Ngày Nước Thế giới 22/3: Cấp thiết bảo vệ nguồn nước ngầm ở TP Hồ Chí Minh

Thành phố Hồ Chí Minh cần sớm có các giải pháp hiệu quả hơn trong việc hạn chế khai thác, sử dụng hợp lý cũng như bảo vệ nguồn nước ngầm.

Đây là nội dung được các chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước nêu ra tại Tọa đàm “Bảo vệ nước ngầm, đừng để quá muộn” do Báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh và Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn phối hợp tổ chức ngày 17/3. 

Báo động tình trạng khai thác nước ngầm

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi Tọa đàm. 

Chia sẻ tại tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Quang Khải, Khoa Môi trường và Tài nguyên (Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, theo ghi nhận, từ năm 2000 đến nay, lượng khai thác nước ngầm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng tăng, hiện tại đã lên đến hơn 700.000 m3/ngày. Việc khai thác quá mức khiến nước ngầm đang suy giảm, đặc biệt các quận ngoại thành như Gò Vấp, Tân Bình… mực nước ngầm đã xuống tới 40 m so với mặt đất. Việc sụt lún mặt đất xảy ra ngày càng nhiều do khai thác quá mức lượng nước ngầm trong khối đất vốn có tác dụng giúp giữ ổn định.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Quang Khải, năm 2019 cũng xảy ra nhiều vụ sụt lún ở quận Bình Chánh. Theo ghi nhận, nền đất sụt lún trung bình 4 cm/năm, phần lớn liên quan đến hoạt động của con người, trong đó một phần trực tiếp do khai thác nước ngầm. Theo nhiều nghiên cứu của trường Đại học Bách khoa, tình trạng khai thác nước ngầm đã dẫn đến ô nhiễm chất lượng nguồn nước và xâm nhập mặn ở nhiều khu vực như Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh...

 Cụ thể hơn về chất lượng nguồn nước ngầm hiện nay, theo bác sĩ Cao Ngô Lẫm, Trưởng Khoa Sức khỏe cộng đồng - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2015, Trung tâm đã lấy mẫu 1.400 mẫu nước giếng khoan để xét nghiệm và nhận thấy, tỷ lệ nước không đạt chỉ tiêu hóa lý lên đến hơn 70%, không đạt chỉ tiêu vi sinh từ 2 - 5%. Đến năm 2021, Trung tâm đã lấy 160 mẫu nước giếng khoan, về hóa lý chỉ đạt gần 1,88 %, về vi sinh đạt 85%. Trong đó, chất lượng nước ở các quận, huyện như Quận 12, Bình Tân, Tân Bình, Bình Chánh, Hóc Môn có tỷ lệ mẫu nước đạt không cao. “Hiện nay, Bộ Y tế đã có quy chuẩn đánh giá chất lượng nước sinh hoạt mới với 99 chỉ tiêu. Nếu đánh giá chất lượng nước giếng khoan theo quy chuẩn này, 100% mẫu sẽ không đạt”, bác sĩ Cao Ngô Lẫm thông tin.

 Dưới góc độ quản lý nhà nước, ông Huỳnh Thanh Nhã, Trưởng Phòng Quản lý Tài nguyên Nước và Khoáng sản, Sở Tài nguyên Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện có hai nhóm đối tượng sử dụng nước ngầm. Một là, doanh nghiệp muốn sử dụng nước ngầm phải xin phép. Sở yêu cầu các doanh nghiệp này phải có cam kết kế hoạch giảm hàng năm, đơn vị nào phải giảm hoặc không giảm phụ thuộc vào điều kiện thực tế, chứ không theo ý muốn chủ quan của doanh nghiệp. Với nhóm hai - người dân, hằng năm Sở đều phối hợp với quận, huyện, phường, xã rà soát danh sách hộ dân sử dụng nước sạch sinh hoạt và thấy được nhu cầu của dân rất đa dạng. Chẳng hạn ở các nơi nhu cầu tưới tiêu nhiều như Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh... rất khó kiểm soát được ranh giới của việc sử dụng nước ngầm cho cá nhân hay cho sản xuất, tưới tiêu.

Đồng bộ các giải pháp 

Chú thích ảnh
Các đại biểu tham luận tại tọa đàm.

Là đơn vị được giao cung cấp nước chính cho Thành phố Hồ Chí Minh, ông Bùi Thanh Giang, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn cho biết, hiện nay Tổng Công ty đảm nhận cung cấp nước chính trên địa bàn Thành phố, trừ huyện Củ Chi, với sản lượng 1,9 triệu m3/ngày đêm, trong đó sản lượng nước ngầm 3%. Theo chủ trương của Thành phố, Tổng Công ty đang thực hiện lộ trình hạn chế khai thác nước ngầm. Trước đây, nước ngầm được khai thác hơn 130 nghìn m3/ngày đêm. Hiện nay, sau hơn 10 năm, ngành cấp nước Thành phố đã giảm tổng lượng khai thác xuống còn 70 nghìn m3/ngày đêm. Đến năm 2021, lưu lượng khai thác nước ngầm tiếp tục giảm về mức 66 nghìn m3/ngày đêm, hầu hết các trạm cấp nước duy trì khai thác đều thuộc địa bàn huyện Bình Chánh (gồm 22 trạm cấp nước cho địa bàn huyện và Nhà máy nước ngầm Tân Phú).

Theo ông Bùi Thanh Giang, bức tranh giảm khai thác nước ngầm tại Thành phố tươi sáng hơn trong những năm tới khi ngành cấp nước đặt mục tiêu giảm mạnh việc khai thác nước ngầm bằng cách tập trung đầu tư lắp đặt hệ thống mạng lưới cấp nước nhằm bao phủ toàn Thành phố. Gần nhất là mục tiêu cho năm 2022, việc khai thác nước ngầm về mức 60 nghìn m3/ngày đêm và 2023 giảm về mức 50 nghìn m3/ngày đêm.

 Về chế tài xử phạt hành vi khai thác nước ngầm trái phép, luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, việc khai thác nước dưới đất không phép là hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước và sẽ bị xử lý vì khai thác tràn lan nguồn nước ngầm không theo quy định sẽ làm ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước. Để bảo vệ nguồn nước ngầm và hạn chế trình trạng khai thác mạch nước ngầm tràn lan, Luật Tài nguyên nước năm 2012 nghiêm cấm hành vi thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước và hành nghề khoan nước dưới đất trái phép.

Theo điều 9, Nghị định số 36/2020/NĐ-CP về mức phạt đối với vi thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước không đăng ký, không có giấy phép, mức phạt cao nhất có thể lên đến 110 triệu đồng đến 140 triệu đồng đối với hành vi khai thác, sử dụng tài nguyên nước không có giấy phép cho sản xuất nông nghiệp với lưu lượng từ 2 m3/giây trở lên. Ngoài ra, cá nhân, hộ gia đình vi phạm sẽ bị buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước đối với các hành vi vi phạm quy định tại điều này mà gây ô nhiễm, suy giảm chất lượng và số lượng nguồn nước.

Dưới góc độ doanh nghiệp sử dụng nước, ông Nguyễn Hữu Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Wash-Up Holdings cho biết, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực rửa xe, sử dụng nước, chúng tôi luôn trăn trở làm sao sử dụng nguồn nước một cách tiết kiệm và hiệu quả để bảo vệ nguồn nước. Thông qua việc chuyển đổi số, với công nghệ hơi nước mà Công ty đang áp dụng giúp tiết kiệm cho môi trường một lượng nước đáng kể, giảm 30 lần so với phương pháp rửa xe truyền thống.

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, nguồn tài nguyên nước không phải vô hạn, hiện nay ô nhiễm nguồn nước sông, kênh rạch ngày càng trầm trọng, nếu không bảo vệ nước ngầm, trong tương lai chúng ta sẽ gặp khó khăn lớn về nguồn nước sinh hoạt. Thời gian qua, Thành phố đã khảo sát về thực trạng và nguyên nhân sử dụng nước ngầm, ghi nhận có những địa phương có đến vài chục ngàn giếng khoan. 

“Chúng ta cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng về hậu quả, chất lượng nước ngầm. Tôi tin người dân hiểu biết sẽ chọn phương án sử dụng nước sạch, tận dụng nước mưa để sản xuất, tưới tiêu. Điều này vừa giúp giảm ngập nước, vừa tái sử dụng nước mưa hiệu quả”, ông Cao Thanh Bình nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Anh Tuấn (TTXVN)
Vai trò quan trọng của nước ngầm trong hệ thống nước
Vai trò quan trọng của nước ngầm trong hệ thống nước

Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về Môi trường và Phát triển được tổ chức tại Rio de Janeiro (Brazil) từ ngày 3 đến 14/6/1992, Liên hợp quốc đã ra Nghị quyết lấy ngày 22/3 hàng năm là Ngày nước Thế giới và bắt đầu được tổ chức thường niên từ năm 1993.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN