Ông Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh cho rằng, do thời điểm giao mùa và nguy cơ xâm nhập dịch từ biên giới vào Quảng Ninh cao nên biện pháp hữu hiệu nhất trong việc phòng chống dịch cúm gia cầm A/H7N9 là phòng ngừa từ xa.
Ông Giang đề nghị cần tăng cường tuyên truyền về nguy cơ, nguy hại và tính cấp thiết trong phòng chống dịch; Các địa phương có thống kê các cơ sở nhỏ lẻ chăn nuôi gia cầm từ đó triển khai tiêm phòng chống dịch cúm ở gia súc và gia cầm. Đồng thời hạn chế, thậm chí là cấm chuyển vùng đối với đàn gia súc, gia cầm trong thời gian giao mùa này.
Kiểm dịch viên ý tế tại cửa khẩu Móng Cái đang vận hành máy kiểm soát thân nhiệt. Ảnh: Trung Nguyên/TTXVN |
Bà Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, nguy cơ dịch cúm A/H7N9 từ nước ngoài vào Quảng Ninh là rất lớn nên yêu cầu các lực lượng chức năng, các địa phương đặc biệt 3 địa phương có đường biên giới với Trung Quốc như Móng Cái, Hải Hà và Bình Liêu cần nghiêm tục thực hiện các kế hoạch phòng chống dịch cúm A/H7N9 của tỉnh giao.
Chủ tịch UBND các địa phương và thủ trưởng các sở, ban ngành chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch theo yêu cầu của tỉnh, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương nhưng phải hiệu quả, không lãng phí; Việc phòng chống dịch phải đảm bảo thực hiện trên nguyên tắc “4 tại chỗ”; Tăng cường kiểm soát hoạt động của các điểm giết mổ, cơ sở chăn nuôi gia cầm, buôn bán vận chuyển gia súc, gia cầm. Các địa phương phải tổ chức giám sát phát hiện sớm, báo cáo không bỏ sót ca bệnh, nghiêm cấm việc giấu ca bệnh, ổ dịch nhưng tuyệt đối không được gây hoang mang trong cộng đồng người dân…
Ngành y tế Quảng Ninh cũng đã chuẩn bị đầy đủ thuốc men, vật tư hóa chất phục vụ cho phòng chống dịch cúm gia cầm, cụ thể: Tuyến tỉnh đã chuẩn bị 4,9 tấn Cloramin B, hơn 2.300 khẩu trang, 540 bộ trang phục phòng hộ, hàng trăm chai nước súc miệng, 4 máy phun hóa chất các loại…
Hiện lực lượng quản lý thị trường đang tập trung cao độ việc kiểm tra, kiểm soát gia cầm và sản phẩm gia cầm. Ngày 23/2, lực lượng quản lý thị trường đã kịp thời phát hiện bắt giữ và tiêu hủy 300 con vịt nhập lậu tại huyện Bình Liêu.
Lực lượng Hải quan siết chặt quản lý cửa khẩu để cho gia cầm không có cơ hội nhập lậu vào Việt Nam từ biên giới. Ông Phạm Trung Vịnh, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Ninh cho biết, hơn một tuần nay không phát hiện gia cầm nhập lậu.
Ông Lê Ngọc Lưu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Móng Cái cho biết đã dốc toàn lực lượng triển khai chống dịch ở vùng biên, hiện địa bàn Móng Cái vẫn chưa phát hiện ổ dịch, người bị nhiễm bệnh cúm gia cầm.
Từ ngày 23/2, Quảng Ninh đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành đã đi kiểm tra 3 địa phương có cửa khẩu là Móng Cái, Bình Liêu, Hải Hà.
Đoàn giám sát tập trung vào việc lấy mẫu ngẫu nhiên một số mẫu gia cầm tại các chợ biên giới, lấy mẫu một số ca bệnh viên đường hô hấp cấp tính nặng nhập viện để làm xét nghiệm cúm A/H7N9; Giám sát phòng chống dịch cúm tại các địa phương biên giới và địa bàn dân cư có nguy cơ phát sinh dịch bệnh.
Trước đó, ở ba địa phương Ba Chẽ, Hải Hà và Đầm Hà có ổ dịch cúm gia cầm H5N6 nhưng địa phương đã phát hiện sớm và dập dịch kịp thời.