Quảng Ngãi vẫn khó thu hút bác sĩ tuyến huyện

Những năm gần đây, ngành y tế Quảng Ngãi đã có nhiều chính sách nhằm thu hút bác sĩ về địa phương công tác. Tuy nhiên, đa phần các bác sĩ có trình độ cao mong muốn công tác tại các bệnh viện tuyến tỉnh để có môi trường rèn luyện và phát triển nghề nghiệp.

Do đó, các đơn vị y tế tuyến huyện luôn trong tình trạng thiếu bác sĩ, nhất là bác sĩ chuyên khoa sâu. Vì vậy, y tế tuyến huyện gặp khó khăn trong đào tạo bác sĩ tại chỗ để nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc y tế.

Chú thích ảnh
Bác sĩ Bệnh viện Sản- Nhi Quảng Ngãi đang theo dõi diễn biến sức khỏe của bệnh nhi. Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN

Trung tâm Y tế huyện Trà Bồng hiện có 11 bác sĩ. Nếu tính theo tỷ lệ bác sĩ trên vạn dân thì Trung tâm chỉ đáp ứng được 1/3 số bác sĩ. Từ năm 2014 đến nay, Trung tâm chỉ có duy nhất 1 bác sĩ về công tác. Nhân lực thiếu nên việc cử bác sĩ đi đào tạo theo hình thức đào tạo tại chỗ cũng rất khó. Cũng do thiếu bác sĩ nên dù được đầu tư trang thiết bị hiện đại nhưng các kỹ thuật, phẫu thuật phân tuyến ở Trung tâm này đều không thể triển khai.

Ông Đinh Hồng Nhía - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Trà Bồng cho biết: Trung tâm đã kiến nghị cơ quan chức năng cấp trên thu hút thêm bác sĩ trình độ cao. Trước mắt, Trung tâm phân bổ thời gian đi học của các bác sĩ để điều phối đủ nhân lực có mặt ở Trung tâm phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân.

Mô hình liên chuyên khoa Tai mũi họng, Răng hàm mặt và Mắt đang được thực hiện tại Bệnh viện Đa khoa Đặng Thùy Trâm, huyện Đức Phổ. Tuy nhiên, tại đây hiện chỉ có 2 bác sĩ, trong đó 1 người lại làm công tác quản lý. Những ngày bác sĩ nghỉ trực theo ca hoặc đi công tác thì khoa không có bác sĩ khám.

Bác sĩ Trần Ngọc Chi, Trưởng khoa Tai mũi họng, Răng hàm mặt và Mắt, Bệnh viện Đa khoa Đặng Thùy Trâm cho biết: Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn khi vừa phải làm công tác quản lý, vừa thực hiện chuyên môn. Khi bác sĩ trong Khoa có nhu cầu đi học chuyên sâu để nâng cao tay nghề hoặc nghỉ phép đều vô cùng khó khăn. Cũng vì thiếu bác sĩ nên nhiều trường hợp bệnh nhân phải chuyển tuyến.

Hiện Bệnh viện Đa khoa Đặng Thùy Trâm đang phấn đấu trở thành bệnh viện hạng II. Tuy nhiên, với số lượng 45 bác sĩ như hiện tại, Bệnh viện không đủ nhân lực để triển khai các dịch vụ kỹ thuật theo danh mục quy định của Bộ Y tế. Bác sĩ Võ Thanh Tân - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đặng Thùy Trâm cho biết: Theo kế hoạch, năm 2019, Bệnh viện sẽ triển khai các kỹ thuật mổ nội soi sản khoa, mổ giác mạc, kết hợp xương đùi… nhưng với tình trạng thiếu bác sĩ như hiện nay thì khó có thể triển khai thành công như mong đợi. Để đạt được mục tiêu nâng hạng, Bệnh viện Đa khoa Đặng Thùy Trâm phải cử bác sĩ đi đào tạo nâng cao tay nghề cho từng chuyên khoa cụ thể. Nhưng nếu không được bổ sung, số lượng bác sĩ ở Bệnh viện không đủ để đảm bảo phục vụ khám, chữa bệnh tại chỗ. Hiện mỗi ngày, Bệnh viện khám, chữa bệnh cho hơn 250 bệnh nhân.

Các Trung tâm Y tế tuyến huyện đang trong lộ trình từng bước tự chủ về tài chính. Vì vậy, muốn thu hút người bệnh, các đơn vị cần có lực lượng cán bộ, bác sĩ không chỉ giàu y đức, mà phải có năng lực chuyên môn cao, chủ động phát triển các kỹ thuật chuyên sâu. Song nguồn nhân lực chất lượng cao luôn là bài toán khó có lời giải cho các đơn vị này.

Đinh Thị Hương (TTXVN)
Phòng khám có bác sĩ Trung Quốc: Cứ  kiểm tra là 'dính' vi phạm
Phòng khám có bác sĩ Trung Quốc: Cứ kiểm tra là 'dính' vi phạm

Những sai phạm của phòng khám có bác sĩ Trung Quốc thường là quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh không đúng phạm vi chuyên môn, thu giá dịch vụ cao hơn niêm yết...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN