Phối hợp liên ngành ngăn chặn nhập rác thải

Phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường).

* Một số doanh nghiệp đã nhập khẩu chất thải vào Việt Nam dưới hình thức khai báo là phế liệu nhập khẩu. Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng trên?

Nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất là hoạt động kinh doanh có điều kiện mang lại lợi ích lớn về mặt kinh tế, đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu sản xuất của một số ngành công nghiệp, song cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về môi trường.

Nhiều doanh nghiệp thường lợi dụng hoạt động tạm nhập, tái xuất sang nước thứ ba để buôn bán chất thải, gây ra hiện tượng nhập khẩu chất thải vào Việt Nam và tồn đọng các container hàng hóa trong đó có phế liệu, chất thải tại các cảng biển thuộc Hải Phòng, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng tàu.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên trước hết là ý thức chấp hành pháp luật của nhiều tổ chức, cá nhân nhập khẩu chưa tốt; vì lợi ích kinh tế đã lợi dụng những kẽ hở của luật pháp để vận chuyển vào Việt Nam những loại hàng hóa thuộc diện cấm nhập khẩu, khai báo không đúng trong vận đơn. Trong khi các cơ quan có chức năng quản lý hàng hóa nhập khẩu lại chỉ quản lý theo hồ sơ, không có phương tiện để kiểm tra hàng hóa trong container từ khi bốc dỡ xuống cảng, chỉ khi nào chủ hàng đến nhận hàng thì mới phát hiện được qua kiểm tra thực tế.

Do những bất cập về các quy định pháp lý không chặt chẽ trách nhiệm của chủ hàng và doanh nghiệp vận chuyển, nhập khẩu đối với lô hàng nhập nên doanh nghiệp dễ dàng từ bỏ lô hàng vi phạm pháp luật khi nhận thấy không “qua mặt” được cơ quan chức năng. Việc xuất trả lại hàng cho người gửi hàng cũng gặp nhiều khó khăn do hàng đã tồn đọng tại cảng quá lâu, trong khi hàng thực tế lại khác với vận đơn, thậm chí có trường hợp, người gửi hàng là doanh nghiệp đã phá sản hoặc địa chỉ không có thật.

Cùng đó, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực nhập khẩu phế liệu còn quá nhẹ chưa đủ sức răn đe; chưa có cơ chế phối hợp liên ngành hiệu quả giữa ngành Tài nguyên và Môi trường, Hải quan, Công Thương và Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường ở cả Trung ương và địa phương.


* Để xảy ra những vụ việc nhập khẩu chất thải vào Việt Nam, theo ông trách nhiệm chính thuộc về đơn vị nào?


Để xảy ra những vụ việc nhập khẩu chất thải núp dưới dạng phế liệu trước hết phải đề cập đến ý thức hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu đó, đã vì lợi ích trước mắt mà thực hiện hành vi gian lận thương mại chuyển chất thải vào Việt Nam.

Trách nhiệm quản lý hoạt động nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài để làm nguyên liệu sản xuất trong nước liên quan đến 4 Bộ (Công Thương, Tài chính, Công an và Tài nguyên và Môi trường) và bản thân doanh nghiệp sử dụng và nhập khẩu phế liệu.


* Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có những giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng vi phạm này, thưa ông?


Trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành các quy định, luật định trong quản lý về bảo vệ môi trường trong hoạt động nhập khẩu phế liệu. Cùng với đó, có các quy định cụ thể về yêu cầu đối với tổ chức, cá nhân nhập khập khẩu phế liệu, trách nhiệm ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu. Ban hành mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với từng loại phế liệu được phép nhập khẩu.

Bộ cũng kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ việc xem xét đề xuất sửa đổi một số quy định của Luật Thương mại, Luật Hàng hải cho phù hợp với thực tế quản lý liên quan đến hoạt động nhập khẩu phế liệu.

Công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động quản lý bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu hàng năm tại các địa phương có nhiều hoạt động nhập khẩu phế liệu được tăng cường. Thực hiện xử phạt vi phạm nghiêm theo đúng các quy định hiện hành. Cùng đó, Bộ tổ chức các đợt tập huấn, phổ biến quy định về quản lý và bảo vệ môi trường đối với phế liệu nhập khẩu cho cán bộ quản lý môi trường của các bộ/ngành, địa phương, doanh nghiệp sản xuất hoặc nhập khẩu phế liệu và các cơ quan giám định phế liệu nhập khẩu.

Đặc biệt, rà soát, đánh giá việc thực hiện quy chế phối hợp công tác bảo vệ môi trường giữa Tổng cục Môi trường và Tổng cục Hải quan, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49), Bộ Công Thương, Tài chính và Công an về phối hợp liên ngành trong kiểm soát hoạt động nhập khẩu phế liệu. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng Thông tư liên tịch Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Bộ Công an ban hành Quy chế phối hợp liên ngành trong kiểm soát hoạt động nhập khẩu phế liệu.

* Xin chân thành cảm ơn ông!


Thu Trang


Ngăn chặn nhập khẩu rác thải: Phế liệu thành chất độc
Ngăn chặn nhập khẩu rác thải: Phế liệu thành chất độc

Theo Thông tư Liên tịch số 34/2012/TTLT-BCT-BTNMT thì nếu các doanh nghiệp có đủ điều kiện như có kho bãi tập kết đủ tiêu chuẩn, có công nghệ, thiết bị để tái chế... thì được phép nhập khẩu phế liệu để làm nguyên liệu sản xuất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN