Do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có mưa vừa và to đến rất to kéo dài nhiều ngày đã gây thiệt hại nhiều về tài sản, hoa màu của người dân.
Tại huyện Hạ Hòa đã xảy ra tình trạng mưa lớn kéo dài gây ngập úng trên diện rộng. Mức nước trên báo động 3 và đang tiếp tục dâng cao trong sáng sớm 21/7. Nhiều diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại nặng, nhiều nhà cửa của các hộ dân chìm trong nước. Tại tuyến đê bao Đông Phạm thuộc xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa với chiều dài khoảng gần 1.000m đã bị tràn cao hơn từ 40 đến 50cm. Được biết, vào 10 giờ tối 20/7, tại tuyến đê bao này, lực lượng dân quân tự vệ và cán bộ xã đã tập trung nỗ lực đắp đê, xử lý.
Cũng tại xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa tình trạng ngập úng xảy ra nghiêm trọng. Nhiều khu vực đồng bãi, đường liên thôn, liên xã đã ngập trong biển nước. Có những nơi, nước dâng cao hơn 2 mét. Việc di dời tài sản, vật nuôi gặp rất nhiều khó khăn.
Hiện tại, hơn 20 hộ dân trên tổng số 70 hộ của khu 6 xã Hiền Lương đã phải di dời đến khu vực cao hơn. Nước lũ tràn vào nhà, có nơi ngập sâu khiến sinh hoạt của mọi người dân đảo lộn.
Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Hạ Hòa cho biết, đến 21 giờ ngày 20/7, mưa bão đã làm gần 1.500 ha lúa, hoa màu và cây ăn quả đã bị ngập úng; 282 hộ dân phải di dời do ngập và sạt lở, 744 hộ dọc hai bên sông Thao và các xã có ngòi tiêu lớn có nguy cơ bị ngập, sẵn sàng di dời người và tài sản.
Nhiều tuyến đê tại các xã Y Sơn, Phụ Khánh, Lệnh Khanh, Đan Thượng, Vụ Cầu, Liên Phương đã bị tràn. Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Hạ Hòa đã nhanh chóng triển khai các phương án khắc phục hậu quả nhằm giảm thiểu thiệt hại do cơn lũ gây ra.
Còn tại sông Bứa, huyện Tam Nông, mực nước lên cao đã làm hàng chục nhà dân bị gập; hơn 20 hộ dân thuộc khu vực bãi sông xã Tề Lễ đã được di dời vào nơi an toàn.
Tại xã Quang Húc hiện có 76 lồng cá với 16 hộ nuôi trên sông Bứa, nước sông lên nhanh, chảy xiết có nguy cơ ảnh hưởng và có thể gây thiệt hại cho các hộ. Lãnh đạo xã đã kiểm tra thực tế, yêu cầu các hộ neo lồng cố định, kiểm tra dây neo, mối hàn, điểm nối để gia cố lại cho chắc chắn, đặc biệt là lưới xung quanh lồng, đáy lồng, lưới chắn mặt lồng để có biện pháp xử lý kịp thời; khi có diễn biến xấu có thể di chuyển về vị trí gần bờ, tránh bị trôi khi nước chảy mạnh. Trong trường hợp không thể di chuyển được thì người nuôi hạ độ sâu của lồng để giảm bớt tác động của nước lũ.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Việt Bắc, ngày 21/7, mực nước trên sông Thao tại Ấm Thượng, thị xã Phú Thọ tiếp tục lên nhanh; tình hình thời tiết, mưa, lũ còn diễn biến phức tạp, khó lường. Để chủ động ứng phó với mưa, lũ do hoàn lưu cơn bão số 3, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành công điện yêu cầu các huyện, thành, thị dừng các hoạt động, hội nghị không cần thiết để tập trung chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả mưa, lũ; kiểm tra, rà soát, chủ động triển khai phương án sơ tán các hộ dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là tại các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, khu vực thường xuyên bị ngập, khu vực khai thác khoáng sản, khu vực hạ lưu các hồ đập có nguy cơ xảy ra sự cố để bảo bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, nhu yếu phẩm theo phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, đảm bảo chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) các khu vực xung yếu, nhất là các khu vực dễ bị chia cắt để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu, kịp thời giải tỏa ách tắc giao thông khi cần thiết.…