Quản lý dân cư ứng dụng công nghệ thông tin- Bài 2: Cơ sở hình thành Chính phủ điện tử

Trong bối cảnh hoạt động quản lý điều hành dựa trên giấy tờ truyền thống đã tỏ ra không bắt kịp với nhịp độ phát triển xã hội, bằng việc tận dụng một cách tối đa ưu thế của công nghệ thông tin, Chính phủ điện tử sẽ đóng góp mạnh mẽ vào quá trình cải cách hành chính.

Đây là một nhiệm vụ quan trọng mà Đảng và Chính phủ hết sức quan tâm. Trong đó, xây dựng và quản lý hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là nền tảng cơ bản để triển khai các thành phần của Chính phủ điện tử.

Tồn tại quá nhiều giấy tờ công dân

Hiện nay, nhiều loại giấy tờ của công dân đang được giao cho một số cơ quan thực hiện quản lý. Cụ thể: Bộ Công an quản lý sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân và hộ chiếu phổ thông; Bộ Tư pháp quản lý giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn và giấy chứng tử; Bộ Giao thông Vận tải quản lý giấy phép lái xe; Bảo hiểm xã hội quản lý sổ bảo hiểm xã hội và thẻ bảo hiểm y tế; Bộ Tài chính quản lý Thẻ mã số thuế. Bên cạnh đó, các loại thông tin khác nhau về công dân được các bộ, ngành thu thập, lưu trữ, bảo quản và khai thác theo các hệ thống thông tin chuyên ngành khác nhau, nhằm phục vụ cho mục đích quản lý hành chính của từng tổ chức. Đồng thời, việc chia sẻ thông tin về công dân giữa các ngành còn nhiều khó khăn, hạn chế.

Chiến sỹ Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an thành phố Ninh Bình lấy vân tay người đề nghị cấp thẻ căn cước công dân. Ảnh: Ninh Đức Phương/TTXVN

Qua thực tế khảo sát của Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72, Bộ Công an) tại các đơn vị Công an các cấp cho thấy, việc trao đổi thông tin về dân cư giữa ngành Công an và các bộ, ngành khác như: Bộ Tư pháp, Tổng cục Thuế, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội… còn rất hạn chế. Tần suất trao đổi thông tin và số lượng thông tin trao đổi chưa đáp ứng được nhu cầu công việc. Cùng với đó, việc trao đổi dữ liệu về dân cư giữa các cơ quan này chủ yếu được thực hiện thủ công qua phương pháp công văn, giấy tờ, văn bản truyền thống, chưa ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật hiện đại, dẫn đến việc dữ liệu dân cư chưa tập trung, chưa hình thành được chuẩn thống nhất về trao đổi dữ liệu, gây ra sự hạn chế về sự chia sẻ, khai thác, đồng bộ thông tin công dân. Hậu quả là thông tin trong các giấy tờ công dân có nội dung trùng lặp (họ, tên, ngày tháng năm sinh, dân tộc, quốc tịch…) nên khi sử dụng các giấy tờ để truy nguyên công dân thì đều hiển thị các thông tin trùng nhau. Bên cạnh đó là thực trạng khi thực hiện thủ tục hành chính, trong một số trường hợp công dân phải xuất trình cùng lúc hai hoặc nhiều loại giấy tờ (ví dụ: xuất trình đồng thời cả chứng minh nhân dân và thẻ bảo hiểm y tế khi khám chữa bệnh; hay khi thực hiện thay đổi, cải chính hộ tịch, ngoài giấy tờ hộ tịch công dân phải xuất trình chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu...).

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư - nền tảng cơ bản triển khai các thành phần của Chính phủ điện tử

Trong bối cảnh hoạt động quản lý điều hành dựa trên giấy tờ truyền thống đã tỏ ra không bắt kịp với nhịp độ phát triển xã hội, bằng việc tận dụng một cách tối đa ưu thế của công nghệ thông tin, Chính phủ điện tử sẽ đóng góp mạnh mẽ vào quá trình cải cách hành chính. Chính phủ điện tử không chỉ là tập hợp những giải pháp đơn lẻ dựa trên các ứng dụng web, mà được kỳ vọng tạo ra một môi trường tương tác điện tử thống nhất giữa một bên là các tổ chức, cơ quan Nhà nước và một bên là người dân, doanh nghiệp. Chính phủ điện tử cũng tạo cơ hội cho các cơ quan Nhà nước nắm bắt thông tin và công tác với nhau tốt hơn. Thông qua việc liên kết các quy trình nghiệp vụ một cách hợp lý, nỗ lực giảm thiểu chi phí, đẩy mạnh nghiên cứu và đánh giá hoạt động, hoạt động quản lý điều hành Nhà nước sẽ được nâng cao cả về chất lượng lẫn thời gian xử lý.

Xuất phát từ yêu cầu đó, ngày 22/5/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 714/QĐ-TTg về việc ban hành Danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử. Theo đó, có 6 cơ sở dữ liệu quốc gia được ưu tiên triển khai là: (1) Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an chủ quản; (2) Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ quản; (3) Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ quản; (4) Cơ sở dữ liệu quốc gia về thống kê tổng hợp về dân số do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ quản; (5) Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính do Bộ Tài chính chủ quản; (6) Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm do Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chủ quản. Trong đó, dữ liệu về dân cư là nền tảng cơ bản để triển khai các thành phần của Chính phủ điện tử. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là cơ sở dữ liệu dùng chung, chia sẻ và phục vụ công tác quản lý Nhà nước của các bộ, ngành khác có liên quan. Đây được coi là hệ thống thông tin chủ đạo kết nối với các hệ thống thông tin chuyên ngành khác của các bộ, ngành, doanh nghiệp thông qua phương pháp quản lý thống nhất giữa các hệ thống thông tin bằng Số định danh cá nhân.

Số định danh cá nhân là “chìa khóa” để các ngành và công dân sử dụng khi truy cập, kết nối vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khai thác thông tin về công dân khi giải quyết thủ tục hành chính, thay thế cho việc xuất trình hoặc nộp bản sao hoặc nộp bản sao có chứng thực các giấy tờ công dân.

Theo Trung tướng Trần Văn Vệ, quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), hệ thống này sẽ từng bước điều chỉnh và hoàn thiện đảm bảo khả năng kết nối với các Cơ sở dữ liệu khác như hộ tịch, bảo hiểm xã hội, đất đai, y tế, thuế, giáo dục và đào tạo... tạo thành bộ cơ sở dữ liệu thông tin nền tảng phục vụ cho quản lý hành chính Nhà nước và tạo ra một bước tiến mới trong công tác cải cách thủ tục hành chính. Song song với đó, việc xây dựng hệ thống quản lý dân cư sẽ góp phần tích cực và tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý di biến động về đối tượng vi phạm an ninh, trật tự của ngành Công an; nhanh chóng trong việc kiểm tra, xác minh đối tượng vi phạm an ninh, trật tự... góp phần nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về an ninh trật tự. Đồng thời, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là hệ thống quản lý thông tin về con người, do đó, yêu cầu về chống lại sự tấn công của tin tặc và đảm bảo bí mật về thông tin cá nhân của công dân cũng được đặt ra rất chặt chẽ.

Làm thẻ căn cước cho các đối tượng chính sách tại địa bàn phố Mía Đông, phường Ninh Khánh, thành phố Ninh Bình. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Thượng tá Trần Hồng Phú, Phó Cục trưởng Cục C72 Bộ Công an nhấn mạnh trong xây dựng và quản lý hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, vấn đề bảo mật thông tin được đặt lên hàng đầu. Luật Căn cước công dân cũng quy định thu thập thông tin công dân nhưng phải đảm bảo bí mật cá nhân, bí mật gia đình, an ninh an toàn về thông tin.  "Bộ Công an và các đơn vị chức năng phải cùng tham gia để đảm bảo an ninh an toàn thông tin, vì đây là tài sản quốc gia, được tập trung để bảo vệ, tránh sự truy cập, khai thác thông tin trái phép. Việc chia sẻ, khai thác phải đảm bảo không làm ảnh hưởng bí mật cá nhân, bí mật đời tư" - Thượng tá Trần Hồng Phú cho hay.

Hệ thống dữ liệu dân cư phấn đấu hoàn thành trong 2-3 năm tới

Hiện nay, dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đang được Chính phủ đặc biệt quan tâm tạo điều kiện bởi vì sự thành công của dự án sẽ giúp thay đổi cơ bản cách thức giải quyết giao dịch hành chính công gắn với công dân cũng như cách thức quản lý Nhà nước và hoạt động của các cơ quan hành chính, giúp giảm tối đa chi phí hành chính cho cá nhân, tổ chức, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý dân cư. Vì tầm quan trọng của dự án này, ngày 8/6/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 896/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020. Nội dung quyết định đã nêu rõ dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là dự án quan trọng, cần ưu tiên các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Quốc hội cũng đã thông qua Luật Căn cước công dân (có hiệu lực từ 1/1/2016), quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản nhất của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hoá, số hoá, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân do Bộ Công an thống nhất, quản lý.

Từ năm 2012, Chính phủ giao Bộ Công an bắt đầu triển khai xây dựng Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia; hoàn thành hạ tầng kỹ thuật; tổ chức tập huấn cho đội ngũ Công an xã và Hộ tịch viên về kỹ năng sử dụng và cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thượng tá Trần Hồng Phú cho biết dự kiến ngày 14/11, Bộ Công an sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc, sau đó sẽ tổ chức tập huấn ở các địa phương về nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ thu thập thông tin. Tiếp đó sẽ tiến hành phát phiếu cho các địa phương để Công an phường, xã, thị trấn phát đến từng hộ gia đình, người dân kê khai, ký xác nhận. Sau đó Công an đối chiếu xác minh, xác thực rồi tiến hành nhập dữ liệu lên hệ thống. "Hệ thống dữ liệu này phấn đấu trong vòng 2-3 năm tới sẽ hoàn thành" - Thượng tá Trần Hồng Phú cho biết...

Bài 3:  Tín hiệu tích cực từ thí điểm tại Hải Phòng

Xuân Tùng (TTXVN)
Quản lý dân cư ứng dụng công nghệ thông tin: Bài 1: Giảm phiền hà, tránh lãng phí
Quản lý dân cư ứng dụng công nghệ thông tin: Bài 1: Giảm phiền hà, tránh lãng phí

Thủ tục hành chính tại nước ta hiện hầu hết được thực hiện thủ công thông qua việc xuất trình hoặc nộp bản sao có chứng thực các giấy tờ như sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn... dẫn đến nhiều phiền hà cho người dân, lãng phí lớn cho xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN