Vai trò quan trọng của nước ngầm trong hệ thống nước

Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về Môi trường và Phát triển được tổ chức tại Rio de Janeiro (Brazil) từ ngày 3 đến 14/6/1992, Liên hợp quốc đã ra Nghị quyết lấy ngày 22/3 hàng năm là Ngày nước Thế giới và bắt đầu được tổ chức thường niên từ năm 1993.

Chú thích ảnh
Ảnh tư liệu: Đỗ Trưởng/TTXVN

Mỗi năm, Liên hợp quốc lựa chọn một chủ đề cụ thể cho Ngày nước Thế giới để phản ánh những khía cạnh khác nhau về nước. Đây là một sự kiện quốc tế được tổ chức nhằm thu hút sự chú ý của người dân trên khắp trái đất để thấy được tầm quan trọng của tài nguyên nước, đặc biệt là các nguồn nước ngọt và góp phần tăng cường quản lý bền vững nguồn tài nguyên quý giá này.

Chủ đề Ngày nước Thế giới năm 2022 có chủ đề "Nước ngầm" nhằm thu hút sự chú ý đến nguồn tài nguyên nước tiềm ẩn luôn được coi trọng nhưng chưa được công nhận đầy đủ giá trị trong hoạch định chính sách phát triển bền vững.

Với chủ đề này, chiến dịch năm 2022 sẽ nhấn mạnh vai trò quan trọng của nước ngầm trong hệ thống nước và điều kiện vệ sinh, nông nghiệp, công nghiệp, hệ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu. Thông điệp bao trùm của chiến dịch là khám phá, bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước ngầm sẽ là việc làm trọng tâm để tồn tại và thích ứng với biến đổi khí hậu và đáp ứng nhu cầu của dân số ngày càng tăng.

Theo ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện công tác quản lý nước ngầm được triển khai khá tốt ở tất cả các tỉnh với các nội dung như: Tuyên truyền phổ biến pháp luật; điều tra, thống kê hiện trạng khai thác; điều tra đánh giá nguồn nước; cấp phép thăm dò, khai thác nước ngầm; cấp phép hành nghề khoan nước; lập quy hoạch khai thác sử dụng, bảo vệ nước ngầm; khoanh vùng cấm, vùng hạn chế khai thác mở rộng; xây dựng mạng lưới quan trắc; xử lý trám lấp các giếng hỏng, không sử dụng…

Tuy vậy, công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước ngầm chưa gắn kết chặt chẽ với quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu lập quy hoạch khai thác nguồn nước. Trong tìm kiếm, đánh giá nước ngầm chưa nghiên cứu toàn diện các yếu tố giữa nước mặt- nước ngầm, yếu tố môi trường; chủ yếu nghiên cứu các tầng nước nhạt, chưa quan tâm nghiên cứu các tầng nước mặn... Mặt khác, còn tồn tại nhiều vấn đề về địa chất thủy văn chưa được làm rõ, trong đó có cấu trúc địa chất thủy văn và nguồn hình thành trữ lượng nước ngầm ở Đồng bằng Sông Cửu Long.

Do đó, để nâng cao quản lý nước ngầm trong thời gian tới, các tỉnh cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng trong khai thác sử dụng; tăng cường thực thi pháp luật (củng cố bộ máy quản lý, thực thi hệ thống văn bản đã ban hành); tăng cường năng lực điều tra, nghiên cứu, đánh giá nguồn nước. Bên cạnh đó, các tỉnh cần triển khai xây dựng, nâng cấp hệ thống quan trắc, giám sát nước ngầm; thực hiện chương trình bảo vệ nước ngầm ở các đô thị; từng bước lập quy hoạch bảo vệ, khai thác sử dụng nguồn nước ngầm, trước hết tại các khu vực đồng bằng, vùng có tiềm năng nguồn nước ngầm lớn và đang khai thác tập trung cao.

Diệu Thúy (TTXVN)
Suy thoái nguồn nước ngầm ở thành phố ngày càng nghiêm trọng
Suy thoái nguồn nước ngầm ở thành phố ngày càng nghiêm trọng

Chất lượng nước ở Việt Nam đang trên đà suy thoái nghiêm trọng, đặc biệt ở các thành phố lớn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế, sức khỏe, đời sống người dân. Tuy nhiên, việc quản lý vẫn còn nhiều bất cập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN