Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Việc sử dụng rượu, bia của Việt Nam có xu hướng gia tăng rất rõ rệt. Việt Nam đứng thứ 2 trong 10 nước Đông Nam Á về tỷ lệ người sử dụng rượu, bia. Đây là con số đáng báo động. Bên cạnh đó, tác hại trước mắt của việc sử dụng rượu, bia là tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, mất an ninh, an toàn trật tự xã hội...
Sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng. Ảnh: Công Thử/TTXVN |
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Hội thảo được tổ chức là một trong những chuỗi hoạt động để tiến hành đánh giá, nghiên cứu, đề xuất, xây dựng dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia để trình Chính phủ và Quốc hội. Hy vọng Quốc hội sẽ sớm thông qua luật này. Ban soạn thảo, tổ biên tập đã họp rất nhiều lần và đưa ra dự thảo để các đại biểu thảo luận; trong đó cần tập trung vào 3 vấn đề lớn đó là giảm cung và kiểm soát nguồn cung; giảm nhu cầu của người sử dụng; giảm tác hại do việc sử dụng rượu, bia.
Thứ trưởng đề nghị tại hội thảo, các đại biểu thảo luận sâu, góp ý kiến cho dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; thẳng thắn trao đổi về tính khả thi của các qui định, tính thực tiễn để đi đến thống nhất và tạo sự đồng thuận trong xã hội...
Đại diện Trung tâm nghiên cứu Chính sách và Phòng chống Chấn thương, Trường Đại học Y tế công cộng cho biết: Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tại Việt Nam, chỉ trong 5 năm (2011 - 2015), tỷ lệ sử dụng rượu bia ở nam giới (độ tuổi 24 - 64 tuổi) đã tăng từ 69,6% lên 80,3%; ở nữ giới tăng từ 5,6% lên 11,2%. Trong số nam giới sử dụng rượu bia năm 2015 có 44,2% sử dụng rượu bia ở mức nguy hại và 47,9% điều kiển phương tiện cơ giới sau khi sử dụng rượu bia.
Từ năm 2005 – 2010, mức tiêu thụ rượu bia bình quân đầu người ở Việt Nam từ 15 tuổi trở lên tăng gấp đôi (từ 3,8 lít/người lên 6,6 lít/người). Việt Nam trở thành quốc gia có mức tiêu thụ bia đứng đầu các nước ASEAN và xếp thứ 3 châu Á. |
Theo bà Vũ Thị Minh Hạnh, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (Bộ Y tế), rượu, bia là một chất gây hại, tác động bất lợi trực tiếp và gián tiếp đến nhiều cơ quan của cơ thể. Sử dụng rượu, bia dù ít vẫn có mối quan hệ nhân quả với 7 loại ung thư (vú, vòm họng, tế bào vẩy thực quản, gan, dạ dày...) và có mối liên hệ với một số loại ung thư khác (tụy, máu, tế bào bạch hầu...); đồng thời, làm chậm khả năng xử lý khi điều khiển các phương tiện khi tham gia giao thông.
Sử dụng rượu, bia gây hậu quả nghiêm trọng đối với lứa tuổi vị thành niên và thanh niên như chậm phát triển não bộ, tăng nguy cơ quan hệ tình dục, tự tử, sát thương, giảm kết quả học tập. Bên cạnh đó, tỷ lệ trẻ em chịu hậu quả từ việc sử dụng rượu, bia của người khác tại Việt Nam là cao nhất qua báo cáo của cha mẹ và người nuôi dưỡng (như bị đánh đập bởi người sử dụng rượu, bia; phải chứng kiến bạo lực nghiêm trọng trong gia đình; bị bỏ mặc, thiếu sự chăm sóc của người lớn; gia đình không còn tiền để chi cho những nhu cầu thiết yếu của trẻ...).
Đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) nêu rõ: Việt Nam hiện vẫn còn nhiều hạn chế và khoảng trống pháp luật về phòng chống tác hại của rượu, bia. Cụ thể là thiếu các qui định về kiểm soát đối với bia; tuyên truyền, giáo dục về tác hại của lạm dụng rượu, bia chưa được quan tâm đúng mức; quảng cáo, khuyến mại và tài trợ đối với rượu, bia còn chưa được kiểm soát chặt; các qui định về hạn chế tính sẵn có và nhu cầu sử dụng rượu, bia còn thiếu rất nhiều; chưa có qui định liên quan đến can thiệp y tế đối với tác hại của lạm dụng rượu, bia.
Vụ Pháp chế kiến nghị: Gánh nặng về việc lạm dụng rượu, bia sẽ ngày càng lớn nếu Nhà nước không đáp ứng kịp thời về chính sách, pháp luật, đặc biệt là pháp luật về phòng chống tác hại của rượu, bia. Những tồn tại, hạn chế của hệ thống pháp luật về phòng chống tác hại của rượu, bia cần phải được sửa đổi, bổ sung và tăng cường hiệu lực. Để giải quyết được vấn đề này, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia cần thiết được ban hành để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác này...
Tại hội thảo, các đại biểu đã có nhiều kiến nghị như: Khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý để kiểm soát cung và cầu nhằm giảm thiểu tác hại do lạm dụng rượu, bia gây ra. Hậu quả của rượu, bia không chỉ là vấn đề của y tế công cộng và còn là vấn đề xã hội đòi hỏi có sự tham gia giải quyết liên ngành theo định hướng phát triển bền vững với mỗi cá nhân, gia đình và xã hội.
Đồng thời, các đại biểu cũng đề nghị Quốc hội sớm đưa “Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia” vào chương trình nghị sự xây dựng Luật năm 2017 của Quốc hội; nghiên cứu và xem xét việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm thuốc lá và rượu, bia...