Đây là nội dung Công văn số 5392/BTNMT-KSONMT vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi các cơ quan Trung ương, địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Thực hiện quy định tại Khoản 5, Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Công văn số 9368/BTNMT-CTRSH ngày 3/11/2023 hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Theo đó, Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt đưa ra nhận diện tối đa chủng loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân theo nguyên tắc quy định tại Khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường, gồm: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác để các địa phương triển khai thực hiện phân loại chậm nhất là ngày 31/12/2024.
Để hỗ trợ công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các tổ chức, cá nhân liên quan xây dựng thông tin, tài liệu phục vụ công tác truyền thông, phổ biến kiến thức, tuyên truyền pháp luật. Bộ gửi đến các cơ quan, tổ chức bộ thông tin, tài liệu tuyên truyền phục vụ công tác truyền thông, tuyên truyền về phân loại chất thải rắn sinh hoạt gồm: Bộ nhận diện chất thải rắn sinh hoạt; Phim hoạt hình hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt; Phóng sự về công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại một số địa phương.
Triển khai Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng dự thảo Thông tư Quy định về quy trình kỹ thuật và Thông tư ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Đặc biệt, từ đầu năm 2024, Bộ đã khẩn trương làm việc với các Sở Tài nguyên và Môi trường đồng loạt tổ chức khảo sát, kiểm chứng hai dự thảo với sự tham gia của gần 20 chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành. Bộ cũng xin ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân trên phạm vi toàn quốc.
Theo đó, dự thảo 2 Thông tư đã quy định 24 quy trình kỹ thuật và chi tiết các định mức kinh tế - kỹ thuật tương ứng trong việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại; vận hành trạm trung chuyển, trạm phân loại; xử lý chất thải rắn sinh hoạt; công tác khác. Tuy nhiên, dự thảo 2 Thông tư không bao gồm quy trình kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật vệ sinh đô thị, nông thôn (quét, vệ sinh đường giao thông; thu vớt rác, vớt bèo trên kênh, rạch, sông, ven biển; tưới nước, rửa đường; xử lý phân bùn, bể phốt; vận hành nhà vệ sinh công cộng) vì chưa có đủ căn cứ để xây dựng ngay trong giai đoạn này.