Ổn định cuộc sống sau lũ

Đợt mưa lũ kéo dài từ ngày 19 - 21/7 do ảnh hưởng của cơn bão số 2 đã nhấn chìm gần 136 ha lúa mới gieo cấy, hàng chục ha ao cá của nông dân huyện Thuận Châu tỉnh Sơn La khiến cuộc sống của các hộ dân nơi đây vốn chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn.

 

Hai xã Thôn Mòn và Tông Lệnh huyện Thuận Châu nằm ở khu vực hạ lưu của các dòng sông, suối chảy qua, nhiều núi đá, ít đất bãi bằng, hạn hán, lũ lụt thường xuyên xảy ra. Những trận mưa lớn kéo dài với lượng mưa hơn 100mm đã làm cho mực nước ở dòng suối Muội và suối Nằm Nhộp dâng cao ở mức báo động, kéo theo hàng trăm ha lúa mới gieo cấy và hoa màu ven dòng suối bị ngập úng trong nhiều ngày liên tiếp.

 

Tuyến đường trên Quốc lộ 6 đoạn đi qua huyện Thuận Châu (Sơn La) bị tắc do sạt lở đất, đá vào đêm 19 và rạng sáng 20/7/2014.
Ảnh: Công Luật-TTXVN


Với gần 100 ha lúa bị mất trắng, Thôn Mòn là xã có diện tích lúa bị thiệt hại nhiều nhất huyện Thuận Châu. Ông Lò Văn Pản, người dân ở bản Nong Quang cho biết: “Nhà tôi có gần 3 sào lúa mới cấy được gần một tuần, đã bị nước ngập hết. Mặc dù nước đã rút nhưng lượng cát tràn vào ruộng vùi lấp quá nửa sào, muốn gieo cấy lại cũng khó vì phải đưa cát ra khỏi ruộng rồi mới cấy được”. Đang cặm cụi đắp lại bờ của hơn 1 sào ruộng khi nước sông rút đi để nhanh chóng cấy lại cho kịp thời vụ, ông Lò Văn Tỉnh, bản Ba Nhất chia sẻ: “Những người làm nông nghiệp như chúng tôi rất vất vả, cấy ở nơi khác thì không có nước cho lúa phát triển, cấy ở gần suối thì mưa lũ liên tục. Năm ngoái, tôi cấy cả sào ruộng, đến khi thu hoạch chỉ còn một nửa. Năm nay, có khi còn mất trắng vì lúa mới cấy mà bị ngập lâu ngày sẽ rất khó sống được”.


Ông Quàng Văn Vun, bản Nà Hày cho biết: Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa mưa, lũ dâng cao khiến các hộ dân ở đây bị thiệt hại nhiều. Nhiều năm do mưa lũ liên tục, người dân phải gieo đi gieo lại đến 5 lần mới được ăn. Gieo lại nhiều lần làm cho năng suất lúa giảm mạnh, cuối vụ người dân thu hoạch không còn được là bao. Người dân mong các cấp chính quyền sớm có kế hoạch xây kè ngăn nước ở đầu suối nhằm hạn chế dòng chảy của nước để có thể yên tâm sản xuất. Không chỉ có lúa bị nước lũ nhấn chìm mà hàng chục ha ao cá của người dân dọc ven suối cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Anh Quàng Văn Hùng, bản Nà Hày cho biết vừa thả 3 tạ cá giống được khoảng gần một tháng thì trận mưa lớn vừa qua khiến mực nước ao dâng cao, cá giống tràn ra ngoài hết, xót của nhưng cũng chẳng biết kêu ai.


Mặc dù đã chuẩn bị khá chu đáo để ứng phó với thiên tai song những thiệt hại của nông dân trong xã vẫn rất lớn. Nhiều hộ dân tìm cách vớt vát lại chút ít tài sản của mình bằng cách đi mua thóc giống ở nơi khác để gieo lại với hy vọng còn nước còn tát, tuy nhiên thời điểm này để mua được thóc giống là rất khan hiếm bởi hầu hết nông dân đã cấy xong từ lâu. Hơn nữa, những diện tích lúa ở trên cao còn có chút ít hy vọng để gieo cấy lại, còn những diện tích lúa ở sát với dòng suối hoàn toàn mất trắng, không có khả năng phục hồi bởi cát, bùn trào vào lấp hết mặt ruộng.


Ông Thào A Súa, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu cho biết: Với địa hình đặc thù thường xuyên phải hứng chịu nhiều thiệt hại do thiên tai gây ra, chính quyền địa phương đã cố gắng hết sức để hạn chế thiệt hại về người và gia súc, gia cầm; đồng thời giảm những thiệt hại do mưa lũ. Trước mắt huyện chỉ đạo các xã thống kê thiệt hại của người dân để UBND huyện sớm có phương án giúp đỡ người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống.


Công Luật

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN