Theo đại biểu Nguyễn Sĩ Cương, khái niệm "người tài năng trong hoạt động công vụ" ở Điều 6 được cho là những cán bộ, công chức có năng lực chuyên môn vượt trội, có đóng góp lớn và hiệu quả cho cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc lĩnh vực mà ít người đạt được.
“Tôi cho rằng, việc hiểu thế nào cho đúng là người có chuyên môn vượt trội cũng khó, bởi trong thực tế chúng ta rất khó để có thể định lượng được. Bên cạnh đó, những người không có khả năng vượt trội nhưng lại có rất nhiều những đóng góp cho cơ quan, tổ chức thì nếu như theo quy định này thì lại chưa chắc đã được ghi nhận là người tài, đó là chưa nói đến việc công nhận người tài như thế nào”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội nêu ý kiến.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Sĩ Cương, nếu như các quy định là có năng lực vượt trội thì rất có thể lại “có cửa” để đưa những công chức thuộc diện “5C” vào những đối tượng này để hưởng chính sách trọng dụng và chế độ đãi ngộ. “Với tư cách là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, tôi nghĩ rằng điều cần nhất đối với cấp dưới và người lao động của mình đó là ý thức trách nhiệm trong công việc. Tôi cho rằng, có tài năng xuất chúng đến mấy nhưng không có ý thức trách nhiệm thì cũng chẳng để làm gì cả”, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương phân tích.
Quy định liên quan đến tuyển dụng, theo đại biểu Nguyễn Sĩ Cương, trong quy định này cũng gần như không có gì mới, quan trọng là không giải quyết được những vướng mắc hiện nay.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận cho rằng, trước hết phải thay đổi việc sử dụng cán bộ, công chức, người sử dụng cán bộ, công chức mới là người có quyền tuyển dụng. Lâu nay có rất nhiều cơ quan và địa phương do cơ quan, tổ chức cấp trên tuyển dụng, người sử dụng chỉ biết tiếp nhận về và sử dụng. Trong quá trình sử dụng cán bộ, công chức đó thấy không thực sự phát huy được hiệu quả hay là không phù hợp nhưng cũng không có quyền làm gì cả, không thể cho người ta nghỉ việc, thậm chí đối với cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật cũng không có quyền kỷ luật.
“Tôi nghĩ, không nên quy định theo những cách như thế mà phải thay đổi, người sử dụng cán bộ, công chức mới là người có quyền tuyển dụng đối với cán bộ, công chức đó”, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương nói.
Về vấn đề nâng ngạch, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương cho rằng mục tiêu đề ra là để có một đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn đáp ứng được yêu cầu phát triển thông qua thi nâng ngạch thì "không đạt được”. Việc thi nâng ngạch phải căn cứ vào vị trí việc làm và phù hợp với cơ cấu của cơ quan, tổ chức. Tuy quy định như vậy nhưng trên thực tế nhiều cơ quan cơ cấu ngạch không có, chưa nói đến vị trí việc làm. Đại biểu cũng cho rằng đối với bất cứ một cơ quan, tổ chức nào cũng có một cơ cấu, không nên cứ đủ tiêu chuẩn là đưa hết tất cả, lên công chức cao cấp hết.
Về tiêu chuẩn dự thi nâng ngạch, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương cho rằng có rất nhiều tiêu chuẩn, chủ yếu thể hiện trên văn bằng, chứng chỉ; dựa trên những gì diễn ra trên thực tế thì "rõ ràng có chuyện tiêu cực".