Nụ cười và mồ hôi của những nhà báo đạt Giải Quốc gia năm 2011



Khán phòng Lễ trao giải Báo chí quốc gia tối 21/6 náo nhiệt và rộn rã tiếng nói cười, lời chúc mừng thành công của các tác giả đạt giải. Tại sự kiện trọng đại này, hoa tươi có mặt ở khắp nơi, được dùng để nói thay lời của những bạn bè, đồng nghiệp, người thân tới những tác giả nhận giải, bù đắp ý nghĩa cho những khó khăn, vất vả của những người hết mình vì nghề báo.


Trong nghề báo, có được những tác phẩm “mang hơi thở cuộc sống” đã là không dễ chứ chưa nói đến tác phẩm được công chúng đón nhận và giành giải cao tại sự kiện lớn nhất giới báo chí cả nước là Giải báo chí quốc gia do Hội Nhà Báo Việt Nam tổ chức.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và đồng chí Đinh Thế Huynh, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trao giải A cho các tác giả. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN


Nở nụ cười mãn nguyện, nhà báo Nguyễn Thùy Vân một trong những tác giả của loạt bài đạt giải A về Phát thanh dành cho tin bài, phản ánh, phỏng vấn, tọa đàm, bình luận, chuyên luận “Chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa nhìn từ công pháp quốc tế" chia sẻ: Đây là lần đầu tiên tôi tham gia Giải báo chí Quốc gia. Giải thưởng lớn này là một thành công mang tính bản lề trong sự nghiệp làm báo của tôi. Là phóng viên Đài TNVN thường trú ở nước ngoài, đôi khi giữa biển thông tin, cái khó của người làm báo là thể hiện bản lĩnh độc lập, đó là lựa chọn và khai thác cái gì mà theo dự cảm của riêng mình là quan trọng và cần thiết cho thính giả Việt Nam…


Cùng nhận chung giải với nhà bào Thùy Vân, nhà báo Lê Văn Phúc (Đài TNVN) tâm sự: Thực hiện loạt bài này, một khó khăn đối với chúng tôi là rất ít các tài liệu chính thống phân tích trên cơ sở luật pháp quốc tế. Các tài liệu mà chúng tôi có được chủ yếu từ các chuyên gia, các nhà nghiên cứu độc lập ở trong nước, quốc tế. Công tác xử lý thông tin từ các nguồn tư liệu này vì vậy mà rất vất vả. Ngoài việc kiểm chứng các thông tin sử dụng, khi đặt bút viết, chúng tôi còn phải dựa vào “thời tiết” ở Biển Đông, mối quan hệ ngoại giao giữa các nước ở thời điểm phát sóng loạt bài, không làm phức tạp thêm tình hình...


Với nhóm tác giả "Chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa nhìn từ công pháp quốc tế”, bên cạnh giải thưởng cao quý được nhận, một tin vui nữa cũng tiếp thêm nghị lực cho anh, các chị bước tiếp trên con đường gian nan nhưng cao quý này là loạt bài trên đã được đưa vào cuốn sách “Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông” do NXB Văn hóa thông tin phát hành.


Với các nhà báo Nguyễn Quang Vinh, Nguyễn Quang Vũ (Báo Tin tức, Thông tấn xã Việt Nam - giải C thể loại tin bài phản ánh, phỏng vấn ghi chép với tác phẩm “Mường Nhé ký sự”, có được những tác phẩm chân thực về điểm nóng Mường Nhé, “nhóm phóng viên cơ động của Thông Tấn xã Việt Nam” nhiều ngày đêm phải ôm bản, vượt rừng với thực phẩm khô, vật dụng dã chiến và luôn sẵn sàng cho một cuộc dấn thân dài ngày vào nơi “bạo động”. Nhà báo Quang Vũ cho rằng mình thực sự may mắn vì có một nhóm đồng nghiệp cùng ý tưởng và cùng triển khai thành công ý tưởng đó. Trong giây phúc xúc động khi nhận giải, anh vẫn không quên những lần cả người, cả xe cùng “dò mìn”, lội suối giữa lưng chừng núi, lưng chừng đèo để tới bản, gặp nhân chứng; những bộ quần áo nhuộm màu đất, lởm chởm rách vì cây rừng hay đá tai mèo níu giữ… tại Mường Nhé.


Vượt qua những khó khăn đó, niềm vui đã đến với nhóm phóng viên và cũng là niềm vui của cả dân tộc là chúng ta đã có được những tác phẩm như những “cú đấm thẳng” vào mớ luận điệu sai trái, cố tình phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực phản động bên ngoài.


Ở thể loại phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký báo chí, phóng viên Hoài Nam của Báo Thanh niên đã dành giải B (không có giải A) với loạt bài “Tinh luyện dầu ăn bằng chất tẩy rửa”. Anh chàng phóng viên vào vai “lái heo”, “lái dầu” rất điêu luyện này ngoài đời rất bình dị. Hoài Nam cho biết mình đã mất 7 tháng trời để đeo bám và mất ăn, mất ngủ mới có đủ bằng chứng khẳng định cơ sở Thái Thành (phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân) tinh luyện dầu ăn bằng chất tẩy rửa, bán ra thị trường hàng chục tấn/tháng, gây nguy hiểm cho người sử dụng ...


Cùng ở tòa báo dành cho giới trẻ trên, phóng viên Tiến Trình giành giải B (không có giải A) thể loại Ảnh báo chí với chùm ảnh “Dồn sức hộ đê cứu lúa: Góc nhìn về những người hùng”. Để có những tấm ảnh ấn tượng này, thay vì chọn cách tác nghiệp dễ nhất là đứng ở bờ bên này ghi lại hình ảnh chống lũ, anh Trình đã xuống xuồng vượt sông giữa cơn lũ dữ để tác nghiệp. Theo anh: quyết định đối mặt hiểm nguy để ghi hình lúc ấy không phải tôi muốn có “cảm giác mạnh”, càng không nghĩ đến chụp ảnh để đi dự giải. Đơn giản, tôi muốn bạn đọc có thêm góc nhìn về những người xông pha chống lũ dữ, đó là những người đáng được sẻ chia, nể trọng mà tôi gọi họ là những người hùng.



Đại diện cho "phe áo dài" nhận giải năm nay, nữ phóng viên Thao Lan, Báo Tài Nguyên & Môi Trường - giải B thể loại Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, ghi chép với tác phẩm “Khắc khoải những dòng sông ô nhiễm” - là cây bút chuyên tâm, gắn bó nhiều năm với lĩnh vực môi trường. Để có được 4 bài viết đăng liên tục trên 4 kỳ báo, tác giả đã truy tìm đến tận gốc nguyên nhân dẫn đến tình trạng “khắc khoải” của các con sông Nhuệ - Đáy, sông Cầu, sông Đồng Nai; nhận định và đánh giá về thực trạng ô nhiễm của các dòng sông và từ đó hướng tới những giải pháp để khắc phục. Nữ tác giả tuổi đã xế chiều này cho rằng nữ giới làm báo có những hạn chế riêng khi làm nghề. Để làm tốt nhiệm vụ, chúng tôi phải đánh đổi nhiều thứ. Khó khăn nhất với tôi luôn là làm sao để cân bằng trách nhiệm làm vợ, làm mẹ va làm nghề.

Còn với các nhà báo “tỉnh lẻ” như Lê Đức Việt, phóng viên Báo Quảng Trị (giải C với tác phẩm “Bản không thuốc lá, rượu bia), Thủy Dung phóng viên Đài Phát thanh Truyền hình Lâm Đồng (giải khuyến khích với tác phẩm “Vòng quay vỡ đát”), để được ghi nhận tại Giải Báo chí Quốc gia, phóng viên, nhà báo ở các tỉnh gặp rất nhiều khó khăn từ việc lựa chọn đến việc tiếp cận và thể hiện đề tài. Bởi ở địa phương rất hiếm gặp các đề tài lớn, hơn phóng viên thường không quen với cách làm báo hiện đại, các phương tiện hỗ trợ cũng thiếu thốn rồi tâm lý “tỉnh lẻ” … càng khiến cho báo chí địa phương yếu thế hơn báo trung ương.


Nhờ những đam mê, tinh thần vượt khó, các tác phóng viên, nhà báo tạo ra những sản phẩm có tầm ảnh hưởng xã hội cao, thể hiện tính chuyên nghiệp, hấp dẫn. Những tác phẩm ấm hơi thở cuộc sống này được đến với công chúng góp phần phản ánh chân thực mọi mặt đời sống báo chí nước nhà - Đó là đánh gía của Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà Báo Việt Nam, Hà Minh Huệ.


Mỹ Bình


Tổ chức trọng thể Lễ trao Giải báo chí Quốc gia lần thứ VI năm 2011
Tổ chức trọng thể Lễ trao Giải báo chí Quốc gia lần thứ VI năm 2011

Kỷ niệm 87 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, tối 21/6, tại Cung Văn hóa Hữu Nghị Hà Nội đã diễn ra Lễ trao Giải báo chí Quốc gia lần thứ VI năm 2011, tôn vinh 95 tác phẩm xuất sắc thuộc 8 thể loại báo chí.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN