Tăng cường hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ngày 12/7, Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh có thông báo các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn thành phố thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, đơn vị sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 6 tháng (tính từ tháng đơn vị nộp hồ sơ đề nghị) nếu đủ điều kiện quy định tại Điều 5, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Đối với đơn vị đã được giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ, nếu đủ điều kiện thì vẫn được giải quyết nhưng tổng thời gian tạm dừng đóng vào quỹ của cả 3 Nghị quyết không quá 12 tháng.

Chú thích ảnh
Cán bộ phường 1, Quận 3 (TP Hồ Chí Minh) chi trả hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. (Ảnh tư liệu)

Trường hợp đơn vị đủ điều kiện, cơ quan Bảo hiểm xã hội ban hành Quyết định về việc tạm dừng đóng và quỹ hưu trí và tử tuất trong thời hạn 4 ngày làm việc. Ngược lại, nếu không đủ điều kiện hoặc hồ sơ bị thiếu, cơ quan Bảo hiểm xã hội lập phiếu hướng dẫn gửi về đơn vị thông qua dịch vụ bưu chính.

Về việc giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, ông Phan Văn Mến - Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, các đơn vị sử dụng lao động theo quy định tại Điều 1 Quyết định số 23/2011/QĐ-TTg được giảm mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022. Thời gian giảm mức đóng được tính hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, ông Mến đề nghị khẩn trương liên hệ với cơ quan Bảo hiểm xã hội để thực hiện giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo đúng quy định. Cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ thực hiện giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 0,5% xuống 0% và gửi thông báo cho đơn vị qua dịch vụ bưu chính.

Về việc hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động, cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ xác nhận đơn vị đủ điều kiện theo quy định và được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề đối với người lao động đã đóng đủ bảo hiểm tai nạn từ 12 tháng trở lên…

Về việc xác nhận danh sách người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động; danh sách người lao động ngừng việc; danh sách lao động theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, Bảo hiểm xã hội Thành phố đề nghị cơ quan sử dụng lao động lập danh sách người lao động gửi cơ quan Bảo hiểm xã hội nơi quản lý thu bảo hiểm xã hội để được xác nhận.

Theo ông Phan Văn Mến, đơn vị sử dụng lao động tự kê khai, chịu trách nhiệm các thông tin trước pháp luật; cơ quan Bảo hiểm xã hội chỉ xác nhận các tiêu chí: họ và tên, mã số bảo hiểm xã hội, thời điểm bắt đầu tạm hoãn, nghỉ việc không hưởng lương, thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động hay nghỉ không hưởng lương... Để hạn chế việc làm lại hồ sơ, ông Mến cũng khuyến nghị đơn vị sử dụng lao động có thể liên hệ viên chức quản lý thu rà soát, đối chiếu các mẫu danh sách trước khi gửi hồ sơ đến cơ quan Bảo hiểm xã hội.

Tin, ảnh: Thanh Vũ (TTXVN)
Trẻ em thuộc diện cách ly y tế được hỗ trợ như thế nào từ gói 26.000 tỷ đồng?
Trẻ em thuộc diện cách ly y tế được hỗ trợ như thế nào từ gói 26.000 tỷ đồng?

Bạn đọc hỏi: Gia đình tôi nằm trong diện đi cách ly, trong đó có em tôi đang học tiểu học. Vậy em tôi có được nhận hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng không và phải đóng những chi phí gì?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN