Nguy cơ thủng lưới an sinh xã hội - Khó mở rộng đối tượng

Một trong những mục tiêu mà Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, hướng tới là mở rộng đối tượng tham gia BHXH. Cụ thể là đạt 50% người lao động tham gia BHXH vào năm 2020, nhằm bảo đảm cân đối quỹ BHXH.

Tuy nhiên, đến  nay mới chỉ có 12,5 triệu người tham gia, tương đương khoảng 23,4%, chủ yếu tập trung vào đối tượng đóng bảo hiểm để hưởng lương hưu, và con số này đã “dậm chân tại chỗ” trong vòng 2 năm nay; dẫn tới nguy cơ có thể thủng lưới an sinh xã hội. 

Luật BHXH sửa đổi đã có những chính sách cởi mở hơn để thu hút người lao động tham gia. Tuy nhiên, do người lao động chưa thấy được những lợi ích rõ ràng của việc đóng BHXH, nên vẫn chưa mặn mà.

Người dân vẫn thờ ơ

Theo BHXH Việt Nam, cả nước mới có 12,3 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, gần 191.000 người tham gia BHXH tự nguyện. Các giải pháp mở rộng đối tượng tham gia BHXH chưa thực sự hiệu quả, nhất là đối với số lao động ở khu vực phi chính thức, tỷ lệ tăng trưởng mới chỉ có 0,03%. Bên cạnh đó, việc tuân thủ pháp luật về BHXH, BHYT của nhiều đơn vị sử dụng lao động chưa nghiêm, tình trạng trốn đóng BHXH vẫn là vấn đề “nóng” trong nhiều năm qua.

Anh Nguyễn Thanh Bình giới thiệu các chính sách BHXH tới các hộ dân tại thị trấn Xuân Mai (Hà Nội).

Bà Nguyễn Thị Dung, nguyên là Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ, Hà Nội) vừa về nghỉ hết nhiệm kỳ, nên tham gia tiếp BHXH tự nguyện từ tháng 7/2016, với mức đóng 2,05 triệu đồng trong hơn 1 năm, để đủ số năm lĩnh lương hưu. Tương tự, chị Nguyễn Thị Phương (thị trấn Xuân Mai) cũng tham gia BHXH tự nguyện để đóng nốt bảo hiểm cho khoảng thời gian công tác còn thiếu, nhằm hưởng lương hưu. “Tôi đã tham gia BHXH được 10 năm, nay tham gia nốt để sau này có lương hưu khi về già”, chị Nguyễn Thị Phương cho biết.

Theo anh Nguyễn Thanh Bình, đại lý BHXH thị trấn Xuân Mai, trên địa bàn có 54 người tham gia BHXH tự nguyện, trong đó chỉ có 5 người là hộ kinh doanh buôn bán, còn lại là các đối tượng đã đóng BHXH tại doanh nghiệp, hoặc đơn vị sự nghiệp, đoàn thể, nay đóng tiếp để đủ thời gian lĩnh lương hưu. “Số người tham gia BHXH tự nguyện rất thấp, vận động khó khăn hơn rất nhiều BHYT. Người dân có tiền thì thường mua bảo hiểm nhân thọ mang tính chất thương mại, do có nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn, lợi ích cũng rõ ràng”, anh Bình cho biết.

Theo anh Nguyễn Thanh Bình: Ở tuyến cở sở, nhiều người dân không phân biệt rõ giữa chính sách BHXH mang tính an sinh và Bảo hiểm nhân thọ. Nếu so sánh lợi ích trước mắt thì rất ít người tham gia BHXH. Trong số 54 người tham gia BHXH tự nguyện thì 90% là đóng nốt năm còn thiếu, số 10% tham gia BHXH phải là những người có thu nhập khá và am hiểu về chính sách an sinh.

Không chỉ với những cá nhân tham gia bảo hiểm tự nguyện, mà những người tham gia BHXH bắt buộc tại các doanh nghiệp cũng không mặn mà với BHXH, do không nắm rõ quy định, cũng như không biết về những quyền lợi mình sẽ được hưởng nếu tham gia BHXH. Trong cuộc khảo sát mới đây của Hội đồng tiền lương quốc gia tại các KCN Hà Nội, Bắc Ninh, khi được hỏi về chế độ BHXH, các công nhân trả lời đều không biết. Chị Triệu Thị Anh (quê Thái Nguyên) đã làm công nhân tại KCN Bắc Thăng Long được 7 năm cho biết, chị không nắm rõ việc đóng BHXH của mình: “Dù đã làm lâu năm, nhưng đến nay tôi chỉ biết là công ty phải đóng BHXH cho chúng tôi trên nền lương tối thiểu vùng, còn việc công ty có đóng hay không thì chúng tôi không rõ. Công nhân ít quan tâm đến BHXH vì thực tế thu nhập hiện nay thấp, nếu phải đóng thêm BHXH thì không còn nhiều tiền tích lũy”.

Theo ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: “Qua giám sát chuyên đề về BHXH, nhiều tỉnh nghèo miền núi thậm chỉ có 6% người lao động tham gia BHXH. Do đó, để mở rộng đối tượng tham gia BHXH, Chính phủ cần chỉ đạo các địa phương đưa chỉ tiêu người dân tham gia BHXH vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội song song với chỉ tiêu về BHYT”.

Nguy cơ “thủng lưới”

Với những thực trạng trên, nên việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH lâu nay rất khó khăn. Theo Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐTBXH), số lao động thuộc khu vực chính thức (có quan hệ lao động, tiền lương) mới chiếm 41%, còn 59% lao động vẫn nằm trong khu vực phi chính thức. Trong khi đó, mỗi năm chỉ có khoảng 2% lao động gia nhập thị trường lao động chính thức. Với tốc độ phát triển như vậy, đến năm 2020, số lao động trong khu vực chính thức (khối có tiền lương) vẫn chưa đạt đủ tỷ lệ 50%. Trong khi đó, số lao động hưởng chế độ BHXH một lần, tức rút khỏi hệ thống BHXH cũng rất lớn. “Ghi nhận 6 tháng đầu năm có gần 40.000 người hưởng chế độ một lần. Điều này cho thấy số người tham gia mới không bù đắp số người rút ra. Bên cạnh đó, theo báo cáo một số tỉnh thành phố có tỷ lệ bao phủ BHXH đạt dưới 10%, vì vậy đến mục tiêu đạt 50% số lao động tham gia BHXH vào năm 2020 là thách thức rất lớn”, đại diện Vụ Bảo hiểm xã hội cho biết.

Cũng theo đại diện này, thực trạng trên nếu không được giải quyết sớm, sẽ dẫn tới nguy cơ “vỡ” quỹ BHXH (do thu không đủ chi), cũng có nghĩa là thủng lưới an sinh xã hội.

Bà Nguyễn Thu Giang, Viện phó Viện Light cho biết: “Trên cơ sở dự báo về dân số, mức đóng, mức hưởng lương hưu hiện tại đang áp dụng thì hiện tại nguồn thu cho hưu trí, tử tuất sẽ ở mức thu bằng chi. Theo tính toán, nếu không mở rộng đối tượng tham gia BHXH thì khoảng tới năm 2037 Quỹ BHXH sẽ cạn. Do đó, chính sách BHXH hướng tới tăng diện đối tượng tham gia BHXH, trong đó hướng tới đối tượng lao động phi chính thức, lao động tự do. Đồng thời chính sách BHXH cũng điều chỉnh theo hướng đóng ít hưởng ít, đóng nhiều hưởng nhiều”.

Xuân Cường
Hiệu quả tuyên truyền về bảo hiểm xã hội
Hiệu quả tuyên truyền về bảo hiểm xã hội

Đến nay, tại tỉnh Sơn La đã có gần 1,1 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (đạt 90,6% dân số). Kết quả này có sự đóng góp tích cực từ công tác tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với nhân dân các dân tộc toàn tỉnh, đặc biệt là các xã vùng biên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN