Tâm sáng của người thầy khiếm thị

Không có đôi mắt lành lặn như bao người bình thường, nhưng với nghị lực vượt qua số phận, thầy giáo khiếm thị Nguyễn Phước Thiện vẫn hằng ngày gieo bao nhiêu kiến thức ngoại ngữ, những bài học về cách làm người tốt, làm việc thiện… cho hàng trăm người sáng mắt có trình độ tri thức khá cao.


Nghị lực vượt số phận


Giữa tháng 4, chúng tôi tìm đến căn hộ nhỏ nằm ở tầng hai chung cư Nguyễn Thiện Thuật (quận 3, TP Hồ Chí Minh) để tìm gặp người thầy giáo khiếm thị đặc biệt với những lớp học đặc biệt. Tiếp chúng tôi với nụ cười hiền từ và thân mật, thầy Nguyễn Phước Thiện tâm sự: “Nhà chỉ có hai mẹ con nhưng lúc nào cũng vui vẻ, mẹ và con dựa vào nhau mà sống.


Có thể nói, may mắn và hạnh phúc của tôi là có người mẹ đã hết lòng yêu thương, san sẻ vui buồn cùng tôi và hơn hết là mẹ đã giúp tôi tự tin vượt qua những khiếm khuyết của bản thân để có ngày hôm nay. Giờ đây, dù đã chính thức làm thầy giáo hơn 20 năm nhưng với mẹ, tôi lúc nào cũng như một cậu bé cần mẹ quan tâm, che chở”.


Mặc dù không thấy ánh sáng nhưng thời gian qua, thầy Thiện đã đem tới ánh sáng tri thức cho hàng trăm người.


Nguyễn Phước Thiện mồ côi cha từ nhỏ và sống với người mẹ ngày ngày buôn gánh bán bưng, tảo tần nuôi con. Năm lên 10 tuổi, trong lúc chạy nhảy chơi đùa, Thiện bị ngã và từ đó mắt Thiện bắt đầu mờ dần. Lúc đó, bản thân Thiện cũng chưa có ý niệm sâu sắc về những khó khăn hay thiệt thòi của người bị khiếm thị. “Lúc đó tôi còn khá nhỏ, ở tuổi chưa ý thức sâu sắc về khiếm thị và việc sau này mình vào đời như thế nào. Tuy nhiên, khi lớn lên, tôi đã bắt đầu ý thức được khiếm thị sẽ có nhiều khó khăn và mình phải tự vượt qua khó khăn đó. Con đường để mình vượt qua số phận và không trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội chính là con đường học vấn. Hơn 20 năm đi trên con đường đó đã khiến tôi quên mất khái niệm buồn và cũng không còn thời gian để buồn bã hay nghĩ vớ vẩn”, thầy Thiện tâm sự.


Quả thực, khi gặp gỡ và nói chuyện trực tiếp với thầy Thiện, chúng tôi mới thấy điều này là sự thật. Trên khuôn mặt lúc nào cũng mỉm cười của thầy Thiện không thấy một nỗi buồn nào in dấu, mà toát lên hình ảnh một con người đầy tự tin, nhiệt huyết với nghề, với các học sinh thân thương. Từ cách thầy Thiện giảng bài, cách phát âm hay uốn nắn từng li từng tí cho từng học sinh khi họ viết sai từ vựng hoặc phát âm sai.


Lớp học của thầy đa số là sinh viên cao đẳng, đại học trở lên.


"Thông qua sự giới thiệu của bạn bè mà hơn 1 tháng nay em đã theo học lớp thầy Thiện. Dù bị khiếm thị nhưng cách thầy giảng bài không giống người khiếm thị, nó luôn có sức hút kỳ lạ và rất hay. Từ ngày học thầy, em thấy trình độ tiếng Anh của em đã tiến bộ rất nhiều, nhất là kỹ năng nghe và nói. Vì vậy, em sẽ tiếp tục theo học thầy tới khi nào tự tin giao tiếp với người nước ngoài mới thôi", Quang Tiếp, một học sinh đang học tại lớp tiếng Anh của thầy Thiện, cho hay.


Thu hút đông học sinh


Nguyễn Phước Thiện đã trở thành một trong những người khiếm thị đầu tiên dạy tiếng Anh cho người sáng mắt cách đây hơn 20 năm, khi anh mới học lớp 11. Ngoài giờ đi học ở trường phổ thông, anh tranh thủ đến trung tâm ngoại ngữ luyện thi lấy bằng C tiếng Anh. Trong lớp học, Thiện học chung toàn với những người lớn tuổi hơn, tuy nhiên thấy Thiện có trình độ tiếng Anh vượt trội, hỏi từ vựng nào cũng trả lời được, lại hướng dẫn nhiệt tình và cuốn hút, dần dần có người đề nghị Thiện mở lớp dạy tiếng Anh tại nhà. Anh học trò mù Nguyễn Phước Thiện đã “bất đắc dĩ” trở thành thầy giáo tiếng Anh cho bạn cùng lớp và cho những người sáng mắt hôm nay.


Thầy Thiện chia sẻ: “Đi học tiếng Anh ở trung tâm, các bạn trong lớp thường hay hỏi bài vở mình, mình chắc mình không có thông minh nhưng có siêng năng, chăm chỉ và hay thuộc bài. Ngoài ra, cái cảm giác hỏi một từ nào mình nói liền nó rất thú vị, thích thú. Từ người này giới thiệu tới người kia, học sinh của mình ngày một đông. Tuy nhiên, thời đó tài liệu học tiếng Anh dành cho người khiếm thị rất hiếm. Để tự trang bị khả năng nghe, nói cho mình cũng như các kiến thức cần thiết phục vụ soạn giáo trình giảng dạy cho người sáng mắt, mình phải dành gần như cả chục ngày đêm "rà" hơn 700 kênh của đài phát thanh, truyền hình trong và ngoài nước có dạy tiếng Anh, để nắm lịch phát sóng, nghe và ghi âm lại các bài giảng, các bản tin bằng tiếng Anh”.


Mỗi ngày, từ 8 giờ 30 sáng cho đến 21 giờ tối, hầu như ngày nào thầy Thiện cũng có lớp học. Trung bình một ngày có 4 - 5 lớp, một lớp ít nhất 5 - 6 bạn và cùng lúc đó có 1 - 2 bạn học online. Thầy Thiện xác định chỉ dạy khoảng 10 người một lúc mới có thể kiểm soát mọi hoạt động của các bạn trong lớp, đồng thời để đảm bảo việc học cho các em hiệu quả hơn. Vì có kèm sát được từng trường hợp mới kịp thời chỉnh sửa các lỗi phát âm để các em đạt hiệu quả học tập cao nhất. Ngoài ra, điều đặc biệt trong lớp học của thầy Thiện là số học viên là tầng lớp tri thức, có trình độ từ cao đẳng trở lên chiếm đa số.


Hướng đến việc thiện


Trong lớp học, ngoài công việc chính là giảng dạy tiếng Anh cho học trò, thầy Thiện còn dạy các em biết quý trọng những gì đã có và biết vươn tới những giá trị đẹp trong cuộc sống, làm việc gì cũng đừng nghĩ đến lợi ích của bản thân trước. Chính vì vậy, trong giáo trình dạy học của thầy Thiện còn lồng ghép những quan niệm sống, những giá trị sống, các hành vi ứng xử ở đời thường hay một câu chuyện về hạt giống tâm hồn, một bài giảng về cái thiện của Đạo Phật… Tất cả đều hướng các bạn học sinh đến những yếu tố tích cực, cái thiện, điều tốt trong cuộc sống.


Bạn Diệu Trang, sinh viên trường Đại học Sài Gòn, chia sẻ: “Dù chỉ học thầy có 6 tháng nhưng em cảm nhận được thầy là một người sống rất tình cảm, có tấm lòng hướng thiện. Ngoài việc dạy tiếng Anh, thầy luôn khuyến khích các em làm điều tốt, và nghĩ tốt”.


Với những học sinh chưa hiểu làm việc thiện, giúp đỡ cộng đồng ra sao, thầy Thiện tổ chức những chuyến đi thực tế đến các cơ sở bảo trợ xã hội, trại cô nhi hoặc đi thăm bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo ở các bệnh viện… Từ những hành động quan tâm, chăm lo cho những người kém may mắn, bất hạnh hơn mình, dần dần các em cũng được cảm hóa. “Có bạn trẻ vốn xa lạ với việc thiện, việc nghĩa nhưng sau mỗi chuyến đi thực tế đến các cơ sở bảo trợ xã hội, trại trẻ mồ côi, thăm người tàn tật để cùng chia sẻ khó khăn với họ, khi về nhà, nhiều em đã biết yêu thương, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với gia đình, bạn bè và biết quan tâm tới những người kém may mắn trong cộng đồng hơn. Nhiều em còn lặn lội cùng tôi bắt xe lửa hàng tuần đi ra Phan Thiết dạy tiếng Anh cho trẻ em thất học ở đồi cát”, thầy Thiện tâm sự.



Bài và ảnh:Hoàng Tuyết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN