Sẽ lồng ghép thông tin ô nhiễm vào bản tin dự báo thời tiết

Những ngày qua, không khí tại Hà Nội ở mức rất xấu và nguy hại, ảnh hưởng đến sức khỏe tất cả mọi người. Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có chỉ đạo khẩn về việc triển khai các biện pháp nhằm giảm ô nhiễm không khí, trong đó có đề xuất lồng ghép thông tin ô nhiễm vào bản tin dự báo thời tiết.

Sáng 5/1, hệ thống quan trắc của Tổng cục Môi trường và Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội, PAM Air đồng loạt cho chỉ số chất lượng không khí ở mức ‘rất xấu’, ảnh hưởng và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, khuyến cáo tránh hoạt động ngoài trời.

Lúc 7 giờ 15 phút sáng 5/1, trên hệ thống cảm biến chất lượng không khí PAM Air tại khu vực Hà Nội, các điểm đo phổ biến hai màu tím và nâu, tượng trưng cho chất lượng không khí ở mức "rất xấu" và "nguy hại".

Cùng thời điểm, tại các điểm quan trắc cố định về chất lượng môi trường của Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội cũng cho chỉ số chất lượng không khí (AQI) lên tới 240, mức "rất xấu", ảnh hưởng đến sức khỏe tất cả mọi người. Trong đó, các khu vực Minh Khai, Trung Hòa-Cầu Giấy, 57 Trần Hưng Đạo, Pháp Vân-Tứ Hiệp... đều có chỉ số chất lượng không khí ở mức "rất xấu".

 

Chú thích ảnh
Hệ thống cảm biến chất lượng không khí PAM Air ghi nhận mức độ ô nhiễm không khí tại Hà Nội sáng 5/1. Ảnh chụp màn hình.

Tại điểm quan trắc cố định 556 Nguyễn Văn Cừ, thuộc Trung tâm Quan trắc của Tổng cục Môi trường, chất lượng không khí ở Hà Nội cũng ở mức "xấu".

Theo Tổng cục Môi trường, khi chất lượng không khí ở mức "xấu" và "rất xấu", những người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm như người già, trẻ em, những người mắc bệnh hô hấp, tim mạch có thể gặp những vẫn đề về sức khỏe nghiêm trọng hơn.

Trước đó, ngày 4/1, theo hệ thống quan trắc của Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội, chỉ số AQI tại 10 trạm quan trắc trên địa bàn Hà Nội cũng đều ở mức "xấu" và "kém".

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, chất lượng không khí có mối liên hệ mật thiết với chất lượng không khí, nhất là vào mùa đông, khi trước và sau khi không khí lạnh tràn về sẽ gây ra hiện tượng nghịch nhiệt. Nghịch nhiệt là một hiện tượng của khí quyển xảy ra khi nhiệt độ của lớp khí quyển trên cao lớn hơn nhiệt độ của lớp khí quyển phía dưới. 

Khi xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt, lớp nghịch nhiệt đóng vai trò như một “chiếc mũ” và dừng quá trình xáo trộn trong bầu khí quyển, khiến cho các chất ô nhiễm bị giữ lại trong môi trường không khí không thể khuếch tán lên cao là một phần nguyên nhân làm chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng hơn trong khoảng thời gian trên.

Theo ông Hoàng Phúc Lâm, những ngày qua người dân thủ đô Hà Nội có thể thấy rõ tình trạng không khí ô nhiễm hơn và có sương mù là do hiện tượng nghịch nhiệt.

“Về nguyên tắc thì có thể dự báo trước được hiện tượng nghịch nhiệt nhưng với công nghệ dự báo hiện nay tại Việt Nam thì chưa đảm bảo được việc dự báo hiện tượng này”, ông Hoàng Phúc Lâm cho biết.

Đại diện Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, gần đây, mức độ ô nhiễm không khí tại một số đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Nguyên nhân chính là bụi, khí thải từ phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả, kết hợp yếu tố thời tiết bất lợi (nghịch nhiệt) trong giai đoạn giao mùa.
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản gửi đến UBND các tỉnh, thành phố, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, đề nghị triển khai khẩn một số biện pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí trong bối cảnh nhiều đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng diễn ra từ đầu mùa đông.

Chú thích ảnh
Nhìn từ trên cao Hà Nội mù mịt trong những ngày chỉ số ô nhiễm không khí cao kỷ lục. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã và các đơn vị chức năng tuyên truyền, vận động nhân dân không đốt chất thải rắn, rơm rạ sau thu hoạch, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường không khí. Công khai thông tin về các nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí, các cá nhân, tổ chức trên địa bàn quản lý vi phạm các quy định pháp luật bảo vệ môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Riêng đối với hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo cần đẩy nhanh việc ban hành và thực hiện kế hoạch phát triển hệ thống giao thông công cộng, ưu tiên phương tiện sử dụng năng lượng sạch, không phát thải; Thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường trong thành phố. Bộ cũng đề nghị hai thành phố lớn điều tiết, phân luồng giao thông hợp lý để hạn chế tình trạng ùn tắc kéo dài gây ô nhiễm môi trường; Tổ chức và duy trì thường xuyên hoạt động phun nước rửa đường tại các trục, tuyến đường giao thông chính của các đô thị, thành phố để hạn chế bụi phát tán, đặc biệt trong điều kiện thời tiết hanh khô, lặng gió và thu gom triệt để rác, bụi bẩn trên các trục, tuyến, giải phân cách đường giao thông.

Với các công trình xây dựng, nguồn phát thải bụi mịn quan trọng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị cần đôn đốc, kiểm tra các chủ dự án, đơn vị quản lý, thi công các công trình xây dựng, giao thông thực hiện nghiêm các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu phát tán bụi, khí thải như che chắn công trình, phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng, phun nước, rửa đường, rửa xe ra vào công trình. Với các cơ sở công nghiệp, cần thực hiện các biện pháp kiểm soát, xử lý khí thải, đặc biệt là các cơ sở có phát sinh nguồn bụi, khí thải lớn, lắp đặt quan trắc khí thải tự động và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị chính quyền Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tuyên truyền, vận động, có chính sách hỗ trợ các hộ gia đình, hộ kinh doanh nhỏ hạn chế, tiến tới không sử dụng than, than tổ ong gây ô nhiễm môi trường trong sinh hoạt. 

Về đề xuất lồng ghép thông tin ô nhiễm vào bản tin dự báo thời tiết, ông Hoàng Phúc Lâm cho biết, hiện Tổng cục Khí tượng Thủy văn và Tổng cục Môi trường đã có phối hợp, thời gian tới sẽ có kế hoạch triển khai hoạt động quan trắc lẫn mô hình dự báo, tiến tới dự báo chất lượng không khí.

Thu Trang/Báo Tin tức
 Từ 7/1, miền Bắc đón đợt mưa rét mới, cảnh báo có tuyết ở vùng núi từ đầu mùa đông
Từ 7/1, miền Bắc đón đợt mưa rét mới, cảnh báo có tuyết ở vùng núi từ đầu mùa đông

Chia sẻ với phóng viên sáng 5/1, ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, từ ngày 7/1, một đợt không khí lạnh mạnh sẽ tăng cường và ảnh hưởng đến Bắc Bộ và một số nơi ở Nam Trung Bộ gây mưa và rét đậm, rét hại, khả năng xảy ra tuyết ở vùng núi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN