Quyết liệt phòng, chống dịch cúm gia cầm

Ông Nguyễn Hữu Phước - Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Ninh Thuận cho biết: "Để chủ động phòng, chống và ngăn chặn dịch cúm gia cầm, hạn chế đến mức thấp nhất các ổ dịch cũ có thể bùng phát, ngăn ngừa lây lan ra diện rộng, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh Ninh Thuận đang thực hiện quyết liệt các biện pháp để phòng, chống dịch cúm có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh.
 

Phun thuốc khử trùng cho phương tiện tại chốt kiểm dịch thôn Văn Xá, xã Ngô Quyền, huyện Thanh Miện (Hải Dương). Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN


Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các huyện, thành phố trong tỉnh đã tiến hành tiêu độc toàn bộ chuồng trại, khu vực chăn nuôi và vùng phụ cận, ngăn chặn dịch bệnh gia súc, gia cầm kịp thời. Ngoài kinh phí 400 triệu đồng được tỉnh cấp để phục vụ cho tiêu độc khử trùng, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh Ninh Thuận kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương hỗ trợ cho tỉnh 20 tấn thuốc Benkocid để tiêu độc, khử trùng, không để dịch cúm gia cầm phát sinh và lây lan.

* Chi cục Thú y tỉnh Nam Định phối hợp với các huyện, thành phố đồng loạt ra quân tiêm phòng cho toàn bộ đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh. Trong năm 2012, tỉnh Nam Định sẽ tiến hành tiêm phòng cho 5.300.000 con gia cầm (đạt trên 80% tổng đàn).

Nam Định đã phát hiện một ổ dịch cúm gia cầm bùng phát trở lại tại xã Yên Thắng, Ý Yên vào ngày 20/2 làm chết 145/180 con vịt. Kết quả từ Trung tâm Chuẩn đoán Thú y Trung ương đã cho kết luận đàn vịt mắc cúm A/H5N1. Ngành thú y và chính quyền địa phương đã khẩn trương tổ chức tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm trên để tránh tình trạng dịch bệnh lây lan.

Trên địa bàn tỉnh Nam Định đã phát hiện ổ dịch cúm gia cầm, song đến nay vẫn chưa có vắcxin phù hợp. Nguyên nhân là do virút cúm gia cầm đã biến đổi, vắcxin cũ không còn phù hợp. Công tác phòng chống dịch tại địa phương chủ yếu là các biện pháp thủ công; trong đó chú trọng vào công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, lây lan.

* Sáng 26/2, Chi cục thú y Bình Dương phối hợp với các ngành chức năng đã truy quét các điểm kinh doanh, mua bán giá cầm sống và giết mổ lậu trên địa bàn thị xã Thủ Dầu Một, lập biên bản và tịch thu một lượng lớn gia cầm tại khu phố 8, phường Phú Lợi. Đoàn chức năng đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với gia đình ông Trần Văn Hiếu (tạm trú tại khu phố 8, phường Phú Lợi) kinh doanh gia cầm trái phép.

Chi cục Thú y tỉnh đã chuẩn bị 1,2 triệu liều vắcxin H5N1 Re5 tổ chức tiêm phòng đồng loạt trên địa bàn tỉnh vào ngày 1/3/2012. Theo đó, đợt tiêm phòng này sẽ tiêm phòng vắcxin cúm gia cầm cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Các hộ chăn nuôi có quy mô dưới 2.000 con được miễn phí tiền vắcxin. Các trang trại quy mô lớn hơn 2.000 con thì đăng ký với Chi cục Thú y mua vắcxin cúm gia cầm và tự tổ chức tiêm dưới sự giám sát của thú y địa phương.

* Mặc dù chưa xuất hiện dịch cúm gia cầm trên địa bàn, nhưng tỉnh Lào Cai vẫn ban bố tình trạng khẩn cấp phòng chống dịch bùng phát và lây lan. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố huy động các lực lượng chức năng của địa phương, tăng cường kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở giết mổ, chế biến, tiêu thụ và vận chuyển gia cầm, tổ chức tốt việc giám sát, phát hiện kịp thời bệnh dịch trên gia cầm và xử lý triệt để, phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế, thú y chỉ đạo các xã, phường, thị trấn, các phòng, ban chức năng của địa phương thực hiện nghiêm các hướng dẫn chuyên môn, kịp thời báo cáo tình hình của địa phương về UBND tỉnh.

UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng tiến hành kiểm tra, rà soát, bảo đảm đủ cơ số trang thiết bị y tế, thuốc và hóa chất thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch ở các tuyến. Đồng thời phân công lãnh đạo và đơn vị thường trực phòng, chống dịch trực 24/24 giờ để kịp thời thu thập, tiếp nhận thông tin và chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ phòng, chống dịch kịp thời.

TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN