Chiều 15/11, tại Hội thảo đánh giá tác động kinh tế - xã hội liên quan đến dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia do Bộ Y tế tổ chức, các đại biểu đã tập trung thảo luận về khả năng đáp ứng của Dự thảo Luật so với khuyến cao của Tổ chức Y tế thế giới; xu hướng trẻ hóa tuổi uống rượu, bia tại Việt Nam; dự báo một số tác động của Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia đến nhà nước, người dân và doanh nghiệp; văn hóa uống rượu, bia xưa nay ở Việt Nam…
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Tiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, so với các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới tại Chiến lược toàn cầu nhằm giảm tác hại của việc sử dụng đồ uống có cồn ở mức có hại thì còn nhiều khoảng trống mà dự án luật chưa điều chỉnh, đặc biệt là 3 biện pháp hiệu quả nhất mà Tổ chức Y tế thế giới khuyến cao, đó là kiểm soát sự sẵn có của rượu, bia; kiểm soát marketing rượu, bia; chính sách thuế và giá. Nếu không quy định hoàn chỉnh các biện pháp theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới thì khó đạt được mục tiêu của luật. Tuy nhiên, để phù hợp với điều kiện Việt Nam thì có thể quy định lộ trình để thực hiện toàn diện các biện pháp khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới đến 2025.
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với sự tham gia của 11 quốc gia. Các quốc gia này đều có các chính sách, pháp luật liên quan phòng, chống tác hại của rượu, bia, cơ bản dựa trên các biện pháp đã được Tổ chức y tế thế giới khuyến cáo.
Điển hình là Thái Lan quy định kiểm soát chặt quảng cáo, tăng giá bán rượu bia, hạn chế sự sẵn có của rượu bia. Chính phủ Thái Lan quy định, tuổi được phép mua rượu bia là 20, thời gian bán là từ 11 - 14h và 17 - 24h; thực hiện cấp phép bán lẻ rượu bia và quy định khu vực không được uống rượu, bia là y tế, giáo dục, tôn giáo…
Tại Singapore, cấm toàn bộ việc quảng cáo trên các chương trình, thời gian cho trẻ em, nội dung cấm gồm: không liên hệ tới sức khỏe, thành công, không sử dụng hình ảnh người trẻ, không sử dụng hình ảnh người nhỏ hơn 18 tuổi, không khuyến khích việc uống nhiều…
“Sử dụng rượu, bia tại Việt Nam đang ngày càng xu hướng trẻ hóa. Đây là vấn đề nghiêm trọng do các hệ lụy về sức khỏe, xã hội đối với giới trẻ khi tỷ lệ uống rượu, bia ở vị thành niên và thanh niên là 79,9% đối với nam và 36,5% đối với nữ”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Việt Cường (Trường Đại học Y tế công cộng) cho biết.
Theo điều tra sức khỏe học sinh năm 2013 có 43,8% học sinh từ lớp 8 đến lớp 12 đã uống cốc rượu/bia đầu tiên trước 14 tuổi và 22,5% đã uống đến mức say ít nhất 1 lần. Sử dụng rượu, bia ở trẻ em và thanh thiếu niên gây hậu quả nghiêm trọng hơn đối với người lớn. Do não bộ của một người trưởng thành tiếp tục phát triển đến tuổi 25. Đồng thời, tuổi sử dụng rượu bia càng sớm thì nguy cơ lệ thuộc rượu bia càng cao…
Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia ra đời sẽ là cơ sở để từng bước hạn chế tình trạng trẻ hóa tuổi sử dụng rượu, bia và các hậu quả liên quan; là yếu tố góp phần để Việt Nam thực hiện cam kết của quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em.
Nhà văn Trần Thị Trường thì cho rằng, xu hướng sử dụng rượu, bia tại Việt Nam hiện nay đã khác so với văn hóa uống rượu trước đây. Nếu như thời xưa rượu, bia là để nếm và thưởng thức thì ngày nay việc sử dụng rượu, bia đã trở nên thái quá, gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người uống, gia đình và cộng đồng; tạo nên một trào lưu, một nét xấu trong văn hóa người Việt. Nếu không có các biện pháp điều tiết kịp thời bằng các cơ chế chính sách, pháp luật thì hậu quả sẽ ngày càng trầm trọng và khó khắc phục…