Bộ QTƯX quy định các quy tắc ứng xử chung và quy tắc ứng xử tại 8 nơi công cộng, cụ thể như: Vỉa hè, lòng đường; vườn hoa, quảng trường, tượng đài, công viên; cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo; bảo tàng, thư viện, nhà văn hóa; trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, quán ăn; nhà ga, bến xe ô tô, bến tàu, thuyền, sân bay; khi tham gia giao thông; khu vui chơi, giải trí, điểm tham quan du lịch. Quy tắc ứng xử định hướng các cá nhân, tổ chức những việc “nên làm” và “không nên làm”, tuy nhiên đây không phải là những quy định bắt buộc.
Lực lượng chức năng phường Hàng Bông (Hoàn Kiếm) nhắc nhở người dân không lấn chiếm vỉa hè. |
Theo đó các cá nhân, tổ chức cần có trang phục lịch sự, phù hợp với hoàn cảnh, chuẩn mực xã hội; đấu tranh, bảo vệ lẽ phải, người yếu thế, phê phán hành vi sai trái. Đồng thời, khuyến cáo không nên nói tục, chửi bậy, xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác; không hút thuốc, khạc nhổ, phóng uế tùy tiện...
Tại một số nơi công cộng cụ thể cũng có những khuyến cáo riêng phù hợp với khu vực đó. Như tại vỉa hè, lòng đường, bộ Quy tắc khuyến cáo không nên chiếm dụng vỉa hè, lòng đường; đun nấu, đốt lửa trên vỉa hè, lòng đường.
Còn tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo nên đi nhẹ, nói khẽ, giữ gìn trật tự, vệ sinh chung; không nên thực hành, ủng hộ mê tín dị đoan; không mặc trang phục hở hang, không phù hợp thuần phong mỹ tục, gây phản cảm...
Những quy tắc ứng xử nơi công cộng đều là những hướng dẫn cụ thể cho người dân cách ứng xử chuẩn mực, văn minh, thể hiện nét đẹp văn hóa của mỗi người để từ đó nhân rộng cho toàn xã hội.
Ông Nguyễn Minh Hưng, phố Hàng Bột (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng: “Bộ QTƯX nơi công cộng là điều cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Đây là những chuẩn mực chung nơi công cộng mà mọi người đều tuân thủ để xây dựng xã hội văn minh. Chẳng hạn quy định chung không xả rác thải, chất thải trái nơi quy định nhưng thực tế nhiều nơi vẫn còn tình trạng vứt rác bừa bãi, tiện đâu vứt đó gây mất cảnh quan đô thị. Hoặc như vẫn có nhiều người mặc trang phục hở hang đi vào đền chùa, nơi thực hành tín ngưỡng tôn giáo gây phản cảm”.
Hướng dẫn nhân rộng
Bộ QTƯX quy định phần Khen thưởng và kỷ luật với 2 nội dung: Tổ chức, cá nhân thực hiện tốt QTƯX này sẽ được khen thưởng theo quy định; Các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định tại QTƯX này, tùy mức độ sẽ bị nhắc nhở, phê bình, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Trường hợp vi phạm pháp luật sẽ bị xem xét, xử lý theo luật định.
“Xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô "Kỷ cương - trách nhiệm - tận tình - thân thiện", đồng thời xây dựng Hà Nội văn minh, lịch sự, giảm thiểu ô nhiễm môi trường”. Bí thư thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải |
Ông Ngô Văn Nam, Trưởng phòng Nếp sống văn hóa mới (Sở Văn hóa Thể thao) Hà Nội cho biết: “Việc khen thưởng và kỷ luật ở đây chủ yếu vẫn mang tính chất xây dựng ý thức cho người dân, không phải là xử phạt. Những cá nhân có hành động tốt mang tính chất điển hình được biểu dương trên các phương tiện truyền thông.
Những trường hợp vi phạm, có cách hành xử không đúng như: Để xe trên vỉa hè không đúng quy định, mặc trang phục không chuẩn mực ở một số không gian như trong đền, chùa, hay mặc phản cảm đi ngoài đường gây bất bình cho người đi đường... sẽ bị lực lượng chức năng, cộng đồng nhắc nhở, phê bình, đồng thời có thể phản ánh trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Những hành động ăn mặc váy ngắn đi lễ chùa, đi xe lên vỉa hè... đã được ghi hình, chụp ảnh và đăng tải; nên quy định nhắc nhở vi phạm của QTƯX cũng chỉ dừng lại như thế. Mục đích của việc phê bình này là nhằm nâng cao ý thức cho người dân hơn nữa để từ đó xây dựng những cách ứng xử văn minh tại nơi công cộng”.
Từ bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng, Sở VHTT Hà Nội sẽ tham mưu cho UBND TP Hà Nội xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể việc thực hiện bộ QTƯX. Theo đó, mỗi đơn vị, cơ sở, địa điểm vui chơi sẽ có những hướng dẫn cụ thể cho người dân. Ví dụ như: Tại bến xe, bến phà sẽ có biển chỉ dẫn người dân xếp hàng, giữ gìn trật tự, vệ sinh chung; Tại các đình, đền, chùa nên có tấm biển hướng dẫn cách mặc trang phục, hành lễ sao cho đúng...
PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm điều tra xã hội học cho rằng: “Bộ QTƯX của Hà Nội giống như hương ước ứng xử của làng xã Việt Nam. Ông cha ta đã xây dựng và thực hiện thành công các hương ước làng để đảm bảo trật tự, lối sống trong làng. Nay thành phố Hà Nội với hàng triệu người nhập cư và xảy ra nhiều hiện tượng không đẹp như bún mắng, cháo chửi, lấn chiếm vỉa hè... Do đó, đây là việc làm cần thiết để từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thủ đô hiện đại, phát triển”.
Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nhận định: “Những quy định của bộ quy tắc ứng xử dành cho công chức, viên chức trong các cơ quan của Hà Nội và quy tắc ứng xử nơi công cộng đa phần mọi người đều đón nhận, hoan nghênh dù nó chưa thực sự hoàn hảo. Trong quá trình thực hiện bộ quy tắc nếu có vấn đề phát sinh cần tiếp tục hoàn thiện bổ sung”.
“Đơn cử như tiêu chí không ăn mặc hở hang, phản cảm thì lấy theo tiêu chí của mỗi người có quan điểm riêng, nhưng tiêu chí chung của số đông, phản cảm là quá ngắn, quá lôi thôi, lếch thếch, hở hang. Ăn mặc là các vấn đề về phạm trù văn hóa không thể mô tả chính xác như toán học", ông Phạm Quang Nghị dẫn chứng.