Đại biểu HĐND Hà Nội chất vấn tại kỳ họp lần thứ 4, khóa XV. |
Tại phiên tái chất vấn, nhiều ý kiến đại biểu nêu ra vấn đề vi phạm trật tự xây dựng tại các huyện Đông Anh, Mê Linh, Thanh Trì. Cùng với đó là những chất vấn về việc trách nhiệm lãnh đạo quận huyện, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch kiến trúc ở đâu, khi để xảy ra những vi phạm trên đất nông nghiệp, vi phạm trật tự tại các khu đô thị, xây dựng sai mật độ, chuyển đổi công năng công trình phụ trợ thành nhà ở...
Lần đầu tiên, HĐND thành phố Hà Nội yêu cầu đại diện các quận, huyện xảy ra vi phạm trả lời chất vấn. Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Phạm Văn Châm cho biết: Do quản lý Nhà nước tại mốt số địa bàn còn yếu kém, dẫn đến những vi phạm trật tự xây dựng. Có thời điểm, chính quyền buông lỏng quản lý, khi phát hiện sai phạm không xử lý dứt điểm. Cụ thể như tại xã Hải Bối, 3 khóa gần đây đều xảy ra vi phạm trật tự xây dựng và đã xử lý kỷ luật bí thư, chủ tịch xã. Để xảy ra vi phạm, trước hết trách nhiệm thuộc cán bộ cơ sở, tiếp đó là trách nhiệm UBND huyện trong việc đôn đốc, kiểm tra, xử lý cán bộ vi phạm, UBND huyện rút kinh nghiệm. Thời gian tới, huyện sẽ tập trung xử lý dứt điểm những tồn tại này.
Còn chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng cho biết: Để xử lý tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, nếu xã nào không xử lý kịp thời trong 3 tháng, huyện sẽ đình chỉ chức vụ, yêu cầu lãnh đạo xã chỉ đi tuyên truyền, vận động xử lý sai phạm. Thực tế, tại xã Tiến Thắng đã xảy ra vụ xây dựng trái phép làm điểm bán hàng, huyện đình chỉ nhiệm vụ chủ tịch xã và chỉ 1 tháng là giải quyết xong. Theo thống kê, trên địa bàn huyện có 59 công trình sai phạm ở 16 xã, thị trấn, chủ yếu là vi phạm xây tường bảo vệ ruộng, lều lán trông coi rau mùa… Trong 59 công trình, huyện đã giải quyết 38 công trình, trong đó 30 công trình người dân tự tháo dỡ và 8 hộ xử lý cưỡng chế trong 2-3 ngày. Việc xây trái phép trong quá trình dồn điền đổi thửa là có xảy ra và huyện sẽ ngăn chặn kịp thời, hỗ trợ người dân làm theo đúng quy định.
Giải trình về việc điều chỉnh quy hoạch khiến mật độ dân cư nhiều nơi quá tải, dẫn đến thiếu trường học cho học sinh, Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến Trúc Hà Nội Lê Vinh cho biết: Việc thiếu trường học tại khu đô thị là do các chủ đầu tư xây căn hộ bán trước, xây hạ tầng xã hội sau. Khi phát triển đô thị, tỷ lên xây dựng các trường học trong các khu đô thị rất thiếu, nhất là những khu đô thị phát triển mới như ở Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Long Biên...
“Về hướng giải quyết, ở khu đô thị mới yêu cầu nhà đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội trước. Đối với khu vực nội đô, Sở đề xuất nâng tầng các trường học lên 4-5 tầng, hiện tại các trường học chỉ quy hoạch xây 3 tầng. Đợt tới, cải tạo chung cư cũ, Sở tham mưu UBND yêu cầu các chủ đầu tư tính toán đầy đủ hạn tầng kỹ thuật” ông Lê Vinh cho biết.
Trả lời tái chất vấn về xử lý vi phạm trật tự, Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng cho biết: "Các quy định xử lý vi phạm trật tự xây dựng có đầy đủ. Việc xảy ra tình trạng vi phạm xây dựng hiện nay có nguyên nhân từ cán bộ quản lý địa bàn, chính quyền cơ sở chưa kiên quyết; ý thức của chủ đầu tư và một bộ phận người dân cố tình vi phạm. Do đó, thời gian tới, thành phố chỉ đạo kiên quyết xử lý vi phạm trật tự xây dựng, nếu cố tình vi phạm sẽ xử lý hình sự".
Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc kết luận: Từ nội dung trả lời tái chất vấn, chất vấn của các quận huyện, mô hình xử lý cán bộ của huyện Mê Linh khi xảy ra vi phạm trật tự xây dựng rất đáng để nhân rộng. Theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải, bên cạnh việc nâng cao chất lượng kiểm tra và đồng thời có biện pháp giải quyết kịp thời, triệt để, không để xảy ra vi phạm mới; sẽ xem xét trách nhiệm người đứng đầu. Riêng thanh tra xây dựng cần sớm làm rõ mô hình và nâng cao chất lượng.