Mỗi gia đình an toàn, cộng đồng được an toàn
Gia đình ông Nguyễn Trọng Đề (phường Lam Khê) là một trong số 224 hộ nghèo, cận nghèo được Công an thành phố Uông Bí tặng bình cứu hỏa trong ngày 10/8/2023. Ông Đề cho biết, trước đây tổ dân phố nơi ông sinh sống cũng như nhiều cụm dân cư khác đã được tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng cháy, chữa cháy, song đây là lần đầu tiên được tặng bình cứu hỏa. Được hướng dẫn thực hành sử dụng bình cứu hỏa để chữa cháy, ông Đề cảm thấy rất thiết thực, phòng khi có sự cố cháy nổ, các hộ dân có thể kịp thời xử lý, giảm thiểu được thiệt hại không chỉ cho gia đình mà còn cho cộng đồng.
Khẳng định việc trang bị bình chữa cháy cho các hộ dân là cần thiết, tạo mối liên kết ở khu dân cư, hình thành các tổ liên gia phòng cháy, chữa cháy, ông Nguyễn Văn Mạc (khu An Hải, phường Phương Nam) cho rằng, hiện nay nguy cơ cháy nổ rất cao, nhất là cháy do bị chập điện. Do đó, khi các hộ dân trang bị được bình cứu hỏa trong nhà, nếu có sự cố xảy ra tại một hộ trong khu dân cư thì tất cả các hộ xung quanh đều có dụng cụ, kiến thức để hỗ trợ chữa cháy, đồng nghĩa với việc đám cháy có cơ hội được dập tắt nhanh hơn, thiệt hại về người và tài sản sẽ thấp hơn, cộng đồng an toàn hơn.
Với quyết tâm “Mỗi hộ gia đình tự trang bị 1 bình chữa cháy” và “Mỗi hộ gia đình phải có ít nhất một người được tập huấn kiến thức, kỹ năng chữa cháy và cứu nạn cứu hộ” theo Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ. Công an thành phố Uông Bí đã tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị, đồng thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở, UBND các phường, xã vận động cán bộ, công nhân viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn tích cực hưởng ứng cuộc vận động của Thủ tướng chính phủ.
Qua đó, đã có hơn 13.000 hộ gia đình tự mua hơn 15.200 bình chữa cháy để trang bị tại gia đình. 100% cán bộ chiến sỹ lực lượng Công an thành phố tự mua 269 bình chữa cháy để tự trang bị cho gia đình và tặng cho bạn bè, người thân... Đến nay, toàn thành phố có trên 30% số hộ dân đã trang bị bình chữa cháy và có kỹ năng phòng cháy, chữa cháy.
Nhân rộng mô hình trang bị bình chữa cháy cho hộ nghèo
Thượng tá Đỗ Văn Thiết, Trưởng Công an thành phố Uông Bí cho biết, việc mỗi hộ gia đình có ít nhất một bình chữa cháy, ít nhất một người được tập huấn kỹ năng phòng cháy, chữa cháy để đảm bảo bốn tại chỗ, phòng cháy, chữa cháy từ sớm từ xa, từ đám cháy nhỏ để không lan ra đám cháy lớn là hết sức cần thiết, bởi để dập tắt được đám cháy, “thời điểm vàng” là trong vòng 5 phút khi đám cháy bắt đầu xảy ra.
Nhận thấy trên địa bàn thành phố Uông Bí còn 10 hộ nghèo và 214 hộ cận nghèo theo tiêu chuẩn của tỉnh, là các hộ đặc biệt khó khăn, không có điều kiện để trang bị bình cứu hỏa, Công an thành phố đã vận động 100% cán bộ chiến sỹ và các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm trên địa bàn cùng chung tay, ủng hộ kinh phí để mua bình chữa cháy trang bị, tặng cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục tham mưu cho UBND thành phố vận động các cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu trang bị bình cứu hỏa. Mục tiêu phấn đấu 100% hộ gia đình trang bị bình chữa cháy và có kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy.
Thành phố Uông Bí đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hướng tới mục tiêu trở thành đô thị kiểu mẫu, phát triển nhanh và bền vững ở vùng Đông Bắc. Thành phố có nhiều cụm công nghiệp đang phát triển. Đồng thời, trong quá trình đô thị hóa có nhiều nhà cao tầng được xây dựng, cùng những yếu tố khách quan tác động làm gia tăng nguy cơ phát sinh các vụ cháy, nổ, sự cố… Do đó, việc tuyên truyền, phổ biến để mỗi người dân nâng cao trách nhiệm về phòng cháy sẽ tạo nền tảng để làm tốt hơn công tác phòng cháy, chữa cháy.
Theo Công an tỉnh Quảng Ninh, trong năm 2023, sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình trang bị bình chữa cháy đến Công an các địa phương, đặc biệt là việc hỗ trợ bình chữa cháy cho các hộ yếu thế, giúp các hộ nghèo, cận nghèo được an toàn hơn. Đúng như mục tiêu của Chỉ thị 01 trong công tác phòng cháy, chữa cháy phải lấy phòng ngừa là chính, phòng là “xây”, chữa là “chống”, lấy phòng là “cơ bản - chiến lược - lâu dài”, làm tốt công tác phòng cháy để giảm công tác chữa cháy với phương châm: Từng nhà an toàn - Từng nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp an toàn - Từng khu phố an toàn - Từng xã, phường, thị trấn an toàn; huy động tối đa các lực lượng tại chỗ và nhân dân tham gia chữa cháy, nhất là trong “thời điểm vàng” 5 phút kể từ khi vụ cháy xảy ra với phương châm, lực lượng ở trong dân - phương tiện ở trong dân - hậu cần ở trong dân - chỉ huy ở trong dân.