Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trả lời phỏng vấn báo chí về tình hình lũ lụt miền Trung sau chuyến công tác. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN |
* Xin Phó Thủ tướng cho biết đánh giá tổng quát đợt kiểm tra tình hình mưa lũ ở miền Trung sau cơn bão số 15?Đặc thù đợt bão này là mưa trên diện rộng và cường độ mưa tập trung, nên một số con sông đã vượt mức lũ lịch sử (từ năm 1999 đến 2009). Tại một số địa phương, đặc biệt là trong các ngày 15, 16/11 mưa lũ diễn ra vào thời gian triều cường nên nước không thoát được, làm mức ngập cao hơn dẫn đến một số nơi như Bình Định, Quảng Ngãi ngập sâu từ 6 - 8 mét.
Ngập như vậy cũng được coi là lịch sử, bởi bà con ở những nơi này cho hay lũ năm 1999 và 2009 không ngập đến mức như vậy. Đặc điểm khác là đợt mưa bão lần này gây ra mưa lớn và ngập trên miền núi. Tình trạng này xảy ra ở một số huyện miền núi của các tỉnh Bình Định, Phú Yên như Sông Cầu, Đồng Xuân...
Qua theo dõi, thông thường mưa thường gây ngập hạ du trước, rồi mới ngập dần lên, nhưng lần này do mưa lớn nên ngập tập trung ở trên vùng núi cao trước, sau mới mưa xuống hạ du. Khi xảy ra mưa trên miền núi, nước dồn về hạ du rồi tiếp tục kết hợp với lượng mưa lớn ở khu vực này gây nên tình trạng lũ chồng lũ.
Cho đến nay đã có 43 người chết, 4 người mất tích và gần 70 người bị thương, trên 400 căn nhà bị sập, hàng trăm nghìn căn nhà bị ngập trong nước, gần 400 nghìn gia cầm và trên 30 nghìn gia súc bị chết. Ngoài ra, một diện tích lớn hoa màu bị ngập trong lũ.
Công tác sơ tán dân và bảo đảm an toàn cho dân trong cơn lũ vừa qua là một nỗ lực lớn của các địa phương và của nhân dân, đặc biệt là quân đội như Quân khu 5, Quân đoàn 3 đã dàn quân để giúp dân chống lũ, hạn chế thiệt hại. Đánh giá cho thấy các địa phương đối phó với lũ rất tốt. Miền Trung rất có kinh nghiệm chống bão lũ, bởi nếu không bố trí trước lực lượng, thì mưa về không có cách gì để ứng cứu nhau vì bị chia cắt.
Các địa phương có hồ chứa lớn như Bình Định (160 hồ chứa), Quảng Ngãi (120 hồ), Đà Nẵng (hơn 70 hồ) đều rà soát các hồ chứa trước khi mưa lũ về. Các hồ chứa yếu đều được tách ra và không tích nước. Do vậy, mặc dù đợt này mưa rất lớn so với những lần trước, nhưng hiện tượng vỡ hồ chứa không xảy ra. Tôi cho đây là điều đáng mừng, do cách ứng phó của các địa phương.
Thứ hai là các địa phương đã bám sát được các hồ thủy lợi. Hồ Phú Ninh (Quảng Nam), các hồ Nước Trong, Thạch Nham (Quảng Ngãi), hồ Định Bình (Bình Định) đều được kiểm soát chặt. Các địa phương có hồ thủy điện cũng nắm rất chặt các quy trình thông báo thời gian hạ mức nước, xả lũ.
Khi kiểm tra, tôi thấy các địa phương cũng như Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và PTNT đều nắm vững về lượng xả lũ và điều hành của các hồ chứa. Theo tôi biết, đến nay chưa có báo cáo nào nói rằng có hồ nào xả lũ sai quy trình và các địa phương có hồ chứa đều khẳng định như vậy. Từ trước đến nay, nước ta đã đầu tư xây dựng được 7.000 hồ chứa, vì chúng ta cần hồ chứa. Giờ cũng cần rất nhiều hồ chứa và tiếp tục phải đầu tư mới bảo đảm được cân bằng nước, bảo đảm nước cung cấp sinh hoạt, đời sống, sản xuất.
Tuy nhiên, khi sống chung với hồ chứa thì phải sống với nó một cách an toàn. Muốn như vậy phải quản lý chặt. Vì hồ chứa xây trên cao và nếu xây trên cao, có thể tưởng tượng nó như một quả bom. Khi quản lý không tốt, để vỡ ra thì nguy hiểm vô cùng. Chính phủ nhiều lần nêu rõ trong các cuộc họp, chỉ cần một hồ chứa thủy lợi nhỏ, khoảng 20.000 m3 vỡ, đã đủ gây thiệt hại không chỉ về con người và hoa màu… Cho nên, phải quản lý chặt các hồ chứa.
Việc các hồ chứa xả lũ đúng quy trình và tham gia cắt được lũ trong thời gian vừa qua là tốt. Ở đây có vai trò tích cực của các địa phương. Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão ở các địa phương thường xuyên phải nằm tại địa bàn. Do vậy, cần phải đầu tư để các địa phương bám sát hơn nữa các địa bàn có hồ chứa.
Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương trước đây làm sao theo dõi được hết các hồ, chủ yếu tập trung vào các hồ lớn. Giờ đây, đã đưa được các thông số phòng chống lụt bão về tới Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương ở Hà Nội. Các địa phương có hồ chứa phải làm được những việc như thế, ngoài các hệ thống thông tin, báo cáo… thông qua fax, điện thoại, thì tất cả những thông tin ấy đều phải được đưa tới Trung tâm chỉ huy.
Nếu quản lý hồ chứa không khoa học, để lũ quá một tý là hồ vỡ. Nhưng điều hành theo cách cực đoan khác, sẽ không có nước dùng. Do vậy, đây là vấn đề cần phải khoa học và cần thiết phải hoàn chỉnh dần nó. Qua cơn bão số 15 cho thấy, miền Trung có đặc thù địa hình dốc, ngắn, nên mưa lũ xuống tạo dòng nước chảy rất siết và nhanh. Đặc thù là ngập nhanh và rút nhanh. Chính vì thế, các hồ chứa không thể thiết kế được diện tích phòng lũ lớn như các hồ ở miền Bắc và miền Nam, chưa nói các hồ chứa này lại kết hợp với thủy điện, bắt buộc phải tính toán theo hiệu quả kinh tế, nên dung tích phòng lũ không lớn.
Theo tôi, việc xả lũ là bình thường bởi mưa xối xuống lưu vực, nước chứa đầy hồ đương nhiên phải xả, bởi không chảy xuống lưu vực thì nước đi đâu? Không lẽ chảy ngược lên trời. Vấn đề là phải xả đúng, nếu xả lũ sai quy trình chỉ làm nghiêm trọng hơn cho tình hình hạ du.
* Thưa Phó Thủ tướng, vậy chúng ta rút kinh nghiệm gì qua tình hình mưa bão vừa qua?Một là rút kinh nghiệm ở hệ thống quan trắc. Khi chúng ta phải hứng chịu biến đổi khí hậu, có tình trạng mưa cục bộ, mưa cực đoan và thế giới cũng phải công nhận dự báo thời tiết thì dự báo mưa là khó nhất. Chính phủ đã chỉ đạo đầu tư tăng dày những trạm quan trắc. Các hồ mặc dù vận hành đúng quy trình, nhưng hiệu quả cắt lũ chưa cao.
Do đặc điểm địa hình dung tích cắt lũ không lớn, nên không cắt lũ nhiều được. Khi cắt lũ thì quan trọng nhất là dự báo chính xác đỉnh lũ về lúc nào vì quan trọng phải cắt lũ đúng đỉnh, nếu không hiệu quả sẽ thấp mặc dù không làm trầm trọng thêm hạ du, nhưng không phát huy được hết năng lực cắt lũ.
Hai là, tiếp tục theo dõi việc thực hiện các hồ chứa để thấy những bất hợp lý và điều chỉnh. Vì không có quy trình nào được coi là bất di bất dịch và phải xây dựng trên cơ sở các tính toán về kỹ thuật và có thể ra thực tiễn chưa phản ánh hết được cần tính toán lại.
Ba là, vấn đề thông tin mưa lũ rất quan trọng. Tôi đi kiểm tra xuống tận xã và biết người dân được thông báo đã đi sơ tán bởi khi lũ về chỉ một lúc là nước dâng trên cả đầu người. Người dân sau khi có thông báo đã tự giác sơ tán. Tuy vậy, vẫn có nơi người dân nói không biết có lũ. Phải hoàn thiện hệ thống thông tin về mưa bão lũ.
* Thưa Phó Thủ tướng, số người chết trong đợt áp thấp vừa qua vẫn nhiều, vậy đâu là nguyên nhân?Khi phân tích các trường hợp chết, tôi yêu cầu các địa phương làm rõ và biết khi lũ về siết vào ban đêm lại ít người chết nhất. Những vùng ngập sâu, lũ nặng lại không có người chết nhiều bằng những vùng ngập ít hơn, lũ nhẹ hơn. Chết sau lũ lại nhiều hơn vì khi lũ xuống, người dân đi làm đồng, nhặt cá, tôm, giúp đỡ nhau... Từ đó phải tăng cường tuyên truyền chống bão lũ và tăng cường công tác cộng đồng, đầu tư vào các hệ thống cơ sở hạ tầng. Vì rất nhiều đường cấp huyện, quốc lộ chưa bảo đảm yêu cầu chống lũ.
Đồng bào sơ tán chậm là không kịp đi vì ngập. Phải đầu tư những con đường cứu nạn, cứu hộ chống bão lũ. Cần điều chỉnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng, tránh tạo thành vật cản dòng lũ vì như vậy dòng lũ sẽ tìm đường mới để đi và đánh vào các vùng dân cư đang ổn định, trước đây chưa từng bị lũ. Tại Quảng Ngãi và Bình Định đã xảy ra vấn đề này. Chúng ta đang ở thời kỳ biến đổi khí hậu, nên những tính toán thoát lũ trước đây không còn phù hợp nữa, cần thay đổi. Phải đánh giá đúng tình hình mưa lũ để sơ tán dân cho phù hợp.
*Vậy theo Phó Thủ tướng có nên đình chỉ những công trình thủy điện không hợp lý?Chúng ta phải rà soát và đình chỉ các công trình không hợp lý. Ban hành các quy trình liên hồ chứa mùa lũ và mùa cạn. Phải đặt ra các giải pháp và các thủy điện phải bảo đảm môi trường, cung cấp nước và Chính phủ sẽ chỉ đạo xử lý những thông số tài chính liên quan vì phải đặt mục tiêu bền vững lên trên hết. Không vì lợi ích tài chính mà để ảnh hưởng đến hạ du, sẽ không phát triển bền vững.
* Trong thời gian tới, vấn đề quy hoạch các thủy điện thế nào để hạn chế thiệt hại cho người dân thưa Phó Thủ tướng?Chính phủ chịu trách nhiệm đầu tiên và Chính phủ đã rà soát, loại bỏ hơn 400 dự án thủy điện. Chính phủ sẽ đánh giá từ các nhà tư vấn, trước hết phải xem nhà tư vấn nào làm chất lượng thấp và loại. Năng lực của các địa phương như thế nào và cơ quan quản lý Nhà nước cấp bộ như Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp…
Thủ tướng trực tiếp phê duyệt các dự án hạng A, trước đây Thủ tướng chỉ phê duyệt dự án quan trọng, nhưng giờ Thủ tướng sẽ duyệt và thành lập Hội đồng để đánh giá và phê duyệt. Hạng B, C cũng vậy và sẽ phải làm kỹ hơn. Các dự án còn lại vẫn phải rà soát, thấy không cần thiết phải dừng.
* Xin cám ơn Phó Thủ tướng!Xuân Minh (
ghi)