Riêng tại Hà Nội, năm 2017 tỷ lệ sàng lọc trước sinh của thành phố đạt 74% số bà mẹ mang thai, 83% trẻ sơ sinh được sàng lọc một số bệnh cơ bản...
Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đưa ra tại lễ mít tinh phát động Tháng hành động quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam (26/12) năm 2017, do Bộ Y tế phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức ngày 9/12.
Hiện cả nước có khoảng 22.000 - 30.000 trẻ em có bệnh tật bẩm sinh, số trẻ bị dị tật bẩm sinh đang chiếm từ 1,5 - 2% số trẻ sinh ra, do đó việc tầm soát, chẩn đoán các bệnh bẩm sinh trước và sơ sinh là rất cần thiết.
Việt Nam dự kiến tầm soát được ít nhất 5 bệnh phổ biến cho trẻ em vào năm 2030. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN |
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý, ổn định quy mô, cơ cấu dân số hợp lý, nâng cao chất lượng dân số là mục tiêu được thành phố Hà Nội tập trung thực hiện trong những năm qua. Với sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế và sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân, công tác dân số của thành phố Hà Nội đã đạt được những thành tựu đáng kể, chất lượng dân số Thủ đô đã từng bước được nâng lên.
Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh được triển khai ở 30 quận, huyện, 584 xã, phường, thị trấn, ngoài ra còn sàng lọc khiếm thính cho trẻ từ 0-60 tháng tuổi; sàng lọc bệnh tan máu bẩm sinh cho vị thành niên, thanh niên; sàng lọc tim bẩm sinh cho trẻ sơ sinh. Các mô hình nâng cao chất lượng dân số cũng được nhân rộng như chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng; chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên; tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân…
Song hiện nay công tác dân số cũng đứng trước nhiều khó khăn do quy mô dân số lớn, địa bàn dân cư rộng. Tỷ lệ sinh con thứ ba giảm chưa ổn định, chất lượng dân số chưa tương xứng với tiềm năng, tỷ số giới tính khi sinh còn ở mức cao, tỷ lệ người cao tuổi tăng nhanh vì thế già hóa dân số đang là một thách thức lớn...
Thời gian tới, cùng với việc duy trì kết quả đạt được, Hà Nội tập trung triển khai Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; yêu cầu các cấp chính quyền phải coi công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình là một bộ phận quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp, là một nội dung trọng tâm trong chương trình hoạt động của chính quyền và các ngành, đoàn thể.