Quan tâm kết nạp đảng viên là người dân tộc

Công tác phát triển đảng viên và tổ chức cơ sở Đảng của vùng Tây Bắc trong những năm qua đã đạt được những kết quả quan trọng, số lượng và chất lượng đảng viên, các tổ chức cơ sở Đảng ngày càng nâng lên. Tuy nhiên, công tác này còn nhiều khó khăn, bộc lộ những hạn chế, yếu kém, đòi hỏi phải có những giải pháp khắc phục nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên vùng Tây Bắc.

Ông Trương Xuân Cừ, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Chỉ đạo Tây Bắc: Phát triển đảng vùng Tây Bắc là nhiệm vụ quan trọng


Tây Bắc là vùng có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của cả nước. Vì vậy nhiệm vụ xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tăng cường công tác xây dựng Đảng, củng cố các tổ chức đảng ở cơ sở, xóa tình trạng thôn, bản “trắng” đảng viên và tổ chức đảng là nhiệm vụ hết sức quan trọng và thiết yếu.

Thời gian tới, Ban Chỉ đạo Tây Bắc sẽ tập trung công tác chỉ đạo các địa phương đề cao nội dung xây dựng hệ thống cơ sở Đảng và kết nạp đảng viên mới, nhất là đảng viên là người dân tộc thiểu số trên địa bàn. Số lượng đảng viên tăng lên, là điều kiện cơ bản để xóa thôn bản trắng đảng viên, giảm dần tỷ lệ các bản không có chi bộ và phải sinh hoạt ghép. Ở khu vực biên giới và vùng đặc biệt khó khăn cần phân công các đảng viên là cán bộ biên phòng, thầy cô giáo về thôn, bản để sinh hoạt, nhằm mục đích theo dõi, bồi dưỡng, giới thiệu với cấp ủy Đảng rèn luyện và kết nạp các đảng viên người dân tộc. Mỗi đảng viên người dân tộc là hạt nhân quan trọng trong cộng đồng thôn bản, sẽ làm cầu nối để Đảng gần dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân, xây dựng lòng tin trong nhân dân.

Đặc biệt, các cấp ủy Đảng từ tỉnh cho đến cơ sở cần tăng cường công tác tuyên truyền, bồi dưỡng lý luận chính trị cho các đảng viên, từ đó nâng cao ý thức cho đảng viên tiên phong và gương mẫu trong các hoạt động phong trào, tạo động lực quan trọng góp phần thúc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh và trật tự.


Ông Triệu Tài Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang: 100% thôn, bản có chi bộ


Hà Giang là tỉnh miền núi biên giới đặc biệt khó khăn, tuy nhiên 100% thôn, bản có chi bộ và có cấp ủy cấp trên phụ trách tham gia sinh hoạt định kỳ. Vai trò lãnh đạo toàn diện của các cấp ủy Đảng đối với hệ thống chính trị được khẳng định, phương thức, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên được nâng lên; phong cách, tác phong, lề lối làm việc của đảng viên trong thi hành công vụ có chuyển biến tích cực; cán bộ, đảng viên được tạo điều kiện tốt hơn để học tập nâng cao trình độ, năng lực, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn…

Thực tế trên cho thấy, do làm tốt công tác xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở nên luôn giữ được sự ổn định, trật tự xã hội được giữ vững… Từ những kết quả đạt được và tồn tại, hạn chế, tỉnh Hà Giang rút ra một số kinh nghiệm như sau: Khẳng định và tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của các cấp ủy Đảng, người đứng đầu cấp uỷ các cấp đối với công tác xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở. Xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở trước hết phải động viên, khuyến khích và phát huy được vai trò, tính tích cực của đội ngũ cán bộ đảng viên người địa phương. Chú trọng công tác kết nạp đảng viên mới là người dân tộc thiểu số ở địa bàn vùng sâu vùng xa, biên giới. Thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các cấp uỷ, tổ chức Đảng, cán bộ đảng viên thực hiện tốt và định kỳ tiến hành kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về “Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nhằm phát huy tốt vai trò tiên phong, tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành trong mọi hoạt động, sinh hoạt… bảo đảm cán bộ phải gần dân, hiểu dân và lắng nghe tâm tư nguyện vọng chính đáng của người dân.


