Ô nhiễm nước ở Ngòi Lao, Phú Thọ

Gần một năm nay, hơn 1.200 hộ dân xã Mỹ Lung, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ, phải “gồng mình” sống cùng nguồn nước ở Ngòi Lao bị ô nhiễm nặng. Nguyên nhân là do hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, thi công làm đường, hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ tại địa bàn huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái (khu vực thượng lưu) gây ra.

 

Tại khu vực đập Ngòi Lao nước đỏ ngầu, đầy bùn đất.

 

Ông Lê Văn Lựu, ở khu 5, xã Mỹ Lung cho biết: Nguồn nước bị ô nhiễm đã gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày và cả sản xuất nông nghiệp. Trước đây với 3 sào lúa gia đình ông thu hoạch được khoảng 4 tạ lúa thì năm nay chỉ khoảng 2 tạ. Theo ông Lựu, nguồn nước ở Ngòi Lao chứa nhiều bùn, tạp chất xen lẫn những vết màu đen dầu mỡ của máy móc khiến năng suất lúa giảm sút. Thực tế cho thấy sự phát triển của cây lúa hai vụ gần đây cũng chậm hơn, năng suất giảm từ 30-40%.

 

Trước thực trạng này, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ đã kiểm tra thực tế nhằm đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường nước Ngòi Lao, qua đó xác định nguyên nhân là do hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản thuộc địa bàn huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, gây ra. Tỉnh Phú Thọ đã có văn bản gửi UBND tỉnh Yên Bái đề nghị xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm nước Ngòi Lao, đồng thời báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị tỉnh Yên Bái thực hiện giải pháp bảo vệ môi trường và chất lượng nước ở lưu vực sông, suối liên vùng, liên tỉnh. Tuy nhiên, đến nay tình trạng ô nhiễm vẫn không chấm dứt và có dấu hiệu gia tăng.

 

Theo ông Bùi Tiến Vỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Lập: Tháng 10/2013, Sở Tài nguyên và Môi trường hai tỉnh Phú Thọ, Yên Bái đã thống nhất các giải pháp khắc phục, nhưng đến nay tình trạng ô nhiễm không thuyên giảm mà còn có chiều hướng tăng thêm. Huyện Yên Lập mong muốn ô nhiễm tại Ngòi Lao phải được xử lý dứt điểm, đồng thời đơn vị khai thác phải nạo vét, thau rửa trả lại nguyên trạng Ngòi Lao.

 

Ông Trần Kim Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Lung cho biết: Ngòi Lao đang cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho 3 huyện Yên Lập, Cẩm Khê, Hạ Hòa. Tuy nhiên, hiện nay mức độ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khiến công tác tưới tiêu phục vụ nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Qua kiểm tra thực tế, nguồn nước ở Ngòi Lao có nồng độ oxi hòa tan thấp. Theo thông số chất hữu cơ COD là 36,4mg/l vượt 2,4 lần; BOD5 là 12mg/l vượt 2 lần; hàm lượng chất rắn lơ lửng là 55mg/l vượt 1,8 lần; hàm lượng amoni là 0,206mg/l vượt 1,03 lần. Trong lần kiểm tra gần đây nhất cho thấy các thông số này đã tăng lên với thông số BOD5 vượt từ 1,67 đến 3 lần; COD vượt từ 1,6 đến 3,2 lần; hàm lượng chất rắn lơ lửng vượt 2,27 đến 2,4 lần so với quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước mặt. Riêng thông số độ màu (Pt-Co) vượt 1,6 lần so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp.

 

Văn Toàn

Khắc phục ô nhiễm sông rạch tại TP. Hồ Chí Minh
Khắc phục ô nhiễm sông rạch tại TP. Hồ Chí Minh

Giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại TP Hồ Chí Minh được xác định là một trong 6 khâu đột phá của thành phố. Trong đó, việc khắc phục tình trạng ô nhiễm mặt nước, nguồn nước đối với hệ thống sông rạch là một trong những vấn đề hết sức bức thiết...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN