Quy định về BHXH đã có, quan trọng là tổ chức triển khai

Trước những khó khăn về mở rộng đối tượng tham gia BHXH, phóng viên báo Tin Tức có cuộc trao đổi với ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH xung quanh vấn đề này.

Hiện nay số người tham gia BHXH còn thấp, vậy để mở rộng đối tượng tham gia, Bộ có giải pháp như thế nào, thưa ông?


Quy định cũ trước đây có giới hạn về trần tuổi đóng BHXH như 55 tuổi với nữ hoặc 60 tuổi với nam và điều kiện đóng BHXH 20 năm; nên đã hạn chế số lượng người tham gia BHXH. Cùng với đó là mức đóng cao và phương thức đóng chưa linh hoạt.

Từ những bất cập này, Luật BHXH sửa đổi đã bỏ khống chế trần tuổi, mở rộng phương thức đóng và mức đóng của người tham gia BHXH tự nguyện, thay từ mức lương cơ sở sang mức đóng thấp nhất bằng mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn. Chính vì vậy, sẽ có nhiều cơ hội để mở rộng đối tượng tham gia BHXH.

Nhà nước cũng đã thẩm định chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng tham gia. Nghị định số 134/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện dựa trên mức đóng chuẩn nghèo nông thôn. Theo đó, người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo được hỗ trợ 30% số tiền phải đóng, người thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ 25% và các đối tượng khác được hỗ trợ 10%. Tuy nhiên, mức hỗ trợ này đến năm 2018 mới có hiệu lực.

Như vậy, những điều kiện tham gia BHXH cởi mở hơn trước, nhằm tạo điều kiện để người lao động có cơ hội tiếp cận BHXH dễ nhất. Vấn đề đặt ra hiện nay là công tác tổ chức, thực hiện ra sao, để sớm đưa quy định mới vào cuộc sống.

Theo ông, cần có những giải pháp thực hiện như thế nào cho hiệu quả?

BHXH Việt Nam bước đầu đang phối hợp với bưu chính, đại lý thu kết hợp chi trả chế độ BHXH tới xã phường, nhằm tiếp cận gần hơn với người dân tham gia BHXH tự nguyện; đồng thời đẩy mạnh qua tuyên truyền báo đài và phương tiện thông tin để người lao động biết.

Để thu hút người tham gia BHXH, BHXH Việt Nam cần sớm áp dụng công nghệ thông tin, áp dụng loại hình sổ BHXH điện tử dễ dàng trong quản lý và người lao động có thể cập nhật thông tin về tình trạng đóng BHXH, cũng như giải quyết chế độ mau chóng cho người lao động.

Theo kế hoạch, năm 2020, sổ BHXH sẽ được thay thế bằng thẻ BHXH; hoàn thành việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu điện tử về quản lý BHXH trong phạm vi cả nước. Đáng lẽ ra vấn đề này có thể triển khai sớm hơn.

Hiện tượng trốn đóng, nợ BHXH sẽ được giải quyết ra sao thưa ông?

Theo Luật BHXH sửa đổi, thì BHXH có chức năng thanh tra việc đóng BHXH. Việc khởi kiện doanh nghiệp do Công đoàn thực hiện, nhằm bảo vệ quyền lợi lao động. Do đó, các bên cần thực hiện hiệu quả những chức năng vừa được bổ sung này để giảm tình trạng trốn, nợ BHXH.

Bên cạnh đó, Luật BHXH cũng quy định trao sổ BHXH cho người lao động để họ tự quản lý, theo dõi quá trình đóng hưởng và giám sát lại doanh nghiệp đóng BHXH. Nếu doanh nghiệp trốn và không đóng, người lao động sẽ có ý kiến kịp thời tới cơ quan chức năng, quản lý.

Luật cũng quy định doanh nghiệp phải cung cấp thông tin theo định kỳ 6 tháng về quá trình đóng BHXH của mình. Quá trình thông tin tùy theo điều kiện doanh nghiệp nhưng đảm bảo thông tin cơ bản như tỷ lệ, thời gian, chế độ đóng BHXH mà người lao động được hưởng. Mỗi doanh nghiệp lựa chọn hình thức công khai phù hợp nhất để người lao động giám sát.

Xin cảm ơn ông!


Xuân Cường
Nguy cơ thủng lưới an sinh xã hội - Khó mở rộng đối tượng
Nguy cơ thủng lưới an sinh xã hội - Khó mở rộng đối tượng

Một trong những mục tiêu mà Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, hướng tới là mở rộng đối tượng tham gia BHXH. Cụ thể là đạt 50% người lao động tham gia BHXH vào năm 2020, nhằm bảo đảm cân đối quỹ BHXH.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN