Thực tế này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu hạ tầng đường bộ, mất an toàn giao thông (ATGT), làm xấu đến cảnh quan địa phương và khiến dư luận bức xúc.
Từ xây dựng công trình kiên cố trên hành lang ATGT Theo ghi nhận của phóng viên, việc vi phạm hành lang ATGT đang diễn ra tại nhiều vị trí trên QL6, đoạn qua thị trấn Mộc Châu. Nghiêm trọng nhất là tại Km 186, nơi có cống thoát nước ngang đường chống ngập úng cho thị trấn, gồm toàn bộ hệ thống nước từ tiểu khu 77, Tiểu khu Nhà Nghỉ chạy song song với QL43 đều được dồn về đây. Chính vì thế, tại đây có kè tà luy âm chống sạt lở núi và hơn 100 mét hộ lan cứng được xây dựng kiên cố để đảm bảo ATGT.
Km 186 trước khi được san lấp. |
Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, tại hai đầu của cống thoát nước qua vị trí này đều đã bị người dân lấp và xây dựng công trình kiên cố. Đầu phía trên người dân đã tự ý tháo dỡ cột tiêu và đổ bê tông lên miệng cống, phía bên dưới một hệ thống kè kiên cố được người dân san lấp, dựng lên, dài hơn 100 m, sâu khoảng 40 m.
Km 186 sau khi được san lấp. |
Việc nhiều hộ dân tự ý đổ đất, đá san lập mặt bằng tại Km 186 - QL6 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu hạ tầng đường bộ, khiến hệ thống thoát nước trên tuyến kém, gây nên tình trạng ngập úng, nước tràn ra đường trên QL43 cách đó vài trăm mét (trước cửa khách sạn Mường Thanh đang xây dựng). Trong đợt mưa tháng 9 vừa qua, mặc dù lượng mưa chưa không lớn, nhưng nước vẫn tràn qua đường, gây khó khăn và mất ATGT cho các phương tiện qua lại. Ngoài ra, nguy cơ hỏng đường là rất lớn, nếu không được xử lý sớm, vì hàng ngày có hàng trăm lượt xe tải chở đất đá chạy qua chạy lại tại khu vực này, gây ô nhiễm môi trường, làm vương vãi đất bùn, khiến mặt đường lầy lội mỗi khi trời mưa và bụi bặm khi trời nắng.
Tại Km 185+300 hoạt động khai thác đá trái phép diễn ra hơn 1 năm nay nhưng không bị xử lý. |
Anh Tuấn Hưởng, một người dân sống ngay gần điểm vi phạm cho biết: “Gia đình tôi quá khổ với hành vi lấp cống thoát nước này. Từ khi họ lấp cống thoát nước, mỗi khi trời mưa là nước lại ngập tràn cả một quãng đường dài hàng mấy trăm mét. Có hôm nước ngập cao quá gây tắc đường, đã có vài vụ tai nạn xảy ra tại đây do nước thoát kịp…”.
Đến đua nhau phá núi đá lấy mặt bằngKhông chỉ san lấp mặt bằng, mà trên QL6, QL43 khu vực xung quanh hai thị trấn Nông Trường, Mộc Châu, không ít người dân còn mở đấu nối trái phép từ đường QL vào để phá núi lấy mặt bằng.
Km 184+900 đang bị phá đá lấy mặt bằng. |
Qua tìm hiểu thì được biết, từ khi Mộc Châu chính thức là điểm du lịch Quốc gia và khách sạn Mường Thanh được xây dựng, tại đây giá đất tăng lên chóng mặt, chính vì thế nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình đã bất chấp vi phạm và nguy hiểm mua lại những mảnh nương, đồi đá của người dân, sau đó thuê máy móc về phá núi lấy mặt bằng.
Xe tải chở đá khai thác trái phép tại Km 78 QL 43. |
Tại các vị trí Km184 +900, Km 185+300 (QL6), Km 78 (QL43), tình trạng người dân sử dụng máy móc và xe tải chở đất đá đang hoạt động rầm rộ mà không có cảnh báo ATGT cho người và phương tiện qua lại. Nguy hiểm hơn, khi mặt bằng được giải phóng, những ngồi nhà mọc lên bên dưới những vách núi dựng đứng, nó có thể sập xuống bất cứ lúc nào. Cơn bão số 2 vừa qua tại Km 186 + 500 đã có một ngôi nhà bị tảng đá to lấp gần một nửa ngôi nhà, rất may không có thiệt hại về người. Chứng kiến những cảnh này, khi được hỏi, đa phần những người dân sống ở những khu vực này đều tỏ ra bức xúc.
Xe chở đất đá san lấp mặt bằng tại Km 186. |
Bà Mai Thi, trú tại Tiểu khu 32, thị trấn Mộc Châu cho biết: “Ngôi nhà tôi đang ở xây mới được 2 năm nay, từ đầu năm tới giờ ngày nào họ cũng khoan đá, nổ mìn, tường nhà thì nứt, ô nhiễm khói bụi nghiêm trọng”. Còn anh Đức Linh, trú tại Tiểu Khu Bó Bun, thị trấn Nông Trường bức xúc: “Ngày nào chúng tôi cũng phải lo nơm nớp đá rơi vào đầu vì họ nổ mìn, đi dưới đường nhìn lên những tảng đá có thể lăn xuống đường bất cứ lúc nào, mà không thể yên tâm, chúng tôi đã gửi đơn thư tới chính quyền địa phương, nhưng chưa thấy xử lý”…
Cần có biện pháp mạnh để chấm dứt tình trạng trênNhững vi phạm về tình trạng san lấp mặt bằng, phá núi lấy mặt bằng như trên đang diễn ra công khai, trong thời gian dài, nhưng không bị ngăn chặn, đã và đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tin của người dân đối với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng.
Km 184 tiềm ẩn nguy cơ đá lăn mất an toàn giao thông. |
Ông Phạm Văn Toản, Chi cục trưởng Chi cục quản lý đường bộ I.1 (Tổng cụ Đường bộ Việt Nam) cho biết: Quan điểm của Chi cục là giải quyết đến cùng những trường hợp vi phạm, nhưng nếu chỉ riêng phía Chi cục thì rất khó để chấm dứt được tình trạng này. Chi cục đã có công văn gửi sang UBND huyện Mộc Châu, yêu cầu phối hợp cưỡng chế những trường hợp vi phạm, nhưng đến nay vẫn đang phải… chờ…
Qua tìm hiểu, những điểm vi phạm nêu trên đều nằm trên những đoạn đường đông dân cư, trung tâm địa giới hành chính của hai thị trấn Mộc Châu, Nông Trường. Vì vậy, tình trạng vi phạm hành lang ATGT đường bộ diễn ra ngàng nhiên mà chưa được xử lý là rất khó hiểu. Việc chính quyền địa phương và cơ quan quản lý đường bộ nhà nước chưa thực sự mạnh tay, kiên quyết xử lý vi phạm, nếu tiếp diễn sẽ tạo dư luận không tốt đến sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Thiết nghĩ, trong thời gian tới nếu tình trạng trên không được giải quyết triệt để, thì tình trạng coi thường pháp luật tại đây sẽ càng gia tăng, tác động tiêu cực tới dư luận.