Rất đông người đến xếp hàng chờ để đăng ký khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy (sáng 7/7/2017). Ảnh: Phương Vy/TTXVN |
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Thực hiện Quyết định số 92/QĐ-TTg ngày 09/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Giảm quá tải bệnh viện, Bộ Y tế đã tích cực tổ chức triển khai, chỉ đạo, xây dựng văn bản, chính sách hỗ trợ thực hiện giảm quá tải bệnh viện. Đến nay, sau 5 năm thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm tải bệnh viện đã đạt được những kết quả bước đầu, hầu hết các mục tiêu của Đề án đã được thực hiện đúng tiến độ; tình trạng quá tải bệnh viện đang từng bước được giải quyết, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.
*
Giảm trung bình 48,5 phút/lượt khám
Theo báo cáo của Bộ Y tế, sau 5 năm thực hiện Đề án giảm quá tải Bệnh viện giai đoạn 2015-2017, tại khu vực ngoại trú, quy trình khám bệnh đã giảm từ 12 - 14 bước xuống còn 4 - 8 bước tùy theo loại hình khám bệnh; giảm trung bình 48,5 phút/lượt khám bệnh, tiết kiệm được trung bình 27,2 triệu ngày công lao động/ năm cho xã hội.
Để giảm quá tải khu vực nội trú, ngành y tế đã xây dựng, cải tạo và mở rộng được nhiều bệnh viện, tăng tỷ lệ giường bệnh/vạn dân. Cụ thể như: Tỷ lệ giường bệnh thực kê/vạn dân năm 2012 là 24,7 giường bệnh/ vạn dân, năm 2015 là 31,4 giường/vạn dân và đến tháng 12/2016 là 32,7 giường bệnh/ vạn dân (đạt chỉ tiêu đề ra tại Quyết định số 30/2008/QĐ-TTg ngày 22/2/2008 của Thủ tướng Chính phủ). Đặc biệt, tình trạng quá tải khu vực điều trị nội trú đang từng bước được khống chế; 37/39 bệnh viện tuyến Trung ương đã ký cam kết không để người bệnh nằm ghép trong thời gian 24- 48 giờ từ khi nhập viện. Tình trạng nằm ghép tại các bệnh viện đã giảm nhiều. Năm 2012, tình trạng nằm ghép ở bệnh viện tuyến Trung ương là 58%, tuyến tuyến tỉnh là 47%; năm 2016, tỷ lệ bệnh viện có tình trạng nằm ghép từ 2 người trở lên trên 1 giường bệnh chỉ chiếm 16,7% ở tuyến Trung ương và 11,4% ở tuyến tỉnh.
Đồng thời, công suất sử dụng giường bệnh của bệnh viện tuyến Trung ương giảm và công suất sử dụng giường bệnh của bệnh viện tuyến huyện tăng. Cụ thể là: 63% số bệnh viện tuyến trung ương đang có xu hướng giảm công suất sử dụng giường bệnh, 25% số bệnh viện tuyến huyện có xu hướng tăng công suất sử dụng giường bệnh.
Bên cạnh đó, để giảm tỷ lệ chuyển tuyến từ tuyến dưới lên tuyến trên, Bộ Y tế đã phát triển và duy trì hiệu quả hoạt động của mạng lưới bệnh viện vệ tinh bao gồm 17 bệnh viện hạt nhân, 75 bệnh viện vệ tinh là các bệnh viện tuyến tỉnh. Đồng thời, ngành y tế đã duy trì tích cực công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên luân chuyển cán bộ với 386 lớp đào tạo, chuyển giao cho 7.051 cán bộ được 791 kỹ thuật... Nhờ vậy, tỷ lệ chuyển tuyến đã giảm từ 73- 99% theo các chuyên khoa, cụ thể như: Tim mạch giảm tới 98,5%; ung thư giảm 97%; ngoại khoa giảm 98,5%; sản khoa giảm tới 99%; nhi khoa giảm 73% so với trước khi triển khai mô hình bệnh viện vệ tinh.
* Phấn đấu đến năm 2020 không còn quá tải bệnh viện
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã tập trung thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp đề ra. Trong đó có nhóm giải pháp đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng bệnh viện để tăng thêm giường bệnh cho các chuyên khoa ung bướu, ngoại - chấn thương, tim mạch, sản và nhi; thành lập và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh. Bên cạnh đó, ngành thí điểm xây dựng mô hình phòng khám bác sĩ gia đình; tiếp tục củng cố và hoàn thiện mạng lưới trạm y tế xã trong cả nước; tăng cường đầu tư, xây dựng để các trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia theo quy định, gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh các hoạt động y tế dự phòng; tăng cường công tác quản lý và nâng cao toàn diện chất lượng bệnh viện; xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách; thông tin, truyền thông.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra kết quả việc giảm quá tải nhờ xây dựng cơ sở 3 Tân Triều của Bệnh viện K Trung ương. Bệnh viện Tân Triều có quy mô 1.000 giường, trang thiết bị hiện đại. Ảnh: Dương Ngọc/ TTXVN |
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: Tình trạng quá tải bệnh viện nhìn chung có giảm, tuy nhiên, số lượt điều trị nội trú và ngày điều trị trung bình tại tuyến tỉnh, tuyến huyện lại có xu hướng gia tăng; tình trạng quá tải ở tuyến trung ương vẫn diễn ra ở một vài bệnh viện lớn (2/39 bệnh viện chưa ký cam kết không để người bệnh nằm ghép).
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do số người tham gia bảo hiểm y tế gia tăng nhanh, tần suất sử dụng dịch vụ y tế có xu hướng tăng qua các năm (trung bình 2 lượt khám chữa bệnh/thẻ/năm). Các bệnh viện tuyến huyện chủ yếu phục vụ người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế. Đồng thời, qui định về thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tuyến huyện dẫn đến tăng số lượt bệnh nhân sử dụng dịch vụ y tế tại các tuyến, đặc biệt là tuyến huyện. Ngoài ra, nhiều bệnh nhẹ có thể điều trị tại tuyến dưới nhưng người dân vẫn muốn lên tuyến trên gây nên tình trạng quá tải. Mô hình bệnh tật thay đổi, gia tăng tỷ lệ các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch huyết áp, tiểu đường…
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, nhân lực y tế không theo kịp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe. Cơ chế tài chính bệnh viện thay đổi, phí dịch vụ khám chữa bệnh hiện nay bao gồm chi lương, phụ cấp… Số giường bệnh thực kê tăng nhanh nhưng không song hành với tăng nhân lực để đảm bảo cung cấp dịch vụ có chất lượng tương ứng với nhu cầu điều trị gia tăng.
Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế về tránh nằm ghép, các bệnh viện buộc phải tận dụng không gian còn trống kê thêm giường để người bệnh không phải nằm ghép như hàng lang, hội trường, dồn phòng làm việc của nhân viên... Ngoài ra, việc ký hợp đồng lao động đối với cơ sở y tế ở địa phương là vấn đề rất phức tạp, chưa có cơ chế ký hợp đồng làm chuyên môn, việc chấm dứt hợp đồng khi bệnh viện có số bệnh nhân thấp không có nguồn thu chi trả là vấn đề càng khó.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục thực hiện các giải pháp đã đề ra và phấn đấu đến năm 2020 về cơ bản không còn tình trạng quá tải bệnh viện. Cụ thể năm 2018, ngành y tế phấn đấu 100% bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến tỉnh, thành phố tại các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cam kết thực hiện chủ trương không để người bệnh nằm ghép từ 2 người trở lên sau 24-48 giờ nhập viện; 100% các tỉnh đều có bệnh viện tuyến tỉnh tham gia trong Đề án bệnh viện vệ tinh và được chuyển giao kỹ thuật theo nhu cầu thực tế của địa phương. Năm 2020, ngành y tế phấn đấu không còn tình trạng quá tải bệnh viện (đạt mục tiêu đề ra của Đề án giảm quá tải bệnh viện).