
Phó vụ trưởng Vụ ATGT (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) Đặng Văn Chung cho biết: Trong cuộc chiến chống xe quá tải, đường dây nóng của Tổng cục nhận được rất nhiều phản ánh của lái xe. Gần đây nhất, tại Nhà máy xi măng Xuân Thành (Quảng Nam) trên QL14, chính lái xe đã nhắn tin báo cho chúng tôi để bắt đoàn xe chở quá tải từ nhà máy này đi Lào. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chỉ đạo Thanh tra Cục Quản lý đường bộ III truy bắt. Kết quả đã xử lý ba xe chở quá tải trên 100%.
Từ tháng 8/2015, Ủy ban ATGT Quốc gia công bố 12 số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận 24/24 giờ các thông tin, phản ánh của người dân trên toàn quốc về tình hình trật tự ATGT, gồm: Tổng cục Đường bộ Việt Nam: 0904299089, 0913432383, 0917908085, 0916908085; Bộ GTVT: 0962665953, 0964045445, 0977497891; Ủy ban ATGT Quốc gia: 0989088719, 0997175777, 0995918666; Cục CSGT: 06942608; Cục Đường thủy nội địa: 0438451888. |
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong 8 tháng qua, Tổng cục đã nhận 1.500 thông tin qua đường dây nóng từ phản ánh của người dân. Tổng cục đã xử lý 800 tin và chuyển cơ quan liên quan xử lý 700 tin. Ngoài ra, Tổng cục cũng đã giải đáp 1.000 tin nhắn hướng dẫn và xử lý về kiểm soát tải trọng xe. Qua đó, đã phát hiện, giải quyết kịp thời nhiều vấn đề bất cập về hư hỏng xuống cấp của các tuyến quốc lộ, hệ thống biển báo, tín hiệu, các điểm mất ATGT...
Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia Uông Việt Dũng đánh giá, 8 tháng qua, thông tin từ đường dây nóng đã góp phần tích cực hỗ trợ các ngành chức năng ngăn chặn sai phạm về vi phạm luật giao thông, qua đó, giảm thiểu tình trạng tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông. Tất cả số điện thoại riêng của lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia đều được dùng làm đường dây nóng. Ngoài ra, số điện thoại đường dây nóng của lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải... cũng hoạt động hiệu quả. Nhiều phản ánh của người dân được trực tiếp xử lý nhanh chóng, chính xác. Đáng mừng là lực lượng chức năng các địa phương khi được phản ánh thông tin từ đường dây nóng đều tích cực xử lý.
Để đường dây nóng luôn nóng
Đánh giá về hiệu quả của đường dây nóng, ông Vũ Ngọc Lăng, Vụ trưởng Vụ ATGT (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết: Hiện có 10 số điện thoại đường dây nóng được đặt tại cơ quan Tổng cục và 104 số của các đơn vị đặt dọc các tuyến đường. Qua đường dây nóng, cơ quan quản lý kịp thời phát hiện những bất cập, phát sinh trong tổ chức giao thông, kịp thời chỉ đạo các đơn vị điều chỉnh. Nhiều vấn đề như nhồi nhét khách, nâng giá vé, xe khách phóng nhanh vượt ẩu được kịp thời ngăn chặn. Qua đường dây nóng cũng đã phát hiện nhiều trường hợp xe quá tải trốn tránh qua trạm cân...
“Đường dây nóng là một kênh để tiếp nhận thông tin về những bất cập trong tổ chức giao thông từ người tham gia giao thông. Bên cạnh đó cũng giải đáp nhiều thắc mắc của người dân, doanh nghiệp, qua đó hướng dẫn cho họ thực hiện tốt việc tham gia giao thông đúng luật”, ông Lăng chia sẻ.
Còn theo ông Đỗ Công Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), sau khi nhận được thông tin phản ánh, một số Sở Giao thông Vận tải đã kịp thời xác minh, giải quyết bước đầu các sự việc. Tuy nhiên, để thực hiện đúng các quy định về quản lý vận tải, xử lý các hành vi vi phạm nhằm chấn chỉnh hoạt động vận tải đường bộ, nâng cao chất lượng dịch vụ và đảm bảo ATGT, các Sở Giao thông Vận tải cần tiếp tục thực hiện việc kiểm tra, xác minh các nội dung đã được người dân phản ánh và xử lý các hành vi vi phạm theo quy định đối với lái xe và đơn vị vận tải vi phạm. Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các điều kiện kinh doanh vận tải và các quy định khác có liên quan.
“Đối với những vụ việc người dân phản ánh đầy đủ, xác thực, chúng tôi lập tức chuyển thông tin cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền như: Sở Giao thông Vận tải, lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông của các địa phương xử lý kịp thời những vi phạm nóng của các lái xe, doanh nghiệp vận tải, đảm bảo ATGT và quyền lợi hành khách”, ông Khuất Việt Hùng khẳng định.