Các tỉnh miền núi phía Bắc thiệt hại lớn do mưa lũ

Tại Lào Cai, do mưa to ở đầu nguồn, nên lũ lớn tiếp tục dâng cao trên các suối Nậm Tha, suối Nhù, suối Chăn, suối Nậm Mả của huyện Văn Bàn, làm ngập lụt thêm nhiều diện tích lúa, hoa màu của các xã: Nậm Tha, Chiềng Ken, Liêm Phú, Võ Lao, Văn Sơn.

Chú thích ảnh
Mưa liên tục khiến nước dâng cao tại huyện Mộc Châu (Sơn La), làm ngập úng cục bộ và gây thiệt hại về tài sản, hoa màu của người dân. Ảnh: TTXVN phát

Theo thống kê, đến 14 giờ ngày 20/7, trên địa bàn các huyện Văn Bàn, Bảo Thắng đã có 51 ngôi nhà bị ngập nước, 2 ngôi nhà bị sạt lở phải di chuyển. Mưa lũ cũng làm ngập úng và vùi lấp 333,5 ha lúa ngô và hoa màu; 7,4 ha ao cá bị nước tràn bờ. Mưa lớn đã làm đất đá sụt sạt hư hỏng 2 phòng học tại Trường Tiểu học và Mầm non số 2 Nậm Xây. Nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn các huyện Mường Khương, Văn Bàn, Bảo Thắng tỉnh Lào Cai cũng bị sụt lún, sạt lở ta luy âm gây nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại.


Đặc biệt, mưa lũ đã làm đường tỉnh 151 bị ngập lụt, ách tắc giao thông cục bộ tại 6 vị trí; đường tỉnh 161, 157,4E bị đất bùn tràn mặt đường 5 vị trí; ngập 1,5 km đường giao thông Hải Sơn - Sơn Hải (Bảo Thắng)… Cầu treo Khe Coóc, xã Nậm Tha, huyện Văn Bàn, đã bị lũ cuốn trôi hoàn toàn. Mưa lũ cũng làm 4 công trình đập đầu mối thủy lợi tại xã Liêm Phú bị đất đá vùi lấp; công trình cấp nước sinh hoạt Nà Đoong - xã Nậm Xây bị lũ cuốn gây hư hỏng. Mưa lũ và gió lốc đã làm 35 cột viễn thông và 2 cột đường dây hạ thế tại xã Nậm Tha, huyện Văn Bàn, bị gãy đổ.

Ngoài ra, mưa lũ cũng đã làm Cụm thủy điện Nậm Tha của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển năng lượng Phúc Khánh (trụ sở tại tỉnh Lào Cai) bị thiệt hại nặng nề. Cụ thể, toàn bộ Nhà máy thủy điện Nậm Tha 4 bị ngập chìm trong nước lũ, đất đá bồi lắng toàn bộ lòng hồ (khoảng 50 nghìn m3), khoảng 300 m đường ống dẫn nước cao áp quay tua bin phát điện bị vỡ, khu nhà ở tập thể cùng toàn bộ tài sản và vật dụng sinh hoạt của công nhân vận hành nhà máy bị lũ cuốn trôi. Nhà máy thủy điện Nậm Tha 5 và 6 bị vỡ vai đập, bồi lắng lòng hồ chứa (khoảng 50 nghìn m3/hồ), sạt lở đường vận hành từ nhà máy đến hồ chứa. Cả ba nhà máy đã phải dừng phát điện. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 200 tỷ đồng.

Ngay khi nhận được tin mưa lũ xảy ra trên địa bàn, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các địa phương ứng cứu, sơ tán người ra khỏi khu vực nguy hiểm, bố trí lực lượng dân quân tự vệ giúp đỡ các hộ gia đình bị ngập di chuyển người và tài sản đến vị trí an toàn; bố trí lực lượng ứng trực, cảnh giới tại các nơi sung yếu. Đến 17giờ ngày 20/7, tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Lào Cai, trời vẫn tiếp tục mưa, mực nước tại các vùng hạ lưu vẫn đang dâng...

Trong ba ngày (từ ngày 18 - 20/7), tại Sơn La xảy ra mưa liên tục trên diện rộng làm thiệt hại nhiều tài sản, hoa màu của nhân dân.

Tại huyện Mộc Châu đã xảy ra mưa liên tục với cường độ cao, gây lũ trên các sông, suối và ngập úng cục bộ trên địa bàn các xã, thị trấn, làm thiệt hại hoa mầu, nhà ở của nhân dân, làm sạt lở các công trình giao thông liên huyện, liên xã. Huyện Mộc Châu đang tập trung rà soát, thống kê thiệt hại và huy động lực lượng khắc phục hậu quả mưa lũ.

Theo thống kê sơ bộ, đến trưa 20/7, trên địa bàn huyện Mộc Châu, mưa lũ đã làm ngập 39 ngôi nhà tại thị trấn Mộc Châu và các xã Đông Sang, Tân Lập, Phiêng Luông; 42 ngôi nhà bị đất đá sạt lở trôi vào nhà; 2 ngôi nhà tại bản Kè Tèo (xã Nà Mường) bị đổ sập hoàn toàn. Bên cạnh đó, hàng chục ngôi nhà phải di chuyển khẩn cấp, trong đó xã Phiêng Luông có 7 ngôi nhà bị ngập và 1 ngôi nhà bị sạt lở.

Tại huyện Mộc Châu: Nơi bị thiệt hại nặng nề nhất hiện nay do trận mưa lũ là xã Nà Mường, người dân ở 23 ngôi nhà phải di chuyển đồ đạc, 4 hộ dân phải di chuyển khẩn cấp, 2 ngôi nhà bị đổ sập và nhiều tuyến đường liên bản, liên xã bị sạt lở.

Ông Mùi Văn Sứ, Chủ tịch UBND xã Nà Mường, huyện Mộc Châu, cho biết UBND xã đã thành lập các tổ công tác xuống các bản, tiểu khu để rà soát những điểm có nguy cơ sạt lở, có phương án di dời nhân dân đến nơi an toàn. Đối với các điểm, đường có nguy cơ sạt lở, xã đã cử cán bộ, lực lượng cắm biển cảnh báo nguy hiểm, điểm có nguy cơ sạt lở cao; các tuyến đường có lực lượng cảnh giới, cảnh báo cho người dân biết để phòng tránh thiệt hại về người và phương tiện đi lại.

Cũng tại huyện Mộc Châu, mưa to kéo dài và lũ lớn đã gây thiệt hại nặng về nông lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn; trong đó hàng chục ha lúa của nhân dân tại các xã Tân Lập, Tân Hợp, Tà Lại, Chiềng Hắc, Phiêng Luông bị ngập úng. Nhiều tuyến đường tỉnh lộ, quốc lộ bị sạt lở nghiêm trọng, đặc biệt tuyến Quốc lộ 43 từ huyện Mộc Châu đi huyện Phù Yên bị tắc nghẽn hoàn toàn. Tại địa phận xã Nà Mường có 9 điểm sạt lở lớn, bùn đất phủ kín mặt đường. Riêng khu vực bản Sằm Lằm, xã Nà Mường có khoảng 30m chiều dài mặt đường Quốc lộ 43 bị sạt lở xuống taluy âm. Tuyến đường liên xã Nà Mường - Quy Hướng có 5 điểm sạt lở lớn và xã Quy Hướng đang bị cô lập.

Mưa lớn trên địa bàn huyện Vân Hồ đã khiến 1 người bị thương; 26 hộ dân bị ảnh hưởng. Điểm Trường Tiểu học tại bản Co Tang, xã Lóng Luông bị ngập; nhiều diện tích hoa màu bị ngập trắng và cuốn trôi hoàn toàn. Mưa lớn cũng làm sạt lở khoảng 1.000 m3 đất, đá trên tuyến đường Quốc lộ 6, khu vực bản Co Chàm (xã Lóng Luông), đoạn giáp huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình; một số tuyến đường liên xã, bản bị sạt lở nghiêm trọng, trong đó có các bản Suối Mực, Pà Puộc, Bướt, Có Bá, Niên, Nà Bai (xã Chiềng Yên) bị chia cắt, cô lập…

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La, đến 17 giờ ngày 20/7, mưa lũ trên địa bàn tỉnh Sơn La đã làm 1 người bị thương là em Lý Thị Thanh, sinh năm 1990, tại bản Cò Hào, xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ; 206 nhà bị ảnh hưởng, trong đó có 8 nhà tại huyện Vân Hồ có nguy cơ sập đổ, xói trôi; 26.600 m3/213 điểm sạt ta luy dương; 2 cầu treo ở huyện Yên Châu và Vân Hồ bị cuốn trôi. Cùng với đó, mưa lũ ở Sơn La đã làm 250 m kè của 2 huyện Mường La và Mộc Châu sập đổ, hư hỏng hoàn toàn; lúa mới cấy bị ngập trắng và cuốn trôi khoảng 234,7 ha; lúa sắp thu hoạch bị ngập 2,85 ha, bị vùi lấp 5,41 ha, chè bị ngập 1,7 ha... UBND các huyện đã chỉ đạo các cấp, các ngành và nhân dân thực hiện phòng chống, khắc phục hậu quả; kịp thời di chuyển các hộ gia đình có nguy cơ bị ngập lụt, sạt lở đất đến nơi an toàn, di chuyển đồ đạc đến nơi cao ráo để hạn chế thiệt hại.

Do ảnh hưởng của bão số 3, từ ngày 18/7 đến nay ở Phú Thọ có mưa vừa và lớn kéo dài, gây thiệt hại nhiều về tài sản, hoa màu ở một số địa phương trong tỉnh.

Tại huyện miền núi Tân Sơn, đến thời điểm này, gần 20 nhà dân bị ngập và có nguy cơ bị ngập nặng. Các lực lượng chức năng di dời khẩn cấp 13 hộ dân khỏi vùng ngập lụt, đang theo dõi 3 hộ có nguy cơ bị ngập tại các xã Xuân Đài, Tam Thanh, Kim Thượng. Ngoài ra, mưa lớn đã làm 35,4 ha lúa và hoa màu bị ngập; 150 m3 đất đá bị sạt lở tại các vị trí đường 316D qua khu Sặt - Vinh Tiền, khu Mận Gạo đường từ UBND xã Vinh Tiền đi Kim Thượng, điểm Dốc Đỏ đi Xuân Sơn. Nước lũ ở các suối, cầu tràn dâng cao, chảy xiết nên hệ thống giao thông một số đường liên thôn, liên xã bị chia cắt.

Tại các huyện Cẩm Khê, Hạ Hòa, mực nước sông Thao dâng cao trên mức báo động 3. Hiện mực nước sông vẫn đang tiếp tục lên. Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Cẩm Khê, đến 17 giờ ngày 20/7, toàn huyện đã có 17ha lúa lai và 12ha ngô, rau màu bị ngập úng ở các xã Tiên Lương, Tuy Lộc, Ngô Xá, Sai Nga… Một số diện tích nuôi trồng thủy sản, nước dâng cao có nguy cơ tràn bề mặt…

Mưa lớn cũng gây ngập, tắc nghẽn dòng chảy tại cống Ngòi Mực thuộc địa bàn xã Tiên Lương. Hiện lãnh đạo huyện Cẩm Khê đã trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo các địa phương liên quan tiến hành tiêu úng, bảo vệ diện tích sản xuất cho các xã Tiên Lương, Tuy Lộc, Ngô Xá (huyện Cẩm Khê), Minh Côi (huyện Hạ Hòa).

Trên tuyến đê sông Thao thuộc địa bàn các huyện: Hạ Hòa, Cẩm Khê, Thanh Ba, mực nước sông vẫn đang dâng cao. Tỉnh Phú Thọ yêu cầu Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện triển khai lực lượng, vật tư, phương tiện theo cấp báo động đã quy định; tăng cường tuần tra, canh gác, phát hiện mọi sự cố, hư hỏng của đê, kè, cống và có biện pháp xử lý kịp thời.

Trước đó , Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo các địa phương theo dõi sát diễn biến thời tiết, tình hình mưa bão trên địa bàn và chủ động các biện pháp ứng phó, khắc phục thiệt hại, đảm bảo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ)…

TTXVN/Báo Tin tức
Yên Bái lập Sở chỉ huy hiện trường khắc phục hậu quả mưa lũ tại huyện Văn Chấn
Yên Bái lập Sở chỉ huy hiện trường khắc phục hậu quả mưa lũ tại huyện Văn Chấn

Theo báo báo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn huyện Văn Chấn, tính đến 13 giờ ngày 20/7, toàn huyện có 17 người chết và mất tích do mưa lũ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN