Phú Thọ: Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông đường sắt

Phú Thọ có 131 đường ngang được mở trên tổng chiều dài 75 km đường sắt chạy qua địa bàn tỉnh. Nhưng ý thức chủ quan của người tham gia giao thông khiến nguy cơ xảy ra tai nạn ở những điểm giao cắt này luôn rình rập.

Đến giờ, những người dân chứng kiến vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra ngày 1/6/2015 tại xã Lệnh Khanh, huyện Hạ Hòa vẫn chưa hết bàng hoàng. Lúc 7 giờ 26 phút, tàu YB2 (Yên Bái – Hà Nội) đi đến Km139+200 đã va chạm với ô tô tải chở bê tông nhựa asphalt đang qua đường sắt. Cú đâm mạnh làm chiếc xe tải bắn ra khỏi đường ray, xuống ruộng ngô, lái xe bị thương nặng và tử vong vào chiều cùng ngày tại bệnh viện. Đầu máy của tàu bị đổ nằm vuông góc với đường sắt, lái tàu bị thương nhẹ. Hai toa tàu giáp đầu máy bị trật bánh, riêng toa giáp liền với đầu máy nghiêng 45 độ.

Mới đây nhất, đầu tháng 6/2017 tại km 80 +500 thuộc địa phận phường Vân Cơ, thành phố Việt Trì đã xảy ra tai nạn giao thông đường sắt làm 2 người bị thương. Ông Bùi Văn Học – một trong số người dân chứng kiến và tham gia đưa người bị nạn đi cấp cứu nhớ lại: Khu vực đường ngang xảy ra tai nạn có cần chắn tự động và đèn báo tín hiệu. Hôm đó, khoảng 8 giờ 40 phút, khi tàu Lào Cai 4 kéo còi, hệ thống đèn tín hiệu, chuông cảnh báo hoạt động nhưng người điều khiển ô tô 4 chỗ vẫn cố tình vượt qua rào chắn. Thấy vậy, mọi người hô hoán nhưng không kịp, tàu lao đến đẩy ô tô trượt dài trên đường ray.

Xã Mạn Lạn, huyện Thanh Ba có tuyến đường sắt Yên Viện – Lào Cai chạy qua với chiều dài chưa đầy 4km nhưng có tới 9 điểm giao cắt với đường bộ. Theo ông Mè Huy Dũng – Phó Chủ tịch UBND xã Mạn Lạn, đa phần là đường ngang dân sinh nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông. Mặc dù xã và các đơn vị liên quan đã nỗ lực tuyên truyền về an toàn giao thông đường sắt nhưng vẫn còn nhiều người dân tự ý mở đường ngang, trồng cây sát đường ray, không đảm bảo khoảng cách theo quy đinh, cho trẻ em chơi sát đường ray...

Ông Nguyễn Văn Thủy – Trưởng Phòng an toàn kỹ thuật, Công ty Cổ phần đường sắt Vĩnh Phú chia sẻ, đáng lo hơn nhiều địa phương có đường sắt chạy xuyên qua khu dân cư, người dân tổ chức lao động, sinh hoạt ngay bên cạnh đường sắt, khi biết là có tàu sắp tới nhưng vẫn cố tình băng qua. Nhiều lái tàu đôi khi rơi vào tình huống bất khả kháng và vô cùng “ám ảnh” khi phát hiện có người trên đường ray, dù đã kéo còi, thao tác phanh khẩn cấp để giảm tốc độ nhưng vẫn không cứu vãn được tình thế.

Đường ngang dân sinh là khu vực người dân sinh sống qua lại hằng ngày. Tuy nhiên, có nhiều đường ngang trái phép do người dân tự mở. Theo thời gian những lối đi tắt trở thành đường đi cố định, vô hình trung trở thành tiền lệ xấu. Việc mở đường ngang dân sinh trái phép đang là rào cản cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt. Những đường ngang này mở tự phát dẫn đến nhiều bất cập trong tổ chức giao thông. Mặt khác do mở chui, tạm bợ nên chỗ tiếp giáp đường sắt thường lồi lõm, xe qua lại rất dễ bị đổ, ngã hoặc chết máy, chỉ trong tích tắc là có thể gặp nguy hiểm khi tàu hỏa lao tới.

Thực hiện Quy chế phối hợp trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các điểm giao cắt, giữa đường bộ và đường sắt Bộ Giao thông Vận tải và UBND tỉnh Phú Thọ, từ năm 2013 đến nay, Công ty Cổ phần đường sắt Vĩnh Phú đã tổ chức rào thu hẹp những lối đi dân sinh lớn hơn 3m, ký biên bản phân khai trách nhiệm giữa đường sắt và địa phương trong việc đảm bảo an toàn giao thông đường sắt; cắm đầy đủ biển báo hiệu theo qui định đối với đường ngang có phòng vệ, đường ngang phòng vệ bằng biển báo, cắm đầy đủ biển chú ý tàu hỏa tại 92 vị trí lối đi dân sinh trái phép cắt qua đường sắt.

 Công ty cũng thường xuyên phối hợp kiểm tra công tác đảm bảo an toàn, sửa chữa mặt đường ngang hư hỏng, đảm bảo an toàn, êm thuận cho các phương tiện cơ giới đường bộ qua lại đường ngang. Đã trang bị 51 đèn tín hiệu, 51 đèn pin, 51 bộ cờ, còi, băng đỏ, sổ giao ban tại các điểm chốt gác do lực lượng dân phòng đảm nhiệm. Tỉnh Phú Thọ triển khai sâu rộng quy chế phối hợp tới các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, trường học trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao ý thức tuân thủ các qui định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường sắt cho người dân, xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc phối hợp bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường sắt.

Tháng 5/2016, tỉnh Phú Thọ phối hợp với các đơn vị quản lý đường sắt, thành lập 17 chốt cảnh giới tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt có mật độ phương tiện qua lại đông, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông cao. Mỗi vị trí chốt gác bố trí 3 người cảnh giới, thay nhau trực 24/24 giờ. Mỗi người tham gia chốt gác được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/tháng. Sau hơn một năm thực hiện, tại các chốt gác này đã không để xảy ra sự cố nào. Năm 2013, toàn tỉnh xảy ra 5 vụ tai nạn giao thông đường sắt làm chết 5 người; Năm 2014 xảy ra 2 vụ làm chết 2 người; Năm 2015 xảy ra 7 vụ, làm chết 6 người, bị thương 1 người; thì năm 2016 và 9 tháng đầu năm 2017 mới xảy ra 2 vụ, làm chết 2 người. Phân tích nguyên nhân phần lớn các vụ tai nạn giao thông đường sắt ở Phú Thọ đều xảy ra tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, nơi không có rào chắn, không có người cảnh giới.

Theo ông Nguyễn Quang Thanh – Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Phú Thọ, trong 131 vị trí giao cắt giữa đường sắt với đường bộ thì chỉ có 23 đường ngang hợp pháp có người gác, 13 đường ngang phòng vệ bằng biển báo, 3 đường ngang cảnh báo tự động và có tới 92 lối đi dân sinh bất hợp pháp. Trước thực trạng này, Ban An toàn giao thông tỉnh kiến nghị Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, bố trí vốn kế hoạch nâng cấp 13 vị trí đường ngang phòng vệ bằng biển báo thành đường ngang phòng cảnh báo tự động có cần chắn tự đồng; đầu tư nâng cấp một số đường ngang dân sinh có đông người và phương tiện qua lại thành đường ngang có gác chắn; đồng thời sửa chữa, nâng cấp một số điểm mất an toàn bằng cách xây dựng gờ giảm tốc cưỡng bức từ hai phía đường bộ vào đường sắt…

Tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường sắt; Tăng cường công tác giải tỏa hành lang an toàn giao thông, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt; Xác định trách nhiệm của chính quyền địa phương và người đứng đầu đối với những địa phương gia tăng tai nạn giao thông và để xảy ra các vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt. Cùng với đó, tỉnh cũng sẽ đổi mới và đa dạng hóa phương pháp tuyên truyền, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường sắt cho người dân, đặc biệt là khu dân cư nơi có đường sắt đi qua...


Trung Kiên (TTXVN)
Tai nạn đường sắt liên tiếp tại Hải Dương làm 2 người tử vong
Tai nạn đường sắt liên tiếp tại Hải Dương làm 2 người tử vong

Trong 2 ngày 3 và 4/10, trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông đường sắt khiến 2 người thiệt mạng và 1 người bị thương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN