Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa
Qua hơn 5 thập kỷ, Ngày Môi trường thế giới đã trở thành sự kiện toàn cầu, được hàng triệu người ở hơn 150 quốc gia tham gia. Mỗi năm, chủ đề Ngày Môi trường thế giới đều phản ánh một điểm nhấn về những lo ngại môi trường vào thời điểm đó.
Năm 2024, Ngày Môi trường thế giới được phát động với chủ đề “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa”. Với chủ đề này, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) kêu gọi các quốc gia chung tay hướng tới những mục tiêu phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa và khả năng chống hạn, làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, bảo vệ tự nhiên, tăng cường sinh kế và an ninh lương thực cho hàng tỷ người trên toàn thế giới.
Giảm thiểu tác hại do suy thoái đất, sa mạc hóa là một trong những mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (Mục tiêu số 15). Phục hồi đất cũng là một trong những mục tiêu chính trong Thập kỷ Phục hồi hệ sinh thái (2021 – 2030), nhằm thông qua các chính sách, sáng kiến, cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực để bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái.
Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng bởi hạn hán, thoái hóa đất và cồn cát di động theo mùa gió. Theo thống kê năm 2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam có gần 11.838 nghìn ha (chiếm 35,74%) tổng diện tích đất tự nhiên của cả nước đang chịu tác động của thoái hóa, hoang hóa dẫn tới sa mạc hóa. Đặc biệt là tại khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ là 3 khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Hiện nay, thực trạng suy thoái đất, hoang hóa, sa mạc hóa tại Việt Nam đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng và phổ biến.
Xác định nông nghiệp là "trụ đỡ" của nền kinh tế, theo đó chất lượng đất ảnh hưởng rất lớn đối với sản lượng ngành; vì vậy, phục hồi, nâng cao chất lượng đất luôn là mục tiêu Đảng, Nhà nước và người dân quan tâm. Việc làm này có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, ổn định trật tự an toàn xã hội; đảm bảo an ninh lương thực. Việt Nam cũng nỗ lực hợp tác quốc tế, thể chế hóa các cam kết, xây dựng hành lang pháp lý vững chắc nhằm tăng cường quản lý sử dụng đất, phục hồi và nâng cao chất lượng đất.
Triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền
Tổ chức Ngày Môi trường thế giới là cơ hội lan tỏa thông điệp truyền thông tới mọi người cùng chung tay hướng tới những mục tiêu phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa và khả năng chống hạn, làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, bảo vệ tự nhiên; đồng thời cũng là dịp để phổ biến chính sách, pháp luật môi trường tới toàn dân.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ tài nguyên và Môi trường) cho biết, hưởng ứng chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 2964/BTNMT-TTTT ngày 9/5/2024 về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6, Tháng hành động vì môi trường năm 2024.
Theo Công văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật về tăng cường các hoạt động quản lý chất lượng môi trường đất; Quyết định số 419/QĐ-TTg ngày 05 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất và suy thoái rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng carbon và quản lý bền vững tài nguyên rừng đến năm 2030; Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc Tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 02 tháng 5 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định.
Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị các địa phương tăng cường nhân rộng các mô hình hiệu quả trong việc phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa đặc biệt là những khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của hiện tượng hạn hán, sa mạc hóa. Đồng thời, phát hiện, biểu dương, khen thưởng tổ chức, cá nhân và cộng đồng, doanh nghiệp có thành tích, sáng kiến tiêu biểu trong hoạt động bảo vệ môi trường; ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên của đất nước.
Đặc biệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa, Ban Tuyên giáo Trung ương, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam và Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam xây dựng kế hoạch tổ chức Lễ phát động quốc gia Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Tháng hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Ngày Đại dương thế giới năm 2024 tại thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa). Qua đó, đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường của Đảng, Nhà nước, các thông điệp của Liên hợp quốc đến các cấp các ngành, cộng đồng, tạo tính lan tỏa trên diện rộng góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ tài nguyên, môi trường, tạo điều kiện cho mọi người dân tham gia các hoạt động thể hiện trách nhiệm, đóng góp chung và nỗ lực quốc gia về bảo vệ môi trường bằng những hành động cụ thể.
Khẩu hiệu hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 2024 được Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra là: Hãy chủ động ứng phó, tăng cường khả năng thích ứng với hạn hán; Mỗi người đều có thể góp phần phục hồi đất bị suy thoái; Cùng hành động để bảo tồn thiên nhiên, điều hòa khí hậu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; Cùng liên kết chống lại biến đổi khí hậu và ngăn chặn sự phá hủy hệ sinh thái toàn cầu; Hành tinh của chúng ta, trách nhiệm của chúng ta! Hãy hành động ngay bây giờ cho một tương lai bền vững; Ngăn chặn và đảo ngược sự mất mát của các hệ sinh thái và đa dạng sinh học.
Là cơ quan truyền thông của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền trực tiếp và trên các phương tiện thông tin đại chúng kết hợp tuyên truyền rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội như facebook, youtube. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng phối hợp với các đơn vị truyền thông của Bộ như: Báo Tài nguyên và Môi trường, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, Cổng Thông tin điện tử của Bộ xây dựng chuyên trang, chuyên mục, tăng thời lượng, tần suất tuyên truyền về chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2024.