Chậm chuyển cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội đô
Chất vấn Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH&KT) Hà Nội Nguyễn Trúc Anh, các đại biểu đề nghị làm rõ nguyên nhân chậm quy hoạch sông Hồng và sông Đuống, quy hoạch phân khu nội đô và vì sao chậm di chuyển cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội đô.
Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở QH&KT Nguyễn Trúc Anh cho biết, quy hoạch phân khu 2 bên sông Hồng đã được lập 3 năm nay, sau quyết định của Thủ tướng về quy hoạch phòng lũ sông Hồng là hành lang pháp lý rõ ràng về vấn đề này. Song theo Luật Đê điều, Hà Nội lại phải lập quy hoạch chi tiết các sông có tuyến đê. Quy hoạch chi tiết này được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thực hiện nhưng đang vướng vì chưa cụ thể về quy hoạch phòng chống lũ chi tiết các tuyến sông có đê.
Viện Quy hoạch Hà Nội đã triển khai ở sông Hồng và sông Đuống; Sở QH&KT đã rà soát lại mọi quá trình pháp lý và thực hiện đủ các bước. Song Bộ NN &PTNT nắm toàn bộ về các vấn đề các công trình ngoài đê nên Hà Nội đang xin ý kiến Bộ về vấn đề này.
“Còn về quy hoạch phân khu H1 (Phân khu H1 - A, B, C là khu vực quận Hoàn Kiếm, H1-2 là của quận Ba Đình, khu H1-3 là quận Đống Đa, H1-4 là quận Hai Bà Trưng). Với 4 quận nội thành này, có một vấn đề vướng mà không thể phê duyệt được là câu chuyện “con gà quả trứng”: Điều kiện Bộ Xây dựng đưa ra là phải phê duyệt được quy chuẩn địa phương của 4 quận nội thành, nhưng quy chuẩn này ra điều kiện là không được thấp hơn quy chuẩn quốc gia”, Giám đốc Sở QH&KT Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cho biết.
Liên quan việc di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường không phù hợp với quy hoạch ra khỏi nội đô theo Quyết định 130 của Thủ tướng Chính phủ hiện nay còn chậm, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Nguyễn Trọng Đông cho biết, Thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, TP đã ban hành quyết định số 74/2003 về việc di dời. Đến nay TP đã xử lý triệt để 25 cơ sở ô nhiễm môi trường, di dời 67 cơ sở sản xuất ra các khu, cụm công nghiệp ngoại thành hoặc tỉnh lân cận.
Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở và các đơn vị liên quan rà soát, xây dựng danh mục các cơ sở tiếp tục phải di dời báo cáo Thành uỷ, UBND thành phố và kỳ họp tới sẽ báo cáo danh mục này.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã giao các Bộ, ngành xây dựng quy chế về di dời nhưng chưa hoàn thành. Tâm lý các cơ sở cũng ngại di dời vì người lao động ngại đi xa; năng lực tài chính của các đơn vị để đảm bảo sản xuất, xây dựng mới cũng còn khó khăn. Trong khi đó, Nhà nước chưa có nguồn kinh phí hỗ trợ đơn vị di dời.
Thời gian tới, Sở TN&MT cùng các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục rà soát hơn 100 cơ sở sản xuất. Cơ bản các đơn vị cũng thống nhất di dời. Đề nghị TP bố trí kinh phí xây dựng các khu, cụm công nghiệp; Chính phủ và các bộ, ngành trung ương cần sớm ban hành chính sách hỗ trợ các đơn vị phải di dời.
Tăng cường quản lý nhóm trẻ ngoài tư thục
Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) Chử Xuân Dũng cho biết: Các đại biểu HĐND quan tâm khá nhiều đến công tác quản lý lớp mẫu giáo mầm non tư thục. Việc một số nhóm trẻ lớp mẫu giáo độc lập tư thục vẫn thuê địa điểm nhà dân, chung cư để triển khai quản lý và tổ chức hoạt động nhóm trẻ là do khu vực đó hệ thống trường mầm non công lập chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Bên cạnh đó, người dân cũng mong muốn con đi học ở nơi phù hợp về thời gian, khoảng cách. Các nhóm trẻ thường phục vụ cho học sinh và các cháu địa bàn lân cận, phần lớn số học sinh thường biến động. Đây chính là lý do mà các chủ đầu tư không muốn đầu tư và định hướng lâu dài mà chủ yếu tận dụng thuê lại các phòng học, nhà chung cư, tập thể.
Về trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước, Sở GD- ĐT Hà Nội lấy năm học 2019-2020 với chủ đề đối với cấp học mầm non là tăng cường quản lý nhà nước, chấp hành quy định của pháp luật, kỷ cương trong quản lý của nhóm trẻ, các lớp mẫu giáo mầm non, tư thục, toàn ngành thực hiện phương châm sâu sát cơ sở, kỷ cương trong thực chất và đánh giá.
Sở GD-ĐT cũng đẩy mạnh sự phối hợp với các địa phương bởi 30 quận huyện thị xã đang quản lý số lượng trường rất lớn, theo tính toán chiếm khoảng 91,7% số các trường học trên toàn địa bàn thành phố nên cần có sự vào cuộc của lãnh đạo các địa phương. Đầu năm học, Sở cũng có gửi đánh giá tổng quát công tác quản lý của địa phương đến các bí thư, chủ tịch quận, huyện để nắm bắt, phối hợp với ngành.
Sở cũng tăng cường công tác kiểm tra giám sát của các cấp, hậu kiểm tra cấp phép, sau cấp phép đối với các cơ sở giao dục mầm non và kiên quyết xử lý các vi phạm theo thẩm quyền. Thời gian qua, Sở đã kiểm tra được 1090 nhóm trẻ mẫu giáo độc lập tư thục trên tổng số 2.678 nhóm trẻ. Trong số 2.678 nhóm trẻ này, đã có 2.669 nhóm trẻ được cấp phép hoạt động và 9 nhóm trẻ hiện nay đang trong quá trình tuyên truyền, vận động; 9 nhóm trẻ này liên quan đến vấn đề tôn giáo địa phương trong đó huyện Mỹ Đức có 6 nhóm trẻ, thị xã Sơn Tây, huyện Hoài Đức, quận Đống Đa mỗi nơi có 1 nhóm trẻ.
“Tại kỳ họp HĐND lần trước, theo báo cáo có 558 nhóm trẻ có sĩ số vượt quy định thì hiện nay đã giảm được 114 nhóm trẻ, chấm dứt tình trạng giáo viên phụ trách lớp không có trình độ chuyên môn. Chúng tôi tiếp tục có giải pháp cụ thể cùng địa phương có giảm sĩ số học sinh, xử lý đình chỉ giải thể 66 nhóm trẻ, xử phạt 55 nhóm trẻ trong công tác kiểm tra, thanh tra”, ông Chử Xuân Dũng cho biết.