Hiện tượng lái xe lạm dụng rượu bia trước khi tham gia giao thông đang diễn ra khá phổ biến, mặc dù pháp luật đã cấm người lái ô tô uống rượu bia và chỉ cho phép người đi xe gắn máy uống một lượng rất nhỏ. Qua kiểm tra của các cơ quan chức năng, đối tượng vi phạm quy định này nhiều nhất được phát hiện trên quốc lộ với hơn 36%, đường đô thị 27%, huyện lộ gần 15%, tỉnh lộ 14%... Đáng báo động là đội ngũ lái xe chuyên nghiệp, đáng lẽ phải nghiêm túc chấp hành quy định này thì lại là đối tượng bị phát hiện vi phạm nhiều nhất. Thực tế đặt ra đòi hỏi các lực lượng chức năng phải xử lý trên diện rộng, để kiềm chế tai nạn từ gốc.
Những con số đáng báo động
Những con số trên được công bố sau khi Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) Đường bộ, đường sắt kiểm tra thí điểm vi phạm nồng độ cồn trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ tại 5 tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hà Nam, Ninh Bình. Mặc dù chỉ là thí điểm, nhưng lực lượng CSGT đã phát hiện và xử lý gần 1.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn quá mức cho phép sau 2 tháng kiểm tra; qua đó, tước giấy phép lái xe của 170 trường hợp, tạm giữ gần 250 phương tiện các loại.
Cảnh sát giao thông Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn đối với một lái xe. Ảnh: CTV |
Lái xe gắn máy trong tình trạng nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng. Lái xe ô tô nếu hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở bị phạt từ 10 - 15 triệu đồng. |
Chưa hết, kết quả kiểm tra cho thấy, số lái xe chuyên nghiệp vi phạm chiếm trên 30%, công chức viên chức chiếm hơn 20%, ngành nghề khác chiếm gần 50%; độ tuổi vi phạm từ 18 - 45 tuổi chiếm gần 80%. Lực lượng CSGT các địa phương cho biết, không kiểm tra thì thôi, còn cứ kiểm tra là phát hiện vi phạm, thời gian vi phạm chủ yếu từ 12 -14 giờ và từ 18 - 22 giờ hàng ngày.
Còn theo Phòng CSGT Hà Nội, từ đầu năm đến nay, vi phạm và tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến rượu, bia cũng có chiều hướng gia tăng. Để phòng ngừa, Phòng đã triển khai Kế hoạch 18/PC67 tập trung kiểm tra, xử lý lái xe vi phạm trật tự an toàn giao thông, trong đó chú trọng xử lý nghiêm các vi phạm về nồng độ cồn. Theo đó, các đội CSGT ngoài nhiệm vụ chốt trực tại các tuyến đường trọng điểm, được trang bị đầy đủ trang thiết bị, phối hợp với các lực lượng cảnh sát khác tuần tra thường xuyên tại khu vực các nhà hàng, quán bia, bến xe để phát hiện, xử lý vi phạm. Hơn 1 tháng qua, Phòng CSGT Hà Nội đã lập biên bản xử lý gần 3.000 trường hợp vi phạm, trong đó có hàng trăm trường vi phạm sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện.
Theo nhận định của các chiến sỹ CSGT, trong tất cả các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, vi phạm về nồng độ cồn là khó kiểm tra và xử lý nhất. Bởi lẽ, việc phát hiện, kiểm tra và xử lý ở khung hình phạt nào phụ thuộc rất nhiều vào máy móc và sự hợp tác của đối tượng vi phạm. Điều này lý giải vì sao tỷ lệ người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn bị xử lý thời gian qua quá thấp so với thực tế. Ngoài những “chiêu trò” của các đối tượng vi phạm gây khó khăn cho lực lượng CSGT, thì việc nhân lực mỏng, thiếu trang thiết bị cũng cản trở quá trình xử lý của lực lượng CSGT.
Kiên quyết thực hiện các giải pháp đồng bộ Phó Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ, đường sắt Trần Sơn Hà: Truy tố đối tượng gây TNGT liên quan đến rượu, bia Lái xe lạm dụng rượu, bia khi tham gia giao thông luôn tiềm ẩn nguy cơ gây ra các vụ TNGT nghiêm trọng. Trong quá trình kiểm tra, lực lượng CSGT các địa phương thường không nhận được sự hợp tác của đối tượng được kiểm tra. Để khắc phục tình trạng này, ngoài việc tăng cường thiết bị hỗ trợ cho lực lượng CSGT, tới đây, ngành Công an sẽ tăng cường phối hợp với ngành Y tế tiến hành xét nghiệm nồng độ cồn trong máu người điều khiển phương tiện gây tai nạn, làm căn cứ xử lý, truy tố trước pháp luật. Bác sĩ Cao Độc Lập, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội): Chỉ là "đá ném ao bèo" nếu thiếu ý thức Nói đến tác hại của việc sử dụng rượu, bia, phần lớn người dân đều nhận thức được. Song, để mỗi người tự kiểm soát được hành vi này lại không đơn giản. Không ít người, đặc biệt là những người trẻ thừa nhận đã từng lái xe trong tình trạng có hơi men, đến nỗi khi tỉnh lại, họ không biết về nhà bằng cách nào. Luật pháp về ATGT đã quy định giới hạn nồng độ cồn cho phép đối với lái xe, lực lượng chức năng cũng đã thực hiện nhiều biện pháp xử phạt đối tượng vi phạm, thế nhưng mọi biện pháp sẽ chỉ là "đá ném ao bèo" nếu như thiếu đi ý thức của mỗi người dân. Chuyên gia hướng dẫn Dự án “Phòng, chống uống rượu, bia và lái xe - (RS10 - VN)” tại Việt Nam, ông Raymond Neil Shuey: Kiềm chế TNGT từ gốc Hạn chế TNGT do rượu, bia là bài toán khó không chỉ ở Việt Nam. Để khắc phục được tình trạng này, cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan liên quan từ việc giúp nâng cao ý thức người dân, đến việc tăng cường cưỡng chế, kiểm tra, xử phạt người vi phạm, trong đó việc nâng cao ý thức của người tham gia giao thông giữ vai trò quan trọng kiềm chế tai nạn ngay từ gốc. |
Thực tế, lâu nay nhiều lái xe uống rượu bia sau khi bị phát hiện, kiểm tra, thì đều than vãn: “Chỉ uống 2 cốc bia nên chưa vi phạm về nồng độ cồn” Chỉ đến khi máy đo báo kết quả nồng độ rượu bia vượt quá quy định cho phép, thì các lái xe mới “tâm phục khẩu phục”.
Theo Nghị định 34/CP và 71/CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, các lỗi vi phạm được xác định là nguyên nhân dẫn tới TNGT, đặc biệt là lỗi vi phạm về nồng độ cồn, mức tiền phạt đã được nâng lên. Tuy nhiên, không vì thế, số người vi phạm thuyên giảm, thậm chí còn gia tăng. Hầu hết các lái xe vi phạm đều nhận thức được tác hại, tính chất nghiêm trọng của việc sử dụng rượu, bia và đều khẳng định đã nhiều lần điều khiển phương tiện trong tình trạng có hơi men. Điều này cho thấy, còn không ít người coi thường các quy định của pháp luật về giao thông và đây là lý do khiến tình trạng vi phạm nồng độ cồn vẫn đang diễn ra phổ biến.
Hạn chế TNGT do rượu, bia là một bài toán khó, cần có sự phối hợp đồng bộ của nhiều cơ quan chức năng. Nhưng trước khi bàn đến các biện pháp của cơ quan chức năng thì bản thân mỗi người dân phải nâng cao ý thức chấp hành luật khi tham gia giao thông. Nhiều ý kiến cho rằng để “tuyên chiến” với thói quen có hại này, rất cần mở một đợt cao điểm xử lý vi phạm trên phạm vi toàn quốc.
Cục CSGT Đường bộ, đường sắt cho biết, tới đây cục sẽ tăng cường lực lượng chốt trực, mật phục tại các quán nhậu để phát hiện và xử lý các lái xe uống rượu bia rồi điều khiển phương tiện. Thậm chí, lái xe chỉ cần uống vài cốc bia trước khi tham gia giao thông cũng có thể bị xử phạt mức cao nhất tới 15 triệu đồng/lần. Bên cạnh đó, để thực thi nghiêm Nghị định 71/CP, với các trường hợp chống đối, không chấp hành quy định kiểm tra nồng độ cồn, lực lượng chức năng có thể ngay lập tức lập biên bản xử phạt ở mức kịch khung là 3 triệu đồng đối với xe máy và 15 triệu đồng đối với ô tô. Ngoài việc bị phạt tiền, lái xe quá say xỉn có thể bị phạt bổ sung như tước giấy phép lái xe 60 ngày, vô thời hạn nếu gây TNGT nghiêm trọng.
Nguyễn Tiến