Ý tưởng Ngày Môi trường thế giới 5/6 xuất hiện khi con người bắt đầu ý thức được về tình trạng suy thoái môi trường và những tác động của con người đến hành tinh. Bởi vậy, Hội nghị Stockholm 1972, với thông điệp con người chỉ có một ngôi nhà duy nhất để sống, chính là Trái Đất, và hoạt động của con người là yếu tố chủ chốt quyết định tương lai của chúng ta, được xem là cột mốc đánh dấu nỗ lực chung của toàn thể nhân loại nhằm bảo vệ môi trường.
Trong suốt 5 thập niên qua, có thể nói Ngày Môi trường thế giới đã tạo một nền tảng để hội tụ các hành động tập thể, giúp nhiều tiếng nói được lắng nghe và thúc đẩy mọi người thay đổi, dẫn tới những hiệp ước toàn cầu quan trọng trong mọi lĩnh vực từ ô nhiễm nhựa đến rác thải thực phẩm. Mỗi năm, chủ đề Ngày Môi trường thế giới đều phản ánh một điểm nhấn về những lo ngại môi trường vào thời điểm đó. Năm 1977, sự kiện này tập trung vào lỗ thủng tầng ozone, năm 1984 nên vấn đề hoang mạc hóa. Chủ đề của năm 1989 là sự nóng lên toàn cầu, năm 2003 là nguồn nước, trong khi giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon là chủ đề của năm 2018.
Điều đáng mừng là mỗi năm, số người tham gia sự kiện Ngày Môi trường thế giới, cả trực tuyến và trực tiếp, đều gia tăng. Vào Ngày Môi trường thế giới năm 2019, với trọng tâm là ô nhiễm không khí, đã có hơn 12 triệu hashtag đánh dấu ngày này trên mạng Twitter và trang truyền thông xã hội Weibo. Sự kiện năm 2020 tập trung vào chủ đề đa dạng sinh thái với khẩu hiệu “Time#ForNature” (Thời gian vì thiên nhiên) đã thu hút hơn 100 triệu người trên các kênh xã hội Chính sự bùng nổ trên mạng xã hội đã tạo ra được những tiến bộ về chính sách trên thực tế. Ví dụ, 14 nhà lãnh đạo các nước trong đó có Colombia, Costa Rica, Phần Lan, Pháp… đã ra một tuyên bố chung vào Ngày Môi trường thế giới năm 2020, kêu gọi các nước ủng hộ một mục tiêu toàn cầu mới là bảo vệ ít nhất 30% đất và đại dương trên hành tinh này vào năm 2030.
Kể từ lần đầu tiên tổ chức Ngày Môi trường thế giới vào năm 1982, hằng năm Việt Nam có nhiều hoạt động hưởng ứng nhằm nâng cao nhận thức cũng như hành động của mọi người. Năm 2022 có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam khi Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 chính thức có hiệu lực. Đây cũng là giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong việc bảo vệ môi trường hướng tới mục tiêu cao nhất cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững.
50 năm sau Hội nghị Stockholm, thế giới đang phải đối mặt nhiều thách thức về môi trường lớn, trong đó phải nhắc tới 3 cuộc khủng hoảng toàn cầu là biến đổi khí hậu, ô nhiễm và mất đa dạng sinh học. Hiện tượng Trái Đất nóng lên do khí thải CO2 (theo LHQ là đã tăng gần 50% từ năm 1990) đang làm gia tăng biến đổi khí hậu và đe dọa sự sống của hàng triệu người cũng như các loài động thực vật. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính 90% nhân loại sẽ phải hít thở không khí ô nhiễm. Báo cáo toàn cầu của Ủy ban Lancet cho biết ô nhiễm là nguyên nhân cướp đi sinh mạng của 9 triệu người trong năm 2019. Bên cạnh đó, ô nhiễm đất, hậu quả từ các hoạt động của con người như khai mỏ, xả rác, phá rừng, các hoạt động xây dựng, công nghiệp và nông nghiệp… cũng gây tác động môi trường rất lớn. Các đại dương cũng đang kêu cứu vì ô nhiễm chất thải nhựa.
Phá rừng, dân số quá đông, ô nhiễm và sự nóng lên toàn cầu đã khiến môi trường sống bị phá hủy, nguyên nhân chính dẫn tới sự mất đa dạng sinh thái. Theo LHQ, trong số 8 triệu loài động vật, thực vật đang tồn tại, khoảng 1 triệu loài có nguy cơ biến mất khỏi Trái Đất trước sự tàn phá môi trường của con người. Dự báo trong 10 năm tới, cứ trong 4 loài mà con người biết sẽ có một loài bị xóa sổ hoàn toàn.
Trước tình trạng khủng hoảng môi trường trầm trọng như vậy, LHQ đã lựa chọn lại khẩu hiệu “Chỉ có một Trái Đất” của Hội nghị Stockholm năm 1972 làm chủ đề Ngày Môi trường thế giới 2022, như một cách làm sống dậy động lực cùng hành động và khẳng định vai trò quyết định của con người trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ Trái Đất. Cũng trên tinh thần ấy, 50 năm sau hội nghị năm 1972, năm nay, Đại hội đồng LHQ đã quyết định tổ chức hội nghị cấp cao: “Stockholm+50: Một hành tinh khỏe mạnh cho sự thịnh vượng của tất cả mọi người - trách nhiệm của chúng ta, cơ hội của chúng ta”, nhằm xác định những hành động cấp bách và cụ thể mà con người cần triển khai để bảo vệ hành tinh, xây dựng một nền tảng lâu dài và bền vững, vì một tương lai xanh và toàn diện. Thông điệp của Ngày Môi trường thế giới 2022 là cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua các chính sách, hoạt động hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn.
Nhà nghiên cứu Lewis Akenji tại Đại học Helsinki (Phần Lan) cho biết mọi hành động của con người đều tác động đến hành tinh. Ví dụ riêng các hệ thống thực phẩm là nguyên nhân gây ra 80% nạn phá rừng và mất đa dạng sinh thái. Điều này cho thấy sự thay đổi trong hành động của con người là yếu tố quyết định. Cùng chung quan điểm trên, chuyên gia nghiên cứu Magnus Bengtsson của Đại học Gothenburg (Thụy Điển) nhận định: “Thay đổi cách sống đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó với sự khẩn cấp về khí hậu và các cuộc khủng hoảng môi trường khác”.
Tháng 6/1992, trong Tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh Trái Đất Rio de Janeiro về môi trường và phát triển bền vững ở Brazil, lãnh đạo các nước đã khẳng định lại tuyên bố của Hội nghị Stockholm năm 1972, nhấn mạnh nguyên tắc bảo vệ môi trường là bộ phận cấu thành, không tách rời của quá trình phát triển; Hoà bình, phát triển và bảo vệ môi trường có quan hệ chặt chẽ với nhau. Tuyên bố Rio de Janeiro 1992 nêu bật thông điệp rõ ràng: con người chỉ có thể xây dựng tương lai phát triển bền vững nếu biết trân trọng và bảo vệ môi trường, bởi “chúng ta chỉ có một Trái Đất để sống”. Nói cách khác, con người có trách nhiệm bảo vệ môi trường và Trái Đất, bởi đó chính là tương lai của chúng ta.