Sử dụng nước hiệu quả để ứng phó với thiên tai - Bài 3

Theo tính toán của ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận, tổng nhu cầu tiêu dùng nước của tỉnh hàng năm là hơn 1 tỷ m3 nước và đến 2020, con số tăng lên 1,3 tỷ m3. Tuy nhiên, hiện các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh chỉ có dung tích trữ đạt khoảng 30% dung tích thiết kế (DTTK).

CỦNG CỐ HỆ THỐNG HỒ CHỨA THỦY LỢI

Lượng nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh ở khu vực Nam Trung Bộ chủ yếu từ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện. Tuy nhiên, do lượng nước trữ thấp, hiện hầu hết các hồ đều trong tình trạng không đủ đáp ứng nhu cầu nước sản xuất. Nhu cầu bức thiết hiện nay là nâng cao dung trữ để đảm bảo sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Dung trữ đạt thấp

Theo tính toán của ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận, tổng nhu cầu tiêu dùng nước của tỉnh hàng năm là hơn 1 tỷ m3 nước và đến 2020, con số tăng lên 1,3 tỷ m3. Tuy nhiên, hiện các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh chỉ có dung tích trữ đạt khoảng 30% dung tích thiết kế (DTTK). Vụ hè thu sắp tới, có 4/21 hồ đủ tưới, số còn lại chỉ đáp ứng được một phần hoặc không có khả năng phục vụ sản xuất. Do thiếu nước tưới nên vụ đông xuân vừa qua, diện tích đất phải tạm dừng sản xuất của tỉnh vào khoảng hơn 5.700 ha và dự kiến đến vụ hè thu, con số sẽ tăng lên hơn gấp đôi.

Khô hạn khiến hồ Ông Kinh thuộc huyện Nhơn Hải (Ninh Thuận) cạn trơ đáy ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp của người dân ven hồ

"Chúng tôi đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư thêm các hồ chứa nước để có khả năng tích nước chống hạn lâu dài, bền vững như: hồ Tân Giang 2, đập hạ lưu sông Dinh, hồ chứa nước sông Than, hồ Kiềm Kiền và sửa chữa hồ Sông Biêu. Bên cạnh đó, cần chú trọng nâng cấp các hệ thống kênh liên hồ chứa và hoàn chỉnh hệ thống kênh mương các hồ thủy lợi đã xây dựng...", ông Trịnh Minh Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho hay.

Còn tại tỉnh Bình Thuận tình trạng cũng không mấy khả quan hơn khi các hồ chứa thủy lợi cũng chỉ có dung tích dự trữ đạt từ 45 - 50% DTTK. Hiện nhiều hồ đã không đủ khả năng cung cấp tưới. Cụ thể, hồ chứa thủy điện Đại Ninh chỉ đạt 20% DTTK, hồ Hàm Thuận đạt 50% DTTK... đều ở mức thấp hơn nhiều so với cùng kỳ. Theo kế hoạch cân đối nguồn nước, do các hồ chứa thủy điện không đủ cho sản xuất nông nghiệp nên đã có gần 16.000 ha, chiếm hơn 40% diện tích lúa trên địa bàn tỉnh phải dừng sản xuất. Dự kiến vụ hè thu sắp tới diện tích phải dừng sản xuất sẽ lên đến trên 20.000 ha.

"Toàn tỉnh có 42 hồ chứa với tổng dung tích hơn 330 triệu m3, năng lực thiết kế tưới 36.367 ha. Hiện các hồ chứa đều có tuổi thọ hơn 10 năm, cao nhất là 37 năm. Những hồ này đều là đập đất, thi công trong điều kiện thiết bị, nhân lực thiếu… giờ đây đã hư hỏng nặng. Nhiều hồ đập khác còn thiếu thiết bị quan sát dòng chảy đến, trạm, thiết bị đo mưa phía thượng nguồn… nên việc quản lý, khai thác quan sát hồ đập thực hiện chủ yếu bằng trực quan là chính, dẫn đến chưa khai thác tốt công năng của các hồ", ông Mai Kiều, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết.

Quy hoạch các hồ chứa

Theo ông Trịnh Minh Hoàng, giải pháp thủy lợi cấp bách hiện nay đối với Ninh Thuận là phải xây dựng các hồ chứa để điều tiết nước hiệu quả hơn. Theo kế hoạch, tỉnh sẽ phải xây thêm khoảng 22 hồ chứa nữa với tổng dung tích 347 triệu m3 mới đáp ứng nhu cầu dùng nước đến năm 2020. Giải pháp liên thông giữa các hồ chứa và hệ thống kênh mương cũng đang được nghiên cứu nhằm điều tiết nước giữa các lưu vực và các hồ chứa cung cấp nước cho dân sinh và sản xuất. Khi các hệ thống kênh nối mạng trên hoàn thành sẽ giúp Ninh Thuận điều tiết nước tới các vùng khô hạn nhanh chóng, kịp thời, đảm bảo nguồn nước nội tỉnh. Ngoài ra để quản lý các công trình thủy lợi trên địa bàn một cách hiệu quả và bền vững ngành nông nghiệp đã triển khai, thành lập tổ dùng nước cho 65 xã trọng điểm.

Tại Bình Thuận, tỉnh cũng đang đẩy mạnh triển khai nối mạng thủy lợi trên toàn địa bàn và hiện đã đi được gần nửa chặng đường. Cụ thể, khu vực phía bắc tỉnh, nhiều công trình đã hình thành như kênh tiếp nước 812 - Châu Tá, kênh chuyển nước Lòng Sông - Đá Bạc - Vĩnh Tân, Trạm bơm cấp nước khu Lê Hồng Phong... Thời gian tới khi xây dựng xong 2 công trình tuyến kênh Cà Giây - Cây Cà và hồ Sông Lũy sẽ giúp khu vực này giảm đáng kể thiệt hại do khô hạn.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng Cục trưởng Cục Thủy lợi cho hay, ngành thủy lợi đang ưu tiên xây dựng hệ thống thủy lợi, hồ chứa lớn nhằm tạo nguồn nước tưới, phục vụ sản xuất dân sinh. Với tổng kinh phí đầu tư khoảng 3.360 tỷ đồng, ngành thủy lợi sẽ chú trọng xây dựng hàng loạt hồ chứa nước ở những khu vực thượng nguồn ở các tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng, Đắk Lắk... đảm nhận nhiệm vụ dự trữ nước, điều tiết nước... cho các tỉnh hạ du như Bình Thuận, Ninh Thuận... trong suốt thời gian mùa khô.

"Chúng tôi đang triển khai thực hiện và chuẩn bị dự án vay vốn ODA như: Dự án Cơ sở hạ tầng nông thôn khu vực Tây Nguyên, tổng mức đầu tư 1.800 tỷ đồng; Dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập... Ngoài ra, Cục Thủy lợi cũng chủ động đề xuất các danh mục công trình thủy lợi quan trọng bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, với tổng kinh phí khoảng 6.900 tỷ đồng, chúng tôi sẽ đầu tư các dự án bao gồm: hồ chứa Krông H'năng, Ea Hleo (Đắk Lắk), hồ Ia Thul (Gia Lai)... ", ông Tỉnh nói thêm.

Bài cuối: Tái tạo và bảo vệ nguồn nước
Bài và ảnh: Lê Nghĩa
Sử dụng nước hiệu quả để ứng phó với thiên tai - Bài cuối
Sử dụng nước hiệu quả để ứng phó với thiên tai - Bài cuối

Với việc sử dụng nước không hiệu quả cùng với diễn biến bất thường của biến đổi khí hậu, Việt Nam sẽ đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch nghiêm trọng trong tương lai nếu như không có kế hoạch tái tạo và bảo vệ nguồn nước hợp lý.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN