Tăng cường xử lý vi phạm trật tự xây dựng

Theo đánh giá của UBND thành phố Hà Nội, công tác quản lý trật tự xây dựng dù đã có nhiều chuyển biến, nhưng trên địa bàn thành phố vẫn xảy ra nhiều vi phạm như xây dựng không phép, sai quy hoạch, sai phép, lấn chiếm không gian, gây bức xúc trong nhân dân.

Gia tăng vi phạm tại công trình lớn

Ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế (HĐND) Hà Nội đánh giá: “Trong khi việc xây dựng không phép ở các công trình xây dựng nhỏ, nhà dân đang giảm dần, thì tình trạng xây dựng sai phép và trái phép tại các công trình lớn trên địa bàn thành phố lại có chiều hướng gia tăng”.

Một vụ xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại Hà Nội.

Thống kê của Sở Xây dựng cũng cho thấy, nhiều công trình lớn có dấu hiệu vi phạm trật tự xây dựng như Dự án Làng Việt kiều châu Âu (Khu đô thị Mỗ Lao do Công ty TSQ Việt Nam làm chủ đầu tư), có số căn hộ thực tế vượt 11 căn so với Giấy chứng nhận đầu tư, một số lô cây xanh đã được dùng để xây dựng trạm biến áp, nhà cấp bốn; Dự án Khu đô thị mới Văn Quán (quận Hà Đông), chủ đầu tư đã điều chỉnh, xây dựng sai một số chỉ tiêu quy hoạch chi tiết 1/500, các hạng mục sai phạm chưa được chính quyền địa phương, thanh tra xây dựng quận thiết lập hồ sơ và xử lý vi phạm theo quy định; Khu vực chung cư cao tầng và trung tâm thương mại văn phòng do Công ty cổ phần May Thăng Long làm chủ đầu tư tại số 250 Minh Khai cũng có nhiều sai phạm như xây dựng 4 công trình trên đất được quy hoạch làm vỉa hè, cây xanh của dự án với quy mô từ 1 - 3 tầng, tổng diện tích sàn khoảng 1.500m2 và đã được tháo dỡ; Dự án xây dựng trụ sở văn phòng làm việc, nhà ở tại tổ 50 Yên Hòa do Công ty TNHH Thăng Long làm chủ đầu tư, đã thi công sai so với hồ sơ thiết kế được duyệt như tăng diện tích sàn khoảng 50m2/tầng, làm thêm bể bơi và sảnh phục vụ bể bơi diện tích khoảng 1.050m2…

Điển hình và gây bức xúc nhất trong dư luận là Dự án đầu tư Trung tâm thương mại văn phòng nhà ở để bán và cho thuê tại 8B Lê Trực, do Công ty cổ phần May Lê Trực làm chủ đầu tư. Chủ đầu tư xây dựng sai so với nội dung giấy phép được cấp về tổng chiều cao công trình, tổng diện tích sàn; hiện đang phải tháo dỡ nhưng tiến độ rất chậm, không đúng yêu cầu thành phố đưa ra.

Quy trách nhiệm cụ thể

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, vẫn còn nhiều kẽ hở trong cơ chế phối hợp giữa thanh tra liên ngành với chính quyền các cấp, nên dù các lực lượng kiểm tra, thanh tra đã phát hiện sai phạm, lập biên bản xử phạt; nhưng không có các biện pháp ngăn chặn hiệu quả, dẫn tới khó xử lý.

Cũng theo ông Nam, việc quản lý trật tự xây dựng cũng còn hạn chế, yếu kém. Nhiều trường hợp vi phạm, chỉ sau khi được báo chí nêu hoặc người dân có khiếu kiện, thì chính quyền địa phương và cơ quan chức năng mới kiểm tra xử lý như công trình 250 Minh Khai, 8B Lê Trực, 88 Láng Hạ. Ban Pháp chế kiến nghị UBND TP nghiên cứu, thành lập các tổ công tác liên ngành để kiểm tra, tổng rà soát tất cả các dự án đã và đang triển khai xây dựng trên địa bàn có vi phạm về quy hoạch, trật tự xây dựng, tổng hợp phân loại vi phạm để có biện pháp xử lý cụ thể đối với từng dự án.

UBND quận Ba Đình đã ban hành Quyết định số 32/QĐ - UBND, áp dụng biện pháp cưỡng chế để thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng đối với công trình này nhằm đẩy nhanh tiến độ phá dỡ phần sai phạm. Theo đó, thay vì giao cho chủ đầu tư Công trình số 8B Lê Trực tự phá dỡ phần vi phạm như trước đây, Hà Nội đã quyết định các cơ quan công quyền sẽ tự ra tay cưỡng chế các vi phạm.

Theo Thanh tra Sở Xây dựng, để công tác quản lý trật tự xây dựng (TTXD) từng bước đi vào nề nếp, UBND thành phố đã có Quyết định số 09/2014 về quy chế phối hợp quản lý TTXD giữa Sở Xây dựng và UBND quận, huyện, thị xã, xã, phường theo cơ chế “song trùng chỉ đạo”. Theo đó, Thanh tra Sở Xây dựng quản lý chỉ đạo Đội Thanh tra xây dựng quận, huyện về tổ chức bộ máy, chuyên môn nghiệp vụ; đôn đốc Đội Thanh tra xây dựng kiểm tra, lập hồ sơ vi phạm TTXD chuyển UBND các cấp xử lý theo thẩm quyền. Đối với UBND cấp quận, huyện chỉ đạo, điều hành trực tiếp Đội Thanh tra xây dựng, chỉ đạo UBND cấp xã quản lý TTXD trên địa bàn theo quy chế phối hợp. Tuy nhiên, thời gian qua đã có rất nhiều trường hợp công trình vi phạm được lực lượng Thanh tra xây dựng phát hiện, lập hồ sơ vi phạm, kiến nghị chính quyền xử lý; nhưng không được các cấp chính quyền xử lý kịp thời.

Mới đây, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố đã có văn bản gửi các đơn vị liên quan của thành phố, yêu cầu tăng cường công tác quản lý TTXD đô thị, kiểm soát không gian kiến trúc cảnh quan đô thị trên địa bàn. Yêu cầu UBND quận, huyện, thị xã thực hiện tốt việc giải quyết hồ sơ cấp phép xây dựng; cung cấp giấy phép xây dựng và hồ sơ cho Thanh tra xây dựng theo dõi, kịp thời phát hiện vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn. UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp với Thanh tra xây dựng kiểm tra thường xuyên tất cả các công trình xây dựng, không phân biệt nguồn vốn, chủ đầu tư; có biện pháp ngăn chặn, xử lý hiệu quả công trình vi phạm; thống kê các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, có kế hoạch và phương hướng xử lý dứt điểm. Công văn cũng nêu rõ: Sẽ xử lý trách nhiệm chủ tịch xã, phường, thị trấn, đội trưởng Thanh tra xây dựng địa bàn để xảy ra nhiều công trình vi phạm, buông lỏng quản lý, có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho chủ đầu tư vi phạm.
PV
Hà Nội cưỡng chế phá dỡ phần sai phạm tại nhà 8B Lê Trực
Hà Nội cưỡng chế phá dỡ phần sai phạm tại nhà 8B Lê Trực

UBND quận Ba Đình quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với công trình số 8B Lê Trực nhằm đẩy nhanh tiến độ phá dỡ phần sai phạm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN