Theo Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, mặc dù bị tác động do khó khăn chung của kinh tế thế giới, nhưng thị trường bán lẻ tại Việt Nam vẫn thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Dự báo từ nay đến 2015, tốc độ tăng trưởng bình quân của thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn ở mức 23- 25%/năm và là một trong năm thị trường có khả năng sinh lời cao nhất.
Siêu thị - trung tâm thương mại lên ngôi
Theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện nay cả nước có hơn 600 siêu thị, khoảng 102 trung tâm thương mại (TTTM), trên 1.000 cửa hàng tiện ích… Trong đó, TP.HCM có trên 160 siêu thị, 22 TTTM và 202 cửa hàng tiện ích. Dự kiến năm 2015, TP.HCM sẽ phát triển thêm 77 siêu thị, gần 100 TTTM và 360 cửa hàng tiện ích.
Tiềm năng thị trường bán lẻ
Theo ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, năm 2011 kinh tế thế giới đã tác động tiêu cực đến kinh tế và thị trường bán lẻ Việt Nam. Điều này khiến cho các nhà bán lẻ Việt Nam gặp nhiều khó khăn và thử thách trong năm 2012. Nhất là ngày 12/6 vừa qua Hãng tư vấn danh tiếng của Mỹ A.T.Keraney đã công bố Việt Nam từ vị trí thứ 23 năm 2011 đã rơi khỏi top 30 quốc gia đang phát triển có thị trường bán lẻ sôi động nhất thế giới. Đây đã là năm thứ tư liên tiếp Việt Nam tụt hạng trong danh sách này. Thế nhưng, trước những khó khăn chung, dung lượng thị trường bán lẻ của Việt Nam vẫn đạt quy mô khá. Nguyên nhân là do quy mô nền kinh tế tăng, quy mô thị trường được mở rộng từ những năm trước, cùng mức dân số xấp xỉ 87 triệu người với nhu cầu tiêu dùng tăng từng năm và 70% thu nhập của người tiêu dùng là dành cho mua sắm, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Chính vì vậy, các nhà bán lẻ vẫn lạc quan vào thị trường Việt Nam.
Mua sắm tại siêu thị đang là thói quen của người tiêu dùng. Ảnh: Lê Phú |
Nhà bán lẻ đến từ Nhật Bản - Tập đoàn AEON mới đây cũng đã công bố dự án Celedon Shopping Mall và đã khánh thành chuỗi cửa hàng tiện lợi - Ministop tại TP.HCM. Ngoài ra, đơn vị này còn phối hợp với Trung Nguyên có kế hoạch mở thêm 30 cửa hàng trong năm 2012 và dự kiến sẽ phát triển hệ thống lên đến 500 cửa hàng trên khắp Việt Nam trong vòng 5 năm. Không riêng gì doanh nghiệp nước ngoài, bản thân các doanh nghiệp trong nước cũng tỏ ra khá lạc quan về triển vọng phát triển thị trường bán lẻ trong thời gian tới như Công ty cổ phần Pico - Nhà bán lẻ hàng đầu khu vực phía Bắc bất chấp doanh thu trong năm 2011 và 6 tháng đầu năm nay bị sụt giảm gần 20% vẫn quyết định đầu tư, xây dựng Khu phức hợp thương mại Pico Plaza tại TP.HCM.
Bà Vũ Thị Kim Hạnh – Chủ tịch Hội Hàng Việt Nam Chất lượng cao (HVNCLC):
Cần nâng cao quản lý chợ truyền thống.
Để làm một sản phẩm đạt chất lượng, xứng với danh hiệu HVNCLC, các doanh nghiệp phải mất thời gian dài xây dựng thương hiệu, bên cạnh đó phải liên tục thay đổi mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, áp lực của doanh nghiệp Việt hiện là phải đối phó, cạnh tranh với hàng giả, hàng nhái. Điều đáng nói, không chỉ hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nước ngoài, mà ngay các thương hiệu Việt, đặc biệt là HVNCLC cũng bị làm nhái đến 90%. Phần lớn, các mặt hàng này tập trung ở các chợ truyền thống. Đó cũng chính là lý do vì sao, nhiều thương hiệu Việt rất e dè khi đưa hàng về chợ.
Bà Trần Thị Nhiều – Trưởng BQL chợ Bà Chiểu (Q Bình Thạnh):
Các tiểu thương bỏ sạp là do khó cạnh tranh với các chuỗi, cửa hàng bán lẻ.
Từ khi bố trí sạp đến nay, chợ giảm khoảng hơn 50 sạp, hiện còn khoảng 1.018 hộ/1.347 sạp kinh doanh tất cả các mặt hàng. Trong đó, các tiểu thương bán mặt hàng vàng, vải vóc và thực phẩm như thịt heo, cá, rau, hoa quả, bánh kẹo… bỏ sạp nhiều nhất. Nguyên nhân do các cửa hàng tiện ích, siêu thị quá gần chợ. Chỉ tính xung quanh chợ Bà Chiểu vài km, đã có hơn 3 chuỗi, cửa hàng bán lẻ vây quanh như siêu thị Co.op Mart, Vissan, Shop and go… Theo đó, ngay cả các sạp bán thịt của hệ thống Vissan trong chợ cũng khó cạnh tranh với cửa hàng bên ngoài. Tuy nhiên, người tiêu dùng thích vào chợ truyền thống mua các mặt hàng này vì người bán hàng biết cách tiếp thị, tư vấn khách chọn hàng. |
Có thể thấy, với những kế hoạch phát triển thị trường bán lẻ từ nay đến 2015, nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá TP.HCM là thị trường sôi động và nhộn nhịp nhất nước. Ông Nguyễn Anh Tân, Phó giám đốc Công ty Pico TP.HCM thừa nhận, tình hình kinh tế khó khăn hiện nay chỉ là tạm thời. Trong khi đó, xã hội càng phát triển thì đời sống người dân càng được nâng cao và họ càng chú trọng đến tính an toàn và thưởng ngoạn trong sinh hoạt. Thực tế đang có một sự chuyển dịch về xu hướng mua sắm từ chợ truyền thống sang các trung tâm thương mại và siêu thị tiêu dùng hiện đại. Ông Tân kỳ vọng, sức mua của thị trường sẽ quay trở lại và tăng mạnh vào quý IV/2012.
Đồng quan điểm này, đại diện siêu thị Big C cho biết, trong lĩnh vực phân phối, so với các thị trường lân cận, thị trường bán lẻ hiện đại của Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ, chưa đến 20%, và ít cạnh tranh. Vì vậy, tiềm năng phát triển của thị trường bán lẻ rất lớn và hấp dẫn, cả phân phối tổng hợp lẫn phân phối chuyên ngành. Điều này cũng lý giải vì sao, nhiều nhà phân phối nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam như Big C, Parkson, Metro Cash & Carry, Lotte Mart, Family… tiếp tục mở rộng hệ thống kinh doanh của mình, trong khi những nhà phân phối lớn của nước ngoài khác vẫn đang hướng tới thị trường Việt Nam như Aeon, E-Mart…
Sẽ tăng quy mô “chợ” hiện đại
Theo định hướng của Bộ Công Thương, từ nay đến 2020 Hà Nội sẽ xây thêm 946 siêu thị, 35 TTTM, 45 trung tâm mua sắm... Theo đó, tại khu vực nội thành cũ sẽ đầu tư nâng cấp các siêu thị hiện có, đồng thời xây dựng mới một số siêu thị với quy mô hạng 3. Khu vực các quận Tây Hồ, Ba Ðình, Ðống Ða, Hai Bà Trưng, thành phố sẽ xây dựng mới các siêu thị hạng 2 tại các khu vực chợ cũ có quy mô hơn 5.000 m2. Tại các khu đô thị mới ở các quận Tây Hồ, Cầu Giấy, Hà Ðông, Thanh Xuân, huyện Từ Liêm... xây dựng các đại siêu thị và siêu thị hạng 2 ở những vị trí giao thông thuận lợi. Cùng với đó, thành phố sẽ đầu tư các TTTM tầm cỡ quốc tế gắn với các loại hình dịch vụ hỗ trợ, phục vụ cho du lịch, vui chơi, nghỉ dưỡng tại các đô thị vệ tinh. Các loại hình thương mại truyền thống tồn tại song song với các hình thức thương mại hiện đại, nhưng sẽ dần thu hẹp tỷ trọng và được tổ chức phát triển theo những định hướng đã xác định.
Với TP.HCM, năm 2015 sẽ phát triển thêm 77 siêu thị, gần 100 TTTM, 360 cửa hàng tiện ích. Bà Nguyễn Thị Hồng – PCT UBND TP.HCM cho hay, sẽ khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng, kinh doanh siêu thị, TTTM trên cơ sở không gây ách tắc giao thông. Theo đó, ưu tiên phát triển siêu thị, TTTM tại những khu vực đầu mối giao thông, khu mua sắm tập trung, phố đi bộ, khu dân cư mới. Ngoài ra, các siêu thị tổng hợp phát triển xen kẽ, tương xứng với mạng lưới chợ hiện hữu, thay thế dần vai trò của mạng lưới chợ trong khu vực nội thành. Các siêu thị chuyên doanh trở thành những nơi mua sắm tiêu biểu, có thương hiệu trên địa bàn thành phố. Với hệ thống TTTM, tập trung kinh doanh hàng tiêu dùng cao cấp, phục vụ tốt nhu cầu tham quan, mua sắm của nhân dân thành phố và khách du lịch. Hiện UBND TP.HCM đang giao cho Sở Công Thương TP.HCM xem xét địa điểm dự kiến xây dựng siêu thị, TTTM dựa trên những tiêu chí phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu của người tiêu dùng và mạng lưới phân phối hàng hóa trong khu vực.
Bà Lê Ngọc Đào – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho hay, ngoài tập trung phát triển siêu thị, TTTM, thành phố cũng tập trung quy hoạch phát triển các cửa hàng tiện lợi như Co.opfood, Satrafood, Foodcomart, Vissan, G7Mart, Minimart, Citimart... Hiện loại hình này đang phát triển nhanh chóng tại các khu dân cư, chung cư, khu công nghiệp nhằm góp phần phục vụ nhu cầu mua sắm cho người dân. Tuy nhiên, vấn đề hàng đầu của ngành bán lẻ trong năm 2012 là hoàn thành quy hoạch và phát triển hệ thống phân phối, đảm bảo cung cầu hàng hóa thiết yếu, từng bước phát triển hệ thống phân phối hiện đại tại các thành phố, đô thị lớn, trong đó ưu tiên hàng Việt Nam. Vì vậy, định hướng đối với thị trường bán lẻ năm 2012 và nhiều năm tới là phát triển bền vững, hỗ trợ hợp lý cho sự phát triển của các doanh nghiệp bán lẻ trong nước trước sự cạnh tranh quyết liệt của các nhà bán lẻ nước ngoài trên thị trường nội địa.
Vẫn còn nhiều thách thức
Ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cho rằng, thị trường bán lẻ Việt Nam tuy nhiều tiềm năng nhưng vẫn chưa có đột biến lớn về quy mô, dung lượng thị trường, cũng như tốc độ tăng trưởng. Để giá cả thị trường, quan hệ cung cầu được ổn định và giữ vững, tùy thuộc vào lộ trình thực hiện cơ chế thị trường đối với các mặt hàng Nhà nước quyết định giá, quản lý giá như điện, than, xăng dầu để không gây ra đột biến, không tạo ra những cơn sốt giả làm méo mó thị trường vốn chưa được hoàn thiện về thể chế kinh tế.
Hàng hóa trong siêu thị luôn phong phú, hấp dẫn người tiêu dùng. Ảnh: Lê Phú |
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực bán lẻ giữa các doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước, giữa hệ thống doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam vẫn chưa vào giai đoạn quyết liệt. Tuy nhiên, thị trường bán lẻ vẫn phải đối mặt với nhiều bất ổn. Bởi ngoài tác động của kinh tế vĩ mô, sức mua của người tiêu dùng thấp… còn do những yếu kém nội tại của doanh nghiệp bán lẻ. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ, dù đã gia nhập thị trường 15 - 20 năm qua, doanh nghiệp bán lẻ của Việt Nam vẫn thiếu tính chuyên nghiệp, năng lực tài chính yếu, thiếu chiến lược dài hạn và dịch vụ kho vận; chưa chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu, văn hóa kinh doanh, tạo mối liên kết giữa sản xuất và siêu thị, siêu thị và siêu thị... Nguồn nhân lực – một trong những yếu tố quyết định đến sự phát triển bền vững của thị trường bán lẻ cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Thống kê cho thấy, có đến 50% số nhân viên tham gia vào lĩnh vực kinh doanh chưa qua đào tạo chuyên ngành và hiện chưa có một đội ngũ lãnh đạo điều hành siêu thị được đào tạo bài bản về công nghiệp bán lẻ hiện đại.
Bên cạnh những khó khăn nội tại, doanh nghiệp trong nước cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt từ các nhà bán lẻ hàng đầu quốc tế đang tìm cách mở rộng thị trường sang Việt Nam. Theo cam kết gia nhập WTO từ ngày 1/1/2009, Việt Nam mở cửa cho các doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ ở Việt Nam với 100% vốn. Sức cạnh tranh ngày càng nóng hơn do đến nay hầu hết các tập đoàn bán lẻ lớn hàng đầu thế giới đã thâm nhập vào thị trường Việt Nam như Metro, BigC, Lotemart, Parkson, E mart... Với tiềm lực tài chính mạnh, trình độ quản lý chuyên nghiệp và hệ thống phân phối toàn cầu, các doanh nghiệp ngày càng mở rộng quy mô kinh doanh bằng việc phát triển các chuỗi siêu thị tại các tỉnh, thành phố lớn ở Việt Nam. Theo Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, riêng BigC và Metro mỗi đơn vị đã có 17 điểm siêu thị trên cả nước. Tập đoàn E-mart (Hàn Quốc) đang có kế hoạch mở 52 siêu thị và cửa hàng tại Việt Nam đến năm 2020. Metro còn tham vọng mở từ 30 - 35 trung tâm bán buôn từ 3-5 năm tới. Với quy mô một trung tâm có từ 60.000 - 80.000 hội viên khách hàng thì đến nay Metro đã có hàng triệu khách hàng thường xuyên trên toàn quốc…
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nước ngoài cho rằng chính sách mở cửa thị trường của Việt Nam chưa rõ ràng. Đến nay, Việt Nam vẫn chưa đưa ra tiêu chí về mở điểm bán lẻ thứ 2 của doanh nghiệp nước ngoài theo như cam kết (Economic Needs Test – ENT). Với rào cản này, các tập đoàn bán lẻ lớn của nước ngoài khó lòng xâm nhập ồ ạt vào nước ta trong những năm tới. Đây cũng chính là cơ hội và khoảng trống về thời gian để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng thời cơ xây dựng khả năng cạnh tranh và chiếm lĩnh thị phần.
Hải Yên