Việc khai thác quá mức, liên tục các mạch nước ngầm ở nhiều khu vực đã dẫn đến suy giảm nghiêm trọng, làm cho đất đai bị sụt lún, dẫn đến nguy cơ cạn kiệt tài nguyên nước ngầm.
Khai thác quá mức an toàn
Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho thấy, tại tất cả vị trí đo đạc, mực nước ngầm đã giảm sút, có những nơi rất nghiêm trọng, đặc biệt vào mùa khô tại các tỉnh ven biển như: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre. Hệ quả là tình trạng lún sụt mặt đất đang xảy ra ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Việc khai thác nước dưới đất với số lượng lớn và mật độ cao đã làm suy giảm nguồn nước dưới đất, dẫn đến tăng số lượng giếng khai thác, tăng thời gian và chi phí tưới tiêu, giảm năng suất. Ngoài ra, việc bơm quá mức nước ngầm cho các hoạt động nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản khiến nước ngầm trong tầng chứa nước bị nhiễm mặn.
Ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các công trình quan trắc cho thấy mực nước dưới đất đều có xu hướng hạ thấp theo thời gian với tốc độ trung bình khoảng 0,06 - 0,4 m/năm tùy theo tầng chứa nước, trong đó các tầng chứa nước có tổng lượng khai thác lớn, có tốc độ hạ thấp lớn hơn, trong khoảng 0,3 - 0,4 m/năm. Đối với vùng ven biển, đặc biệt là thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng - nơi mà nước dưới đất được sử dụng chính cho nhu cầu sinh hoạt sản xuất nông nghiệp và cả nuôi trồng thủy sản. Mật độ công trình khai thác nước dưới đất ở Vĩnh Châu cao dẫn đến chất lượng và mực nước dưới đất tại Vĩnh Châu đã hạ thấp đáng kể trong những năm trở lại.
Hiện Cà Mau có khoảng 180.000 giếng nước ngầm; trong đó 40.000 giếng nước đã bị ô nhiễm nghiêm trọng (theo tiêu chuẩn quy định phải đóng nắp, không được sử dụng do không bảo đảm các tiêu chuẩn vệ sinh). Một số vùng không thể khai thác nước ngầm vì không có nước. Tuyến kênh 29 thuộc rừng tràm U Minh Hạ người dân đã thử khoan độ sâu hơn 200 mét nhưng vẫn không có nước. Có điều nghịch lý là dù số lượng giếng nước ngầm nhiều như vậy nhưng hiện còn tới 20% hộ dân nông thôn ở tỉnh Cà Mau không có nước sạch để dùng.
Tại tỉnh Bến Tre, hạn mặn tấn công nặng nề nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long nên việc khoan giếng tầng nông trái phép diễn ra nhiều, nhất là các xã có vườn sầu riêng, chôm chôm như: Tiên Long, Tiên Thủy, Phú Túc, Tân Phú… Điều này cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước ngầm trên địa bàn.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bạc Liêu cho thấy, toàn tỉnh hiện có hơn 93.000 giếng khoan. Các địa phương có số lượng giếng khoan nhiều là huyện Vĩnh Lợi với hơn 25.800 giếng, Đông Hải gần 16.000 giếng, Thị xã Giá Rai hơn 15.800 giếng... Tuy nhiên, một trong những vấn đề đáng quan tâm là nhiều nơi người dân lạm dụng việc khai thác nguồn nước ngầm phục vụ sản xuất và sinh hoạt, gây lãng phí nguồn tài nguyên này, nhất là việc khoan giếng nước ngầm phục vụ nuôi trồng thủy sản.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Quang Khải, Khoa Môi trường và Tài nguyên (Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, từ năm 2000 đến nay, lượng khai thác nước ngầm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng tăng, hiện tại đã lên đến hơn 700.000 m3/ngày. Việc khai thác quá mức khiến nước ngầm đang suy giảm, đặc biệt các quận ngoại thành như Gò Vấp, Tân Bình… mực nước ngầm đã xuống tới 40 m so với mặt đất. Việc sụt lún mặt đất xảy ra ngày càng nhiều do khai thác quá mức lượng nước ngầm trong khối đất vốn có tác dụng giúp giữ ổn định.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Quang Khải, năm 2019 cũng xảy ra nhiều vụ sụt lún ở quận Bình Chánh. Theo ghi nhận, nền đất sụt lún trung bình 4 cm/năm, phần lớn liên quan đến hoạt động của con người, trong đó một phần trực tiếp do khai thác nước ngầm. Theo nhiều nghiên cứu của trường Đại học Bách khoa, tình trạng khai thác nước ngầm đã dẫn đến ô nhiễm chất lượng nguồn nước và xâm nhập mặn ở nhiều khu vực như Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh...
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Cố vấn Nghiên cứu Khoa học Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu - Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, việc gia tăng sử dụng nguồn nước ngầm trong những năm gần đây là vấn đề nhiều nơi đã báo động, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu - nước biển dâng, tác động của việc giảm sút nguồn nước sông Mê Công và nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt và sản xuất nhiều hơn.
Các giải pháp đồng bộ
Để quản lý tốt hơn tình trạng khai thác nước ngầm, Chính phủ đã ban hành Nghị định 167/2018-NĐ-CP quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất. Trong đó quy định, các địa phương tổ chức khoanh định, công bố Danh mục các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và áp dụng các biện pháp hạn chế khai thác tại các khu vực nước dưới đất có nguy cơ bị ô nhiễm, xâm nhập mặn, hạ thấp mực nước quá mức, sụt lún đất… Nhằm hạn chế việc hạ thấp mực nước quá mức trong các tầng chứa nước, Nghị định có những quy định cụ thể ngưỡng giới hạn về mực nước dưới đất tùy theo từng khu vực.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, trước hết các đô thị lớn, các vùng kinh tế trọng điểm cần hạn chế khai thác lưu lượng nước dưới đất quá lớn tại các khu vực có nguy cơ bị xâm nhập mặn (ít nhất giảm việc khai thác khoảng 1% cho mỗi năm). Các khu vực ven biển nên có quy hoạch khu vực khai thác nước an toàn đối với mỗi lưu lượng khai thác nước nhằm hạn chế dịch chuyển ranh giới mặn nhạt và giảm tốc độ xâm nhập mặn.
Ngoài biện pháp lưu trữ nước ngọt, tiết kiệm sử dụng nước và chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, có thể áp dụng kỹ thuật bổ cập nước ngầm nhân tạo bằng cách bơm nén nguồn nước ngọt từ nước mưa, nước lũ, nước sông sạch xuống các vỉa nước dưới đất để dần dần phục hồi trữ lượng như trước đây.
Theo ông Triệu Đức Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần áp dụng giải pháp tích hợp theo hướng tiếp cận liên kết vùng. Trước mắt, vùng Đồng bằng sông Cửu Long khẩn trương hoàn thành việc xây dựng Quy hoạch tổng thể trên cơ sở rà soát các quy hoạch ngành, lĩnh vực, địa phương, đặc biệt là quy hoạch thủy lợi, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, cấp nước, giao thông thủy, lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần tăng cường vai trò điều phối, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra. Các cơ chế liên kết các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần đưa vào hoạt động để đảm bảo khai thác, sử dụng tài nguyên nước bền vững phù hợp với đặc điểm hệ sinh thái tự nhiên, các mục tiêu phát triển kinh tế và phát triển bền vững tài nguyên nước…
Nhằm ứng phó với suy giảm chất lượng nước ngầm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Khuyến cho rằng, các địa phương thực hiện quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước quốc gia trong đó quy hoạch khai thác hợp lý, điều chỉnh phương án khai thác nước dưới đất hiện tại cho phù hợp, đảm bảo tổng lượng khai thác không vượt quá trữ lượng của nước dưới đất, không vượt ngưỡng giới hạn khai thác an toàn…
Cùng với đó, Cục đã đề xuất từng bước đầu tư nâng cấp, hoàn thiện việc xây dựng, vận hành hệ thống giám sát hoạt động khai thác nước dưới đất để theo dõi, phát hiện các công trình bị suy giảm mực nước quá mức và có phương án xử lý kịp thời; nâng cấp, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về nước dưới đất.
Tại Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, việc khai thác nước ngầm tràn lan là một trong các nguyên nhân chính gây sụt lún, ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, với nền địa chất ở khu vực này yếu, trong khi có nhiều công trình xây dựng lớn dẫn đến nguy cơ sụt lún cao ở đây. Chính phủ có đề án điều tra, đánh giá tổng thể về các nguyên nhân như sử dụng nước ngầm, cấu trúc địa chất trong khu vực ở thời điểm hiện tại, để từ đó, đưa ra giải pháp toàn diện, đặc biệt là sẽ có một Nghị quyết của Bộ Chính trị về việc tăng cường vai trò và định hướng chiến lược địa chất.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, trước mắt, cần sử dụng nước mặt thay cho khai thác nước ngầm để phục vụ phát triển kinh tế -xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu ở khu vực này. Các địa phương ở trong vùng khi phát triển hạ tầng cần có tính toán, dựa trên các số liệu khoa học về địa chất, công trình thủy văn để đưa kế hoạch thực hiện phù hợp với thực tiễn.