Theo Chi cục Thủy lợi - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, tuyến đê kè Đông Hải có chiều dài 2.123 m. Những ngày qua, do bất lợi của thời tiết, sóng biển liên tục đánh vào thân đê chắn sóng, làm nhiều đoạn bị sạt lở, sụp lún sâu. Tình trạng trên đã gây rất nhiều khó khăn cho việc lưu thông cũng như ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Người dân ở khu phố 10 (phường Đông Hải) cho biết, không chỉ bị sóng biển đánh gây sạt lở, nhiều đoạn đê kè còn chịu tác động thường xuyên của nhiều phương tiện tải trọng lớn lưu thông qua lại nên cũng bị sụt lún sâu nhiều đoạn. Cụ thể vào khoảng 5 giờ 45 phút ngày 30/10, xe tải biển kiểm soát 85S - 036.97 lưu thông trên tuyến đê đã tác động làm mặt kè sập một đoạn hơn 30 m và sâu hơn 2 m, thân kè bị gãy đôi, ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại của người dân.
Thực tế tuyến đê kè chắn sóng ở phường Đông Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm được xây dựng từ khá lâu, hiện đã xuống cấp nhiều. Hơn nữa dưới tác động của triều cường, nhiều đoạn đê kè dễ bị sóng biển đánh thẳng vào mạn kè cuốn lớp cát, đá trong thân và đế kè ra ngoài tạo những khoảng trống lớn dưới mặt đường.
Theo lãnh đạo UBND phường Đông Hải, hiện nay trên tuyến đê kè của phường còn ít nhất 4 điểm có nguy cơ sạt lở cao. Việc khắc phục sửa chữa hư hỏng vượt quá khả năng của địa phương nên giải pháp mà địa phương đang thực hiện chỉ là dùng biển báo để cắm ngay những điểm sạt lở, sụp lún để cảnh báo người dân và phương tiện qua lại.
Trước đó, vào cuối tháng 12/2017, nhiều đoạn trên tuyến đê kè ở phường Đông Hải cũng bị sạt lở nghiêm trọng do tác động của của bão số 16 (bão Tembin). Ngay sau đó UBND tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo các ngành chức năng có liên quan tập trung khắc phục, gia cố các điểm bị sạt lở, tránh gây thiệt hại lớn. Tuy nhiên do khó khăn về nguồn vốn nên việc sửa chữa, khắc phục chỉ là giải pháp tạm thời. Bởi thế mỗi khi thời tiết bất lợi, sóng biển xâm thực lại tiếp tục xảy ra sạt lở ngày một lớn hơn.