Hưởng ứng “Tuần lễ thế giới nâng cao nhận thức về kháng kháng sinh từ 12 - 18/11/2018”, trong các ngày 13 và 14/11, Bộ Y tế tổ chức lễ mít tinh tại Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Dược Hà Nội và Trường Đại học Y Hải Phòng, cùng nhiều hoạt động phong phú, thiết thực khác, thu hút đông đào các nhà hoạch định chính sách, các nhà chuyên môn y tế, lãnh đạo, giảng viên và học sinh, sinh viên các trường, các tổ chức trong nước và quốc tế.
Trao đổi với báo giới, Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết, chủ đề “Tuần lễ thế giới nâng cao nhận thức về kháng kháng sinh từ 12 - 18/11/2018” mà chúng tôi muốn chuyển đến các bạn là: “Hãy sử dụng thuốc kháng sinh an toàn, hợp lý và có trách nhiệm”.
Xin ông cho biết, việc lạm dụng kháng sinh như hiện nay sẽ dẫn đến nguy cơ như thế nào?
Hiện nay chúng ta sử dụng kháng sinh không đúng và lạm dụng kháng sinh đã làm mất đi tính hiệu quả của kháng sinh. Để có thể duy trì hiệu quả của kháng sinh trong tương lai thì chúng ta phải sử dụng kháng sinh một cách thận trọng.
Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh đang rất cao. Có rất nhiều lý do khác nhau nhưng lý do quan trọng nhất đó chính là việc lạm dụng, sử dụng kháng sinh quá nhiều và sử dụng kháng sinh không đúng cách. Việc sử dụng kháng sinh quá nhiều hay không đúng cách xảy ra ở tất cả các nơi. Ví dụ trong môi trường bệnh viện, vẫn có hiện tượng các bác sỹ kê đơn, sử dụng kháng sinh mà có những đơn bệnh chưa cần thiết phải sử dụng kháng sinh.
Điều này cũng xảy ra ở ngoài cộng đồng, những người dân bình thường chúng ta có thể đến hiệu thuốc mua kháng sinh mà không cần có sự kê đơn của bác sỹ. Ở môi trường bệnh viện, chúng ta cũng phải tăng cường kiểm soát việc quản lý nhiễm khuẩn bệnh viện.
Kháng kháng sinh sẽ mang đến một hệ lụy, đó là những loại thuốc kháng sinh chúng ta đang dùng để điều trị những bệnh cơ bản hiện giờ đã bị kháng và không còn hiệu lực nữa. Nếu không còn hiệu lực nữa thì có nghĩa là chúng ta sẽ phải mua các loại thuốc kháng sinh thế hệ cao hơn, nhưng có độc tố nhiều hơn và đồng thời là đắt đỏ hơn.
Để giảm tình trạng kháng kháng sinh, Việt Nam phải làm gì, thưa ông?
Việt Nam là một trong những quốc gia đi tiên phong ở khu vực trong việc xây dựng và thực hiện được kế hoạch hành động quốc gia và kế hoạch này đã được Chính phủ Việt Nam phê duyệt từ năm 2013.
Tuy nhiên, con đường của chúng ta vẫn còn rất nhiều việc ở phía trước cần phải làm. Chúng ta tổ chức các hoạt động kỷ niệm 1 tuần này không có nghĩa là sau một tuần này chúng ta kết thúc và chúng ta vẫn còn nhiều ngổn ngang phía trước.
Thông điệp mà chúng tôi muốn chuyển tải cho Chính phủ và người dân Việt Nam, thứ nhất là cần đảm bảo chắc chắn mỗi người dân không tự ra hiệu thuốc mua thuốc kháng sinh nếu như không có đơn của bác sỹ kê.
Thông điệp thứ hai chúng tôi gửi đến các nhà dược sỹ, các nhà bán lẻ thuốc là chỉ bán thuốc kháng sinh khi có đơn của bác sỹ và cán bộ y tế.
Thông điệp thứ ba chúng tôi muốn gửi đến các bác sỹ là khi chúng ta kê đơn thuốc kháng sinh, chúng ta cần phải đảm bảo nếu cần thiết mới kê đơn và phải kê đơn một cách hợp lý.
Ngoài ra, cuộc chiến phòng chống kháng thuốc kháng sinh không phải là việc của một cơ quan, một cá nhân nào có thể làm được, mà đòi hỏi sự phối kết hợp của các ban, ngành khác nhau.
Chúng tôi biết rằng vào năm 2020, Kế hoạch quốc gia về phòng, chống kháng thuốc của Việt Nam sẽ kết thúc. Tuy nhiên, chúng tôi rất mong muốn khi kế hoạch kết thúc, Chính phủ Việt Nam thiết lập một hệ thống kiểm soát thống nhất để tăng cường giám sát, quản lý kháng sinh cũng như có các chỉ số về quản lý vi khuẩn, có những biện pháp để có thể kiểm soát nhiễm khuẩn trong các bệnh viện, ngoài môi trường...
Trân trọng cảm ơn ông!