Phát triển y tế trong xây dựng nông thôn mới

Nam Định là tỉnh đi đầu cả nước trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Trong đó, ngành y tế Nam Định đã nỗ lực đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị hiện đại, nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.

Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM), có tiêu chí 15 quy định tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đạt 70% và y tế xã phải đạt chuẩn quốc gia.

Khuyến khích người dân tham gia BHYT

Từ năm 2011, tỉnh Nam Định triển khai xây dựng NTM ở các xã, các huyện trên địa bàn, vì vậy nhiệm vụ đặt ra cho ngành y tế rất nặng nề và khó khăn.
Tuy nhiên, để hoàn thành chỉ tiêu về y tế, ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho các cơ sở y tế, trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia, thì chính quyền huyện và xã phải tiến hành hỗ trợ toàn bộ kinh phí cho người dân đóng BHYT. Sở Y tế cũng tăng cường phối hợp với Sở Giáo dục & Đào tạo để tuyên truyền, vận động, giới thiệu trong các trường học để giáo viên và học sinh mua BHYT.

Gắn với chương trình xây dựng NTM, các cơ sở y tế trên địa bàn Nam Định được đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu khám, chữa trị bệnh cho nhân dân.


Bà Bùi Thị Minh Thu, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nam Định cho rằng: “Người dân thường có suy nghĩ, tham gia BHYT lúc đi khám và chữa bệnh sẽ không được phục vụ, chăm sóc nhiệt tình và thuốc bảo hiểm không tốt. Vì vậy, người dân không mặn mà với việc tham gia đóng BHYT tự nguyện. Ở Nam Định, trước đây ngoài các đối tượng chính sách như hưu trí, hộ nghèo, cận nghèo được cấp miễn phí thẻ BHYT thì số người tham gia tự nguyện rất ít. Để nhân dân tin tưởng và tham gia BHYT tự nguyện thì phải cải thiện chất lượng các dịch vụ khám, chữa bệnh; đội ngũ y bác sỹ cần nâng cao trình độ chuyên môn, thay đổi cách ứng xử với người bệnh, phải nhiệt tình, niềm nở và làm việc có trách nhiệm”.

Thực hiện nhiệm vụ góp phần xây dựng NTM, ngành y tế Nam Định đã tập trung lãnh đạo và chỉ đạo tổ chức tốt các hoạt động thông tin, tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, chính sách và cách thức tiến hành tới các đơn vị trong toàn ngành. Đặc biệt, quán triệt sâu rộng trong đội ngũ thầy thuốc và nhân viên y tế cần đề cao nguyên tắc ứng xử với người bệnh, với người nhà bệnh nhân, đúng với tinh thần của ngành “Lương y như từ mẫu”; không phân biệt bệnh nhân đóng BHYT và bệnh nhân thường, các loại thuốc trong danh mục BHYT phải đảm bảo và đầy đủ. Đồng thời, Sở Y tế đã tham mưu với UBND tỉnh và các huyện đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, trang bị máy móc hiện đại và áp dụng công nghệ thông tin vào khám bệnh; tuyên truyền cho người dân hiểu về lợi ích khi tham gia BHYT.

Bà Bùi Thị Minh Thu cho biết: Đa số trạm y tế trên địa bàn tỉnh Nam Định chưa đảm bảo các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, thiết bị cận lâm sàng và hệ thống xử lý chất thải y tế, một số trạm vẫn chưa có biên chế bác sỹ và cán bộ làm công tác y học cổ truyền. Người dân tham gia BHYT tự nguyện còn thấp, trong khi BHYT bắt buộc ở vùng nông thôn không nhiều, chỉ đạt trên 58%, vì vậy tỷ lệ đề ra là 70% trở lên cho giai đoạn 2011 - 2015 là khó thực hiện. Tuy nhiên, ngành y tế đã nỗ lực, cố gắng phấn đấu để đạt được những kết quả đáng khích lệ, ở thời điểm này đã có 42 xã trên tổng 96 xã đạt chuẩn quốc gia về trạm y tế và toàn tỉnh có 60% số người dân tham gia BHYT. Nhiều xã đã được công nhân là xã NTM, trong đó tiêu chí về y tế xác định là khó nhưng cũng đã đạt yêu cầu. Nhờ vào chương trình xây dựng NTM nên ngành y tế mới có cơ sở hạ tầng hoàn thiện, trang thiết bị đồng bộ và hiện đại.

Hiệu quả từ y tế cơ sở

Về Bệnh viện đa khoa huyện Hải Hậu (Nam Định) những ngày cuối năm, cán bộ y bác sỹ các phòng ban đều bận rộn khám, cấp thuốc và chữa trị cho bệnh nhân. Tại phòng chờ, ông Nguyễn Đăng Quynh, 70 tuổi ở xã Hải Tây, huyện Hải Hậu đang ngồi đợi người nhà đến đón. Tôi hỏi về công tác chăm sóc, phục vụ, cấp thuốc của bệnh viện thế nào? Ông Quynh cười tươi và chỉ tay vào gói thuốc tây nói: “Tôi bị bệnh sỏi thận, đến đây siêu âm và chụp có thẻ bảo hiểm nên không mất tiền, được cấp thuốc đầy đủ. Trước đây, tôi đến khám thì thấy các nhân viên và y bác sỹ có thái độ cáu gắt, không chu đáo, nhưng vài năm trở lại đây thì thấy hướng dẫn niềm nở, vui vẻ và tôn trọng bệnh nhân”.

Tại Bệnh viện đa khoa huyện Hải Hậu (Nam Định), nhân viên y tế hướng dẫn bệnh nhân nhiệt tình, niềm nở và chu đáo.


Bác sỹ Nguyễn Đình Triệu, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hải Hậu cho biết: “Quy mô bệnh viện chỉ có 300 giường bệnh, nhưng thực chất phải kê lên 389 giường. Nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân, không để người bệnh phải chờ, bệnh viện đã bổ sung thêm bàn khám như: Bàn khám nhi, bàn khám nội, bàn khám tiểu đường… Đồng thời, bệnh viện cũng được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và trang thiết bị đồng bộ, hiện đại, đủ mọi điều kiện để chữa trị bệnh cho nhân dân”.

Theo thống kê của Bệnh viện đa khoa Hải Hậu, tính từ đầu năm đến tháng 10/2014 có gần 81.000 người đến khám, trong đó số người có BHYT là trên 60.000; bệnh nhân điều trị nội trú là gần 22.000 người (BHYT là 18.000 người); kinh phí thu khoảng 36 tỷ đồng, trong đó tiền thu từ nguồn BHYT trên 29 tỷ đồng. Ông Nguyễn Đình Triệu nói: “Từ khi huyện Hải Hậu triển khai xây dựng NTM thì số người đóng BHYT đến khám tăng đột biến, bệnh viện phải bố trí nhân viên hướng dẫn và triển khai xếp hàng tự động, bố trí cấp thuốc trong danh mục bảo hiểm đầy đủ, không để người dân phải ra ngoài mua”.

Ông Đỗ Văn Vận, Giám đốc Trung tâm y tế Hải Hậu cho biết: Hiện nay huyện Hải Hậu có gần 175.000 người tham gia BHYT (chiếm 68%), phấn đấu hết năm 2014 sẽ đạt 70%, trong đó có 23 xã đạt trên 70%; về trạm y tế đã có 34/35 xã, phường của huyện đạt chuẩn quốc gia. Các cấp chính quyền từ huyện đến xã, về các thôn đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT để được hưởng lợi ích, mục đích hoàn thành chỉ tiêu xây dựng NTM của xã và huyện. Các cơ sở y tế cũng đã chú trọng và ưu tiên cho bệnh nhân có BHYT, trước người bệnh có BHYT không được chụp cắt lớp thì nay đã thực hiện.

Trạm y tế xã Hải Vân (Hải Hậu) được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp, hai tầng có 14 phòng chức năng, 15 giường bệnh và được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Theo như lời của trạm phó, y sỹ Nguyễn Thị Thủy thì người dân rất phấn khởi, yên tâm vì được chăm sóc sức khỏe chu đáo, đầy đủ. Cán bộ và y bác sỹ trạm y tế xã luân phiên trực cả đêm để phục vụ nhân dân.

Bài và ảnh: Việt Hoàng
Khó thực hiện tiêu chí nông thôn mới về môi trường
Khó thực hiện tiêu chí nông thôn mới về môi trường

Trong các tiêu chí của xây dựng nông thôn mới, tiêu chí thứ 17 về môi trường là một trong những tiêu chí mà tỉnh Cao Bằng, cũng như một số tỉnh miền núi khác, khó thực hiện được.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN