Vấn đề đạo đức trong xã hội, mà đặc biệt là trong giới trẻ hiện nay là vấn đề rất đáng lo ngại, bởi họ là những chủ nhân tương lai của đất nước, là lớp người kế tục sự xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa trong thế hệ trẻ luôn được Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp quan tâm thực hiện bằng nhiều giải pháp, là một trong những nhiệm vụ quan trọng của sự nghiệp giáo dục ở các cấp học.
Tuy nhiên, vấn đề này trong thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Nhiều tổ chức, cá nhân chưa nhận thức đúng và đầy đủ tầm quan trọng của nhiệm vụ giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ, nhất là trong bối cảnh xã hội có nhiều thay đổi, nên chưa giải quyết thỏa đáng những vấn đề thực tiễn đặt ra. Vai trò, trách nhiệm, sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, gia đình và xã hội trong việc chăm lo, giáo dục thế hệ trẻ chưa được chặt chẽ. Ngoài ra, nội dung, hình thức dạy và học các môn lý luận chính trị, giáo dục công dân, giáo dục đạo đức, lối sống chưa thật sự phát huy tác dụng.
Kết quả thống kê của Công an tỉnh Vĩnh Long, từ năm 2011-2015, toàn tỉnh xảy ra 355 vụ học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật với 439 đối tượng, trong đó chủ yếu là vi phạm an toàn giao thông, trộm cắp, gây rối trật tự công cộng, giao cấu với trẻ em, tiêm chích ma túy, sử dụng ma túy đá... Riêng 9 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh xảy ra 25 vụ do học sinh, sinh viên vi phạm với 27 đối tượng.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung làm rõ nguyên nhân vì sao ngày nay giới trẻ được quan tâm nhiều hơn, có điều kiện nhiều hơn, nhưng tỷ lệ giới trẻ vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật ngày càng nhiều; phân tích làm rõ tác động của truyền thông, các loại hình văn hóa - nghệ thuật đối với việc hình thành nhân cách đạo đức của học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chia sẽ những kinh nghiệm, bài học có giá trị về việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên; sự phối hợp giữa 3 môi trường gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục, rèn luyện đạo đức; đề xuất những giải pháp tăng cường công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên trong giai đoạn hiện nay.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Long Phạm Văn Hồng cho rằng, mỗi nhà trường cần xây dựng và tổ chức thực hiện tốt quy tắc ứng xử văn hóa cho học sinh và cán bộ, nhà giáo; đẩy mạnh việc giáo dục kĩ năng sống, văn hóa truyền thống cho học sinh; đổi mới phương pháp giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh cả ở trong chương trình chính khóa và hoạt động ngoại khóa. Bài giảng về giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh cần sinh động, hấp dẫn, thiết thực, chú trọng việc thực hành vận dụng trong cuộc sống.
Các hoạt động giáo dục ngoại khóa phải đa dạng, phong phú, phù hợp với đặc điểm và nhu cầu của học sinh, cuốn hút học sinh tham gia. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác quản lý giáo dục thanh thiếu niên trên địa bàn, đặc biệt là các đối tượng đã bỏ học, chưa có việc làm ổn định hoặc có hành vi lôi kéo học sinh tham gia các tệ nạn xã hội. Gia đình cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc giáo dục con cái và luôn quan tâm chăm sóc, động viên con em kịp thời.
Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Long Trương Văn Sáu nhấn mạnh: Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài, quan trọng và đòi hỏi phải có sự quan tâm, đầu tư xứng đáng. Để phát huy sức mạnh đoàn kết của toàn xã hội thực hiện tốt mục tiêu giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho học sinh sinh viên, ông Trương Văn Sáu đề nghị kết hợp tốt 3 môi trường giáo dục nhà trường, gia đình, xã hội và giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho học sinh, sinh viên theo tinh thần Chỉ thị 42 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030.
Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu, là tấm gương tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ. Các ngành, các cấp triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý xã hội trên các lĩnh vực, trong đó quan tâm tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, gương người tốt việc tốt. Ngành giáo dục khắc phục triệt để các hiện tượng tiêu cực như bạo lực học đường, thầy cô vi phạm đạo đức nghề nghiệp, đạo đức lối sống… Các cấp ủy đảng, chính quyền nên định kỳ gặp gỡ, đối thoại, định hướng tư tưởng, giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng chính đáng và chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho thế hệ trẻ.