Quản lý sơ chế đông dược ở Ninh Hiệp

Sản phẩm của làng nghề sơ chế dược liệu Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm (Hà Nội), làng nghề lớn nhất miền Bắc với lịch sử phát triển hàng ngàn năm nay đang đứng trước nguy cơ bị tẩy chay trước thông tin sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, bảo quản bằng hóa chất độc hại, hàm lượng lưu huỳnh dùng để sơ chế dược liệu vượt quá mức cho phép. PV đã đến làng nghề và trao đổi với một số chuyên gia đông dược để làm rõ vấn đề này.

 

An toàn dù sấy bằng lưu huỳnh


Thôn 8, nơi có nhiều hộ làm nghề sơ chế, kinh doanh đông dược nhất xã Ninh Hiệp, hoạt động sơ chế, kinh doanh dược liệu vẫn diễn ra bình thường. Mỗi gia đình ở đây có một bí quyết riêng trong việc sơ chế đông dược, được truyền từ đời này qua đời khác. Chính vì thế, việc sơ chế, kinh doanh các sản phẩm dược liệu ở Ninh Hiệp vẫn còn manh mún, mang tính tự phát.


 

Sơ chế các vị thuốc tại xã Ninh Hiệp. Ảnh: CTV

 

Ông Lâm Văn Thôn, Trưởng thôn 8 cho biết, các hộ dân ở đây tự đi mua dược liệu trong nước và cả của Trung Quốc về sơ chế tại nhà, rồi bán cho nhiều công ty dược ở các tỉnh và người dân các nơi. Sáng ra, đường vào thôn 8 tấp nập ô tô về lấy hàng đi tiêu thụ. Không có con số thống kê số lượng dược liệu của thôn 8 được tiêu thụ, nhưng trong thôn có nhiều hộ trung bình mỗi tháng xuất ra thị trường vài tấn dược liệu đã được sơ chế.

Theo ông Thôn, nhiều người đã gắn bó với nghề từ bé, nếu sử dụng hóa chất bảo quản tùy tiện thì những người làm nghề sơ chế đã bị ảnh hưởng.


Ngay tại địa phương, các lương y đều dùng nguồn nguyên liệu ở đây để bốc thuốc, trị bệnh cứu người. Ông Lâm Văn Định, lương y có 40 năm hành nghề bốc thuốc tại thôn 8 cho biết, trong sơ chế thuốc đông dược không tránh khỏi phải sử dụng lưu huỳnh, song chỉ những người trực tiếp làm công việc sơ chế mới có nguy cơ bị ảnh hưởng, còn khi thuốc đã đến tay người bệnh thì chất này dường như không gây hại cho sức khỏe người sử dụng. Chính vì thế nghề sơ chế thuốc ở Ninh Hiệp mới tồn tại được nhiều năm nay và có thị trường tiêu thụ sản phẩm rộng lớn trên khắp cả nước. Theo ông Định, khi đốt lưu huỳnh lên sấy thuốc (có tác dụng chống mốc), người sản xuất hít phải khí lưu huỳnh sẽ bị ảnh hưởng. Do lưu huỳnh không bám trong thuốc lâu, trước khi sao tẩm lại được rửa nên khi người bệnh uống thì chất lưu huỳnh không còn nữa.



Quản lý chặt việc sơ chế dược liệu


Năm 2009, thành phố Hà Nội đã công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống cho xã Ninh Hiệp. Tuy nhiên, việc tuân thủ các quy định trong sơ chế dược liệu theo quy định của Bộ Y tế như: Mức tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản cho phép trong dược liệu... còn cao; việc mở rộng quy mô các cơ sở sản xuất, kinh doanh của làng nghề còn gặp nhiều khó khăn.


Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Hiệp cho biết, sản phẩm đông dược của làng nghề Ninh Hiệp được tiêu thụ khắp cả nước. Riêng tại Hà Nội, cả dãy phố Lãn Ông tiêu thụ sản phẩm của làng. Tuy nhiên, hiện nay các hộ làm nghề sơ chế, kinh doanh dược liệu của xã vẫn gặp khó khăn về vốn, thiếu lao động có tay nghề, thiếu mặt bằng để mở rộng nhà xưởng, sản xuất... Để phát triển làng nghề, các cấp thẩm quyền cần tạo điều kiện cho các hộ làm nghề được đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ để các hộ thực hiện đúng quy định.


Lương y đa khoa Hà Văn Tiêu, Phó Chủ tịch Hội Đông y thành phố Hà Nội cho biết, tất cả những thầy thuốc được đào tạo chính quy và được Sở Y tế Hà Nội cấp phép khi mua thuốc về nhà đều phải chọn lọc, loại tạp chất ra. Bất cứ loại thuốc nào cũng phải được rửa kỹ, sao tẩm; khi đó lượng lưu huỳnh còn tồn dư không đáng kể, thậm chí trở về không. Nếu còn tồn dư một chút ít thì khi cho vào sắc thuốc ở 57OC, lưu huỳnh đã bốc hơi hết nên an toàn cho người bệnh.

PGS. TS Nguyễn Văn Yên, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, đa số các hộ sơ chế, kinh doanh dược liệu làng nghề Ninh Hiệp đều làm tự phát, không có đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Theo ông Yên, các hộ muốn có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, các hộ phải có người phụ trách công việc, người đó phải có chứng nhận hành nghề. Nhưng muốn có chứng nhận hành nghề phải có bằng cấp chuyên môn. Muốn có bằng cấp chuyên môn phải được đào tạo. Muốn được đào tạo phải có văn hóa nền... Tuy nhiên, phần lớn người dân làng nghề không đáp ứng được điều này, do đó công tác quản lý rơi vào vòng luẩn quẩn.


Vấn đề quản lý hoạt động làng nghề Ninh Hiệp hy vọng sẽ có lối ra trong thời gian tới. Theo đó, Thông tư của Bộ Y tế liên quan đến hoạt động sơ chế dược liệu sẽ được ban hành trong thời gian tới đây. Trong đó sẽ có cơ chế quản lý đặc thù cho làng nghề. Lúc đó, hoạt động sơ chế, kinh doanh dược liệu ở xã Ninh Hiệp sẽ được quản lý chặt chẽ hơn.


Theo ông Yên, hiện nay cần chuẩn hóa hệ thống quản lý, để đảm bảo người kinh doanh cũng như cơ quan quản lý nhà nước quản lý được các nguồn dược liệu ở làng nghề, thì phải tiến hành cấp giấy đủ điều kiện kinh doanh cho các hộ làm nghề của xã Ninh Hiệp. Đó mới là mục đích cơ bản để quản lý tốt nhất hệ thống kinh doanh ở đây cũng như chất lượng dược liệu.


Tuyết Mai

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN