Trước tiềm năng và nhu cầu phát triển của các “chợ” hiện đại, sức mua ở các chợ truyền thống ngày càng giảm sút. Theo Bộ Công Thương, trong khi sức mua ở các siêu thị tăng 10-20% thì ngược lại các chợ truyền thống, sức mua giảm 10% so với cùng kỳ.
Giảm do xuống cấp
Theo thống kê của Bộ Công Thương, cả nước có khoảng 9.000 chợ truyền thống. Trong đó, Hà Nội có hơn 410 chợ và TP.HCM có hơn 240 chợ. Nhiều năm qua các khu chợ truyền thống tại Hà Nội và TP.HCM không được nâng cấp, sửa chữa, phần lớn hệ thống hạ tầng của các chợ đều bị hư hỏng nặng. Vào mùa nắng hanh, mùi hôi thối từ cống bốc lên nồng nặc, còn vào mùa mưa thì thường bị ngập.
Chợ truyền thống vẫn có sức hút với đông đảo người dân. Ảnh: Lê Phú |
Ghi nhận tại các chợ ở TPHCM như chợ Bà Chiểu, các chợ lớn khác như Tân Định (quận 3), Bình Triệu (Q Thủ Đức), Lò Than (Q 8), chợ Hoàng Hoa Thám (Q Tân Bình), chợ Phú Nhuận (Q Phú Nhuận)… cho thấy, rất nhiều sạp hàng thưa thớt người mua. Đặc biệt là sau 10 giờ sáng, hầu hết các chợ đều rơi vào tình trạng ế ẩm. Một tiểu thương bán vải tại chợ Tân Định cho biết, thực tế lượng khách đã bắt đầu giảm mạnh từ năm ngoái. Một phần do kinh tế khó khăn người dân thắt chặt chi tiêu, phần khác do chợ xuống cấp nên người tiêu dùng cũng ngại vào chợ. Chưa kể, chợ “cóc” cạnh tranh giành khách bên ngoài… Ðại diện Ban Quản lý chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh) cũng cho hay, sức mua của chợ giảm tới 30-40%. Theo đó, trong số 28 sạp buôn bán ngành hàng rau, cá, đậu hũ... được Ban Quản lý cho thuê lại với giá 60.000-180.000 đồng mỗi tháng, đã có 12 sạp xin ngưng hẳn và trả lại mặt bằng. Chỉ có các sạp bán đồ tiêu dùng thiết yếu, mỹ phẩm, quần áo là còn nhiều khách lui tới.
Thừa nhận tình trạng này, bà Lê Ngọc Đào – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, với hơn 240 chợ truyền thống đang hoạt động, chỉ còn khoảng 34% chợ là đảm bảo hoạt động tốt, còn lại các chợ đều đang trong tình trạng xuống cấp trầm trọng. Trước tình hình trên, nhiều tiểu thương buộc phải đóng cửa, trả mặt bằng hoặc sang sạp do sức mua tại các chợ thời gian gần đây sụt giảm. Hiện sức mua ở các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố giảm khoảng 10% so với cùng kỳ.
Không riêng gì TP.HCM, hơn 410 chợ truyền thống tại Hà Nội cũng gặp nhiều khó khăn bởi sự xuống cấp, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, văn minh thương mại... Chưa kể, thị trường Hà Nội hàng giả, hàng nhái, hàng Trung Quốc xâm nhập chợ truyền thống ngày càng tăng. Điều này đã làm mất đi sức cạnh tranh giữa hàng Việt và hàng ngoại, đồng thời khiến người tiêu dùng không an tâm do sợ mua phải hàng kém chất lượng.
Vẫn còn sức hút
Trước tình hình trên, tháng 6 vừa qua Bộ Công Thương đã làm việc cùng các Sở Công Thương, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cùng các chuyên gia để bàn về biện pháp tổ chức, quản lý chợ truyền thống trong đô thị Việt Nam.
Tiến sỹ Hoàng Thọ Xuân, Viện Nghiên cứu Thương mại cho rằng, ở nước ta, chợ truyền thống mang đậm dấu ấn văn hóa, thể hiện trong giao dịch và trong văn hóa của chợ. Bên cạnh đó, hàng hóa ở chợ có ưu điểm là tươi mới, phong phú, đặc trưng cho vùng miền và có giá rẻ; người dân giao dịch tự do, thoải mái mặc cả, thuận mua vừa bán. Đồng thời, đây cũng là nơi giao lưu mua bán các mặt hàng đa dạng, là kênh phân phối các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm tươi sống, đặc biệt đóng vai trò quan trọng đối với người tiêu dùng nghèo. Vì thế, dù chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ mô hình bán lẻ hiện đại thì chợ truyền thống vẫn phát triển và đáp ứng đến 45 -50% nhu cầu của người tiêu dùng. Do đó, song song với việc phát triển các “chợ” hiện đại cũng nên quy hoạch và phát triển các khu chợ truyền thống. Tuy nhiên cần phải phù hợp với thực tế, có mô hình quản lý và định rõ chức năng, quyền hạn và gắn quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm quản lý phát triển chợ với một tổ chức, đơn vị ở địa phương…
Theo đề án của Sở Công Thương Hà Nội, từ nay đến 2020 nâng cấp đối với các chợ trong khu vực nội thành, cải tạo những chợ có quy mô lớn hơn 10.000m2 thành chợ trung tâm hiện đại. Bên cạnh đó, tập trung cải tạo, di dời xây mới các chợ khu vực nông thôn thành chợ cấp III đáp ứng nhu cầu mua bán hàng ngày của người dân; xây dựng một số chợ đầu mối bán buôn nông sản cấp vùng, thành phố. Tương tự, Sở Công Thương TP.HCM cũng đề ra các giải pháp quản lý hệ thống thương mại trên địa bàn thành phố, nâng cấp, hệ thống thương mại từ nay đến năm 2015. Theo đó, sẽ có 248 chợ, trong đó phát triển thêm 5 chợ, giải tỏa di dời và chuyển công năng 37 chợ. Lên kế hoạch xây dựng thương hiệu chợ an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng như đưa hàng sản xuất trong nước có thương hiệu, uy tín vào chợ truyền thống, để tạo niềm tin cho người tiêu dùng khi mua sắm tại chợ.
Hải Yên