Thượng tá Nguyễn Tiến Ngọc, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ka Lăng: Thiếu nguồn để phát triển đảng viên mới


Đồn Biên phòng Ka Lăng quản lý, bảo vệ 28,642 km đường biên, địa giới hành chính hai xã Ka Lăng và Tá Bạ, đây là những xã đặc biệt khó khăn nhất thuộc huyện Mường Tè (Lai Châu). Dân số là người dân tộc Hà Nhì, dân tộc La Hủ, trình độ dân trí thấp nên một số bản giáp biên thiếu nguồn để phát triển đảng viên mới, chất lượng hoạt động của cán bộ đảng viên hiệu quả thấp chưa đáp ứng được yêu cầu; việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết lãnh đạo của Đảng các cấp đến với các chi bộ trực thuộc và cán bộ đảng viên còn gặp nhiều khó khăn.

Thực hiện chủ trương của Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu về việc giới thiệu cán bộ đảng viên bộ đội biên phòng tăng cường cho các xã biên giới, củng cố cơ sở chính trị, phát triển kinh tế xã hội, cấp ủy và chỉ huy Đồn Biên phòng Ka Lăng đã phân công giới thiệu bảy cán bộ đảng viên xuống sinh hoạt tại các chi bộ bản, tham gia đóng góp ý kiến, duy trì chế độ sinh hoạt, nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức cơ sở Đảng. Đồn Biên phòng Ka Lăng giới thiệu một đồng chí tăng cường cho xã Tá Bạ giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã.

Đồn Biên phòng Ka Lăng chú trọng công tác tham mưu với các Đảng bộ xã để bồi dưỡng kết nạp Đảng viên người dân tộc thiểu số tại địa bàn. Kết quả trong năm 2014, Đảng bộ xã Ka Lăng kết nạp được 16 đảng viên mới, Đảng bộ xã Tá Bạ thành lập 5 chi bộ mới và kết nạp được 17 đảng viên. Đảng bộ xã Ka Lăng và Đảng bộ xã Tá Bạ từ yếu kém, trung bình trở thành Đảng bộ trong sạch vững mạnh, xóa được thôn bản trắng đảng viên, không có chi bộ sinh hoạt ghép. Tuy nhiên, do phong tục tập quán canh tác du canh du cư, việc tập trung duy trì các chế độ sinh hoạt không được đồng đều và thường xuyên. Do vậy, để xây dựng các mô hình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, đòi hỏi Đảng ủy các xã phải có quyết tâm nỗ lực rất lớn trong thực hiện các chỉ tiêu đã đề ra.


Bà Lò Thị Bình, Bí thư Đảng ủy xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La: Cần chính sách đặc thù


Tính đến thời điểm này, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La có 186 đảng viên, năm 2014 kết nạp được 17 đảng viên mới, không còn bản trắng đảng viên, có một chi bộ cụm Pa Phách gồm ba bản đang sinh hoạt ghép vì chưa đủ đảng viên để thành lập chi bộ.

Đảng bộ xã Đông Sang không ngừng chú trọng công tác phát triển đảng viên, xây dựng cơ sở Đảng, tuy nhiên điều kiện vùng sâu vùng xa, trình độ văn hóa của nhân dân là người dân tộc thiểu số còn hạn chế nên việc kết nạp đảng viên mới không nhiều. Nhiệm kỳ 2010 - 2015, chỉ tiêu phát triển đảng của Đảng bộ xã Đông Sang là 60 đảng viên, nhưng chỉ kết nạp được 45 đảng viên, không đạt được chỉ tiêu đã đặt ra.

Tôi cho rằng cần có chính sách đặc thù đối với vùng đồng bào dân tộc để phát triển nhiều đảng viên người dân tộc thiểu số hơn nữa, nhằm củng cố và xây dựng cơ sở Đảng ở địa bàn đặc biệt khó khăn. Theo quy định, đảng viên được kết nạp phải có trình độ lớp 9 trở lên, như vậy là rất khó đối với người dân tộc thiểu số. Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ xã Đông San đề ra chỉ tiêu phát triển 65 đảng viên trẻ, tôi tin rằng sẽ đạt được vì trình độ dân trí của nhân dân trên địa bàn ngày một nâng cao. Những năm gần đây, số lượng đảng viên được kết nạp của Đảng bộ đã được trẻ hóa, trung bình dưới 35 tuổi, đây là dấu hiệu đáng mừng.

Việt Hoàng (thực hiện)

Coi trọng chất lượng đảng viên và tổ chức cơ sở Đảng
Coi trọng chất lượng đảng viên và tổ chức cơ sở Đảng

Bên cạnh những kết quả đạt được đáng khích lệ, công tác phát triển tổ chức cơ sở đảng và đảng viên trên địa bàn Tây Bắc vẫn còn những hạn chế, yếu kém cần khắc phục nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thời gian tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN