Hy sinh thầm lặng
Sáng 30/11/2017, trong lúc làm nhiệm vụ tại Km66 đường cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên (hướng Thái Nguyên-Hà Nội), Thiếu tá Trần Văn Vang (sinh năm 1975, Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 2, Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, Cục Cảnh sát giao thông) bị một bị nam thanh niên điều khiển mô tô vi phạm chở quá số người quy định, chạy với tốc độ cao, không chấp hành hiệu lệnh dừng xe và đâm thẳng vào người. Cú đâm bất ngờ khiến anh đập đầu xuống đường. Đồng đội nhanh chóng đưa anh đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Nguyên, tuy nhiên, do vết thương quá nặng, anh đã hy sinh vào chiều cùng ngày.
Ngày 1/12/2017, Bộ trưởng Bộ Công an đã có quyết định thăng cấp hàm lên Trung tá đối với Thiếu tá Trần Văn Vang. Để ghi nhận sự hy sinh, cống hiến của anh trong sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 760/QĐ-TTg về việc cấp bằng "Tổ quốc ghi công" cho 318 liệt sỹ thuộc các Bộ Công an, Giao thông vận tải, Quốc phòng và 31 tỉnh, thành phố, trong đó, Trung tá Trần Văn Vang là một trong hai liệt sỹ của Bộ Công an.
Bia nghĩa trang liệt sỹ xã Tân Thành - quê hương anh, thêm dòng tên Trần Văn Vang ở số thứ tự 73 và là người duy nhất hy sinh trong thời bình kể từ năm 1981 trở lại đây.
Cũng như bao gia đình thuần nông nghèo ở xã Tân Thành (Kim Sơn, Ninh Bình), nhà anh Trần Văn Vang ngày ấy chẳng dư dả gì. Sinh ra trong gia đình có 9 người con, mẹ mất sớm, học xong cấp 3, anh phải đi làm để kiếm tiền phụ bố nuôi các em ăn học. Năm 1996, tham gia Công an nghĩa vụ, anh mới bắt đầu có một công việc ổn định, mở ra tương lai sau này. Cho đến lúc hy sinh, anh Vang công tác trong ngành Công an chưa đầy 22 năm.
Quãng đường sự nghiệp ngắn ngủi nhưng cũng là khoảng thời gian rất dài so với hạnh phúc gia đình mà anh có được với chị Trần Thị Thúy, người con gái cùng xã. Kết hôn năm 2009, anh công tác tại Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Ninh Bình, còn chị Thúy làm điều dưỡng ở Bệnh viện 09 ở Hà Nội (bệnh viện chuyên điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS). Thuê một căn nhà trọ nhỏ ở Hà Nội, hai người chỉ có thể gặp nhau vào dịp cuối tuần.
Xa cách về địa lý, chị Thúy lại bị vô sinh không rõ nguyên nhân, nên sau 4 năm chạy chữa, tới năm 2013, anh chị mới có con. Những tưởng hạnh phúc đã tới trọn vẹn khi chị Thúy mang song thai, nhưng trớ trêu, niềm vui ấy không được bao lâu, chị phải nhập viện vì một thai không phát triển được do bị hội chứng truyền máu nhau thai. Có người khuyên chị nên bỏ thai nhưng sự hiếm muộn và niềm tin lớn lao của người mẹ đã thôi thúc chị quyết giữ. Nằm viện từ tuần thứ 22 đến tuần thứ 28, chị chuyển dạ sinh non được bé Trần Ngọc Bảo Trâm nặng 1,4 kg. Còn một bé đã mất trước đó 5 ngày.
Những tháng ngày nằm viện, nuôi con trong lồng kính là biết bao nhọc nhằn, vất vả, đè nặng lên đồng lương ít ỏi của hai người. Thời gian này, anh Vang đã chuyển công tác lên Cục Cảnh sát giao thông nên có điều kiện để chăm sóc vợ con. Sợ vợ ăn uống ở bệnh viện không đảm bảo, sáng 4 rưỡi, 5 giờ, anh dậy nấu đồ ăn mang vào hai vợ chồng cùng ăn. Quãng đường từ nhà trọ đến bệnh viện 15km nhưng đều đặn ngày 3 bữa, anh mang cơm vào viện cho vợ. Sau 1 tháng nằm lồng kính, tăng vỏn vẹn 1 lạng, bé Bảo Trâm được ra viện. Anh chị lại thay nhau thức đêm trông con, đề phòng bé sinh non hay bị nôn trớ.
Hoàn cảnh khó khăn, con nhỏ hay ốm, 7 tháng, chị Thúy phải gửi con về nhờ bà ngoại chăm sóc. Nhờ tình yêu thương và chăm sóc chu đáo, kỹ càng của bà, bé Bảo Trâm lớn nhanh, khỏe mạnh, đến 2 tuổi được bà "trả về" cho bố mẹ…
Bình yên có khi phải đổi bằng xương máu
Dò dẫm hỏi đường, cộng với tắc đường giờ tan tầm, phải mất 1 tiếng rưỡi từ trung tâm thành phố, tôi mới tìm được đến căn nhà nơi chị Thúy và bé Bảo Trâm sinh sống. Con đường dọc sông Kim Ngưu chật chội, uốn lượn, đầy ổ gà, khiến xe máy của tôi liên tục rung lên bần bật. Ngôi nhà cấp 4 trong căn ngõ nhỏ ở xóm 2, thôn Phú Diễn, xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì là sự dành dụm, gom góp, vay mượn của hai vợ chồng anh chị suốt cả chục năm qua. Mua nhà được 1 tháng 3 ngày thì anh mãi mãi ra đi.
Cổng nhà khóa, một người đàn ông đứng bên chiếc xe máy chở 2 bao tải to tướng bảo tôi chờ, Thúy về bây giờ. Chừng 3 phút, mẹ con chị về tới nhà, trên xe cũng là 1 bao tải to như của anh chàng kia. Sau này, trong câu chuyện, tôi mới biết, với mức thu nhập chưa đầy 10 triệu đồng và tiền liệt sỹ, tử tuất của chồng, Thúy phải buôn bán thêm miến dong để có tiền trang trải cuộc sống và trả nợ tiền nhà.
Chị kể vừa nhận lại bộ quần áo của chồng mặc ngày cuối cùng, chị mang về làm kỷ niệm, phải giặt tới 4 lần mới sạch. Chiếc xe máy của chồng, chị cũng giữ lại làm kỷ niệm.
Sáng hôm đó, chị đã có linh cảm chẳng lành. Nhận được tin dữ, Thúy bắt taxi đi thẳng lên Thái Nguyên. Trên đường đi, liên tục nhận được điện thoại của lãnh đạo Đội nhưng chị không nhận được câu trả lời cho câu hỏi "tình hình chồng em thế nào", cứ đến lúc chị hỏi thì đầu dây bên kia ngắt máy. Tới bệnh viện, nhận được thông báo anh Vang đã chết não, chị không cầm được nước mắt, không tin và không chấp nhận điều đó là sự thật. Tai nạn khiến mặt anh biến dạng, phù toàn thân, chị không nhận ra chồng mình. Chỉ khi xem tay, chân, Thúy mới biết không thể nhầm với ai khác được nữa.
"Không thể tả lúc đón nhận đau đớn như thế nào nữa, như kiểu con người mình chết đi một nửa. Lúc ấy, em cầu trời, khấn Phật có phép màu để anh tai qua nạn khỏi kiếp nạn này, ở bên vợ con, gia đình... Em chỉ ước giá như em không có chuyên môn ngành y, để mình còn hy vọng, chỉ cần chút hy vọng mong manh thôi. ... "… Thúy dằn mình để nén cảm xúc, sự việc đã qua gần 3 năm rồi nhưng trong chị tất cả mới như ngày hôm qua . . . Anh Vang đi không kịp để lại cho vợ con một lời trăng trối.
Cho đến giờ, nhiều lúc chị Thúy vẫn không tin đó là sự thật, chỉ nghĩ chồng đang đi công tác xa. Trên zalo, Thúy đặt tên là "Nhớ Anh". Xót xa nhất là giai đoạn đầu khi anh mới mất, bé Bảo Trâm thường hay mơ thấy bố rồi ao ước được bố cho đi chơi. Có lần chị nói với con, giờ mẹ vừa làm bố, vừa làm mẹ, bé Trâm bảo mẹ không làm được thế đâu, mẹ chỉ làm mẹ, không làm bố được, chị nghĩ thương con chảy nước mắt. "Về quê nhìn bác giống bố, con cứ gọi bố. Vào Thành phố Hồ Chí Minh chơi với chú, chú giống bố lắm, gọi chú là bố, . . . rồi hai mẹ con cùng khóc vì nhìn chú chăm sóc con cái mà nhà mình thì đang thiếu tình cảm của người bố", Thúy kể.
Nhớ về người chồng hết mực thương vợ, yêu con, chị Thúy cho biết, như có dự cảm từ trước, chiều 29/11, anh Vang gọi điện cho vợ nấu bát canh cá chua - món ăn anh yêu thích. Làm về sớm, anh đi đến từng nhà chào mọi người ở khu nhà trọ cũ. Mua nhà chưa trả hết tiền cọc, anh đã vội vàng tu sửa, lắp toàn bộ cửa sắt từ trong ra ngoài đề phòng lúc đi công tác vắng, nhà chỉ có 2 mẹ con, dù chị ngăn cản vừa mua xong, tiền còn đang nợ nhiều, sau này sửa cũng được.
Tại lễ trao bằng Tổ quốc ghi công cho gia đình anh trên mảnh đất quê hương Tân Thành, Thiếu tướng Trần Quốc Trung, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông chia sẻ: "Quá trình công tác trong lực lượng Công an nhân dân, Trung tá Trần Văn Vang đã không ngừng nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần xứng đáng vào truyền thống chiến đấu vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân nói chung và lực lượng Cảnh sát giao thông nói riêng. Đồng chí Trung tá Trần Văn Vang hy sinh là sự mất mát lớn của gia đình và Cục Cảnh sát giao thông".
Bình yên trên những tuyến đường không chỉ được đổi bằng mồ hôi mà có khi còn bằng cả xương máu. Báo cáo của Bộ Công an khiến chúng ta không khỏi giật mình, năm 2017, có 51 vụ chống người thi hành công vụ, làm 3 Cảnh sát giao thông hy sinh và 6 cán bộ, chiến sỹ bị thương. Còn trong 2 năm 2018-2019, toàn quốc xảy ra 72 vụ chống người thi hành công vụ làm 2 Cảnh sát giao thông hy sinh và 27 cán bộ, chiến sỹ bị thương. Lực lượng Cảnh sát giao thông đã trực tiếp và phối hợp các đơn vị khác bắt giữ 91 người có biểu hiện chống đối để bàn giao cơ quan chức năng xử lý. Qua phân tích các vụ việc, cơ quan chức năng kết luận mức độ phạm tội của người chống đối Cảnh sát ngày càng liều lĩnh, bất chấp hậu quả.
Trong thời bình, nhưng vẫn còn những chiến sỹ Công an nói chung, Cảnh sát giao thông nói riêng hy sinh. 8 tháng năm nay, lực lượng Cảnh sát giao thông cũng phải chứng kiến sự ra đi mãi mãi của 2 đồng đội khi đang làm nhiệm vụ.
Cục Cảnh sát giao thông đã phải tăng cường tập huấn nhằm bảo vệ an toàn cho cán bộ, chiến sỹ, tuy nhiên, vẫn có nhiều tình huống không thể lường trước được, nhất là khi phải đối mặt với những đối tượng liều lĩnh, manh động. Mới đây nhất, ngày 24/9, Thiếu úy Vũ Trung Toàn, cán bộ Cảnh sát giao thông Công an huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái (được điều động tăng cường phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái) khi đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên tuyến đường Yên Ninh, thuộc tổ 4, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái đã bị một nam thanh niên điều khiển xe máy vi phạm Luật Giao thông đường bộ đâm bị thương nặng. Trước đó, ngày 8/7, Trung úy Vũ Văn Quang, Đội Cảnh sát giao thông số 4 (Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội) bị một tài xế đâm và kéo lê trên đường 27m, khiến anh bị chấn thương khá nặng.
Bài cuối : Vì bình yên trên mỗi cung đường