Tại các điểm tập kết rác, trên các con phố và khu vực nhà dân, những đống rác chồng chất khiến người dân bức xúc. Nguyên nhân của tình trạng này là do Nhà máy xử lý rác thải Bảo Lộc - thuộc Công ty Môi trường Xanh Cao nguyên Đà Lạt (có trụ sở nhà máy tại xã Đại Lào, thành phố Bảo Lộc) bị quá tải khiến rác thải sinh hoạt tràn ngập khắp nơi.
Ông Nguyễn Trọng An, xã Lộc Nga, thành phố Bảo Lộc cho biết: Những ngày gần đây, rác để ngập đường mà không thấy ai tới thu gom dù tiền phí vệ sinh môi trường người dân vẫn đóng đầy đủ. Mỗi lần gió thổi, mùi hôi thối ở bãi rác lại bốc lên.
Khảo sát qua tuyến đường dọc theo Quốc lộ 20, như tuyến đường Trần Phú, ngã ba Thanh Xá (xã Lộc Nga), đường Nguyễn Văn Cừ, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Công Trứ, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Trỗi… phóng viên nhận thấy có rất nhiều đống rác khoảng từ 1 tấn đến vài tấn xuất hiện khắp nơi.
Điều đáng nói, lượng rác quá nhiều đã tràn ra cả lòng đường bốc mùi hôi thối, ruồi nhặng bâu vào gây ô nhiễm nghiêm trọng. Nhiều đống rác nằm hai bên đường, tràn ra cả lòng đường gây mất an toàn giao thông và mất mỹ quan đô thị. Nghiêm trọng hơn, tại các cổng trường học, trung tâm y tế… lượng rác bị ùn ứ chất thành từng đống lớn gây ô nhiễm và rất phản cảm. Để đối phó với tình trạng trên, hầu hết các hộ dân sống gần khu vực có các bãi rác đã phải đóng cửa nhà 24/24 giờ.
Trong khi đó, ông Lê Đình Trọng, Giám đốc Công ty Môi trường Xanh Cao nguyên Đà Lạt cho biết: Nhà máy xử lý rác Bảo Lộc bắt đầu đi vào hoạt động vào tháng 4/2017. Theo thiết kế, Nhà máy xử lý rác thải Bảo Lộc thuộc công ty có công suất đốt 120 tấn rác/ngày. Sở dĩ có tình trạng ùn ứ rác như hiện nay là do từ khi đi vào hoạt động, nhà máy đốt liên tục để giải quyết triệt để lượng rác tồn đọng cũ. Ngoài ra, thời gian qua, lượng mưa ở Bảo Lộc lớn dẫn tới rác bị ướt. Mỗi ngày, nhà máy chỉ có thể đốt được hơn 70 tấn rác nên đã rơi vào tình trạng bị quá tải.
Trước thực trạng trên, UBND thành phố Bảo Lộc đã yêu cầu Công ty Môi trường Xanh Cao nguyên Đà Lạt nhanh chóng khắc phục các sự cố để đảm bảo việc xử lý rác đúng kế hoạch, khối lượng và đảm bảo vệ sinh môi trường cho người dân địa phương.
Hiện, nhà máy không thể tiếp nhận rác mới nên rác bị ùn ứ trong thành phố Bảo Lộc. Trước thực trạng trên, Công ty Môi trường Xanh Cao nguyên Đà Lạt đã làm việc với UBND huyện Bảo Lâm để tạm thời gửi lượng rác tồn đọng vào bãi rác của huyện Bảo Lâm, chờ Nhà máy xử lý rác thải Bảo Lộc khắc phục xong tình trạng quá tải. Nhưng đến ngày 28/10, phía huyện Bảo Lâm đã từ chối nhận rác và thành phố Bảo Lộc phải đưa rác đi gửi xa hơn 40 km, tại huyện Di Linh.
Tuy nhiên, những giải pháp trên đây chỉ mang tính chất tạm thời. Chính quyền địa phương cần có cơ chế, chính sách phối hợp thu hút đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác có công suất lớn hơn. Bên cạnh đó, người dân cần đổ rác đúng nơi quy định để đảm bảo vệ sinh môi trường.