Chương trình Môi trường Liên hợp quốc kêu gọi các quốc gia trên toàn cầu cùng chung tay hướng tới những mục tiêu phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa và khả năng chống hạn, làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, bảo vệ tự nhiên, tăng cường sinh kế và an ninh lương thực cho hàng tỷ người trên toàn thế giới.
Hưởng ứng chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật về tăng cường các hoạt động quản lý chất lượng môi trường đất; Quyết định số 419/QĐ-TTg ngày 05 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình Quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất và suy thoái rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng carbon và quản lý bền vững tài nguyên rừng đến năm 2030; Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc Tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; Chỉ thị số 13/CT- TTg ngày 02 tháng 5 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định…
Căn cứ vào tình hình thực tế, mỗi địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và sinh thái của từng vùng; tập trung rà soát, phân loại, theo dõi diễn biến chất lượng môi trường đất; điều tra, đánh giá khu vực đất bị ô nhiễm, có nguy cơ ô nhiễm đảm bảo các khu vực này phải được khoanh vùng; xây dựng và thực hiện kế hoạch xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất bị ô nhiễm theo quy định; có biện pháp ngăn chặn, giảm thiểu tối đa quá trình sa mạc hóa, hạn hán trên địa bàn.
Các địa phương tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và tạo điều kiện cho người dân tham gia tiếp cận với các thông tin và kỹ thuật phòng tránh khô hạn và hoang mạc; tăng cường bổ sung kinh phí, nhân lực, các phương tiện dự báo thời tiết, khí tượng thủy văn của Trung ương và địa phương trong việc chống sa mạc hóa và hạn hán.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các địa phương xây dựng cơ chế chính sách, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở nghiên cứu phòng, chống sa mạc hóa; điều tra đánh giá thực trạng hoang mạc hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu về sa mạc hóa, xây dựng bản đồ hạn hán cho các khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp; tổ chức các hoạt động chuyển giao công nghệ và những kết quả về hợp tác quốc tế, hợp tác khu vực, trong đó có sáng kiến về giảm phát thải thông qua các nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, sáng kiến về chi trả dịch vụ môi trường rừng...
Các địa phương đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, phát triển sinh kế cho người dân ở những vùng có nguy cơ hoặc bị sa mạc hóa. Bên cạnh đó nghiên cứu và áp dụng những giải pháp tiên tiến nhằm sử dụng hiệu quả nguồn nước và bảo vệ bề mặt của đất. Đặc biệt, các cấp chính quyền cần nâng cao nhận thức, coi nội dung phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa là một phần không thể tách rời của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, là nhiệm vụ quan trọng của quá trình phát triển bền vững gắn chặt với các chương trình dự án, sáng kiến có liên quan tới biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai và phát triển sinh kế bền vững.
Nguồn thải từ hoạt động xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp (đặc biệt là hoạt động chăn nuôi và canh tác nông nghiệp) cần được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo chất thải phát sinh phải được xử lý đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường và quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về chất thải tương ứng trước khi thải ra môi trường, đặc biệt nghiêm cấm việc xả thải không đúng quy định ra môi trường đất; đẩy mạnh việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, các mô hình kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển kinh tế xanh.
Các cơ quan truyền thông đại chúng xây dựng chuyên trang, chuyên mục, tăng thời lượng, tần suất tuyên truyền về chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2024 cũng như các hoạt động, nhiệm vụ, nội dung liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; trong đó, tập trung tuyên truyền các mô hình điển hình ứng dụng công nghệ tiên tiến trong việc phục hồi đất đai, chống hạn hán và sa mạc hóa. Các cơ quan truyền thông đại chúng đa dạng các phương thức tuyên truyền; vận dụng nền tảng công nghệ và mạng xã hội để truyền thông, tạo sự lan tỏa, hưởng ứng của toàn xã hội...