Khoảng 16.000/32.000 hộ được di dời đã trở về nơi ở sau khi nước rút. Công tác dọn dẹp vệ sinh, khắc phục hậu quả đang được người dân và các đơn vị tích cực triển khai nhằm sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Đến sáng nay, mực trước trên sông Nhật Lệ và sông Kiến Giang đã rút nhanh xuống báo động II. Tại các xã Hàm Ninh, Xuân Ninh, Tân Ninh... thuộc huyện Quảng Ninh nước đã rút khoảng 50cm, tuy nhiên nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã vẫn chưa thể thông tuyến do một số vị trí còn ngập nước. Tại huyện Lệ Thủy, cũng tình trạng tương tự, mặc dù nước lũ đã rút nhưng do đây là vùng trũng nên nhiều xã vẫn chưa thể tiếp cận bằng đường bộ.
Tại rốn lũ Tân Hóa, huyện Minh Hóa nước vẫn còn ngập sâu hơn 1m, công tác cứu trợ gặp nhiều khó khăn. Riêng các huyện vùng bắc Quảng Bình như: thị xã Ba Đồn, Bố Trạch nước đã rút, các tuyến đường đều đã thông tuyến thuận lợi cho công tác cứu trợ. Công tác vệ sinh đang được người dân, các đơn vị tích cực triển khai với phương châm “nước rút đến đâu vệ sinh đến đó” nhằm phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ.
Nhiều tuyến giao thông trên địa bàn bị sạt lở nghiêm trọng, các phương tiện không thể đi lại. Cụ thể như Quốc lộ 12A, đoạn km137+100 toàn bộ nền đường bị đứt gãy, sụt lún, lực lượng chức năng đã cắm biển phong tỏa không để người dân, phương tiện giao thông đi qua. Một số tuyến tỉnh lộ bị sạt lở, phương tiện giao thông không thể qua lại như ở Km34+00, Km41+064 Quốc lộ 9C; Km28+900 Quốc lộ 9E; Km55+00 - Km60+00 và Km71 - Km83+00 Quốc lộ 9B... Tuyến đường độc đạo vào xã miền núi Trường Sơn, huyện Quảng Ninh nhiều điểm sạt lở làm mất nền đường, phương tiện giao thông cũng không thể qua lại.
Hiện các hồ chứa do địa phương quản lý đã đạt 100% dung tích thiết kế, tuy nhiên có 4 hồ chứa có nguy cơ mất an toàn gồm: Hồ Khe Gạo (huyện Bố Trạch), hồ Dạ Lam (huyện Lệ Thủy), hồ Trởm-Hiền Ninh và hồ Hóc Bốm-Trường Xuân (huyện Quảng Ninh). Lực lượng chức năng đã triển khai các phương án ứng phó